Thứ bảy, 20/04/2024 00:39 (GMT+7)

Nhiều mầm bệnh “rình rập” người dân ở bệnh viện

MTĐT -  Thứ năm, 11/10/2012 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giáo sư Trần Qụy - Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, điều tra cơ bản cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn ở bệnh viện tại Việt Nam trong khoảng từ 5-8% và có một số bệnh viện tỷ lệ này lên tới trên 8% số người nhập viện

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều người bệnh cho rằng đã vào đến bệnh viện là vô trùng và an toàn mà không hay biết rằng môi trường nơi đây đầy rẫy những mầm bệnh nguy hiểm có thể tấn công họ bất cứ lúc nào nếu như không có biện pháp dự phòng.

50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện được coi là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu hiện nay tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện hiện nay đã tạo điều kiện cho nguy cơ nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Đây là loại nhiễm khuẩn thường do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện, dẫn tới nguy cơ bệnh chồng bệnh.

Ông Phạm Đức Mục - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện. Các nhiễm khuẩn thường gặp là viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết bỏng…

"Nhiễm khuẩn bệnh viện rất dễ xảy ra bởi hầu hết các bệnh nhân khi vào viện là tiêm, xông tiểu. Những việc làm đó chính là chúng ta đang đưa vi khuẩn vào người, vào các cơ quan nội tạng” – ông Mục nhận định.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành năm 2011 cho thấy, tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhiều nhất là khoa chăm sóc đặc biệt (52%), khoa ngoại (28%), khoa nội (19%).

Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trên 178 bệnh nhân có nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn tại bệnh viện này từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2011 cho thấy, tình trạng nhiễm khuẩn tại khoa chăm sóc đặc biệt này chủ yếu gặp ở người bệnh thở máy chiếm 34%, mủ vết thương 34%, nhiễm khuẩn máu 11% .

Theo các chuyên gia về y tế, hậu quả của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không ai khác chính những bệnh nhân là người phải gánh chịu đầu tiên.

Tăng nguy cơ tử vong


Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là có rất nhiều người bệnh và người nhà của bệnh nhân khi vào viện thường chủ quan, không nhận thức được những nguy cơ và những hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng tránh.

Ông Qụy cảnh báo: "Nếu những bệnh nhân đang điều trị mà bị nhiễm khuẩn bệnh viện nữa thì gây ra hậu quả rất lớn như tăng tình trạng nặng của bệnh nhân lên. Người bệnh phải dùng kháng sinh liều cao có thể dẫn tới tình trạng vi khuẩn đó kháng kháng sinh làm cho bệnh lâu khỏi."

Chẳng hạn như một bệnh nhân đang bị bệnh tim hay bệnh gì khác vào bệnh viện bị nhiễm khuẩn thêm thì tăng tình trạng bệnh nặng lên. Từ đó dẫn tới thời gian điều trị kéo dài thêm, làm tăng kinh phí. Bình thường bệnh nhân phải điều trị 7 ngày mất khoảng 3 triệu thì thêm nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thêm một đến hai tuần nữa, với mức chi phí lên 6 triệu…

Một hậu quả nữa có thể xảy ra là bệnh nhân đó có tỷ lệ biến chứng càng nhiều do nhiễm khuẩn bệnh viện, cuối cùng làm tăng tỷ lệ tử vong.

Về phía thầy thuốc cũng có những nguy hiểm do nhiễm khuẩn bệnh viện thông qua những bệnh lây nhiễm như kim tiêm, tay vệ sinh không cẩn thận cũng bị lây nhiễm.

Rửa tay - cách phòng ngừa đơn giản

Ông Mục giải thích, đường lây truyền quan trọng nhất của vi khuẩn trong bệnh viện từ những người bệnh bị nhiễm khuẩn hoặc những người bệnh mang nguồn vi khuẩn. Người bệnh mang vi khuẩn đó có thể lây sang người bệnh nhạy cảm (như người suy giảm miễn dịch, người điều trị kháng sinh kéo dài, người chịu nhiều thủ thuật xâm lấn…).

Con đường lây truyền thứ hai từ bề mặt môi trường bị nhiễm (bao gồm bề mặt nơi người bệnh nằm đều trị, bề mặt máy móc sử dụng cho người bệnh…).

Con đường thứ ba là chính người (nhân viên y tế, nhân viên) có thể lây truyền trực tiếp hay gián tiếp nguồn vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn đa kháng thuốc cho người bệnh qua bàn tay bị nhiễm trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Trong không khí của khu vực bệnh viện tồn tại nhiều vi sinh vật gây ra các loại bệnh như bệnh lao, H5N1, H1N1 và gây bệnh viêm gan B, C. Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện lây truyền qua đường không khí hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, ông Mục phân tích, trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều bệnh viện nói riêng và nhiều cơ sở hạ tầng khác đang trong quá trình xây dựng, nên các ô nhiễm bụi trong không khí là nguy cơ cao cho nhiễm khuẩn không khí có cơ hội phát triển.

Về biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện, ông Qụy cho hay, có tới 40-50% số trường hợp nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện có thể tránh được nếu như mọi người tuân thủ nghiêm các biện pháp thực hành chống nhiễm khuẩn. Biện pháp phòng tránh rất đơn giản và hiệu quả hiện nay là người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.

Đặc biệt, do đây là nhiễm khuẩn lây trong bệnh viện nên vai trò kiểm soát của bệnh viện cũng như ý thức của nhân viên y tế càng phải nâng cao hơn trong việc thực hiện tiêm an toàn, xử lý khử khuẩn dụng cụ y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện và tránh lạm dụng kháng sinh kê cho người bệnh...

Bên cạnh đó, để ngăn chặn nguồn mầm bệnh phát tán thì cần có sự vào cuộc của chính các bệnh viện. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn là một khó khăn, thách thức lớn khó giải quyết được ngay.

Theo Vietnam+
Bạn đang đọc bài viết Nhiều mầm bệnh “rình rập” người dân ở bệnh viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...