Thứ sáu, 29/03/2024 04:10 (GMT+7)

Những sai lầm trong phòng tránh virus corona

MTĐT -  Thứ tư, 12/02/2020 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự thiếu hiểu biết, hiểu chưa đúng, chưa đủ về chủng mới của virus corona đã khiến nhiều người có những cách phòng tránh Covid-19 sai lầm.

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm nay thông báo tỉnh này có thêm 94 trường hợp tử vong do Covid-19, ít hơn 9 ca so với hôm qua, đưa tổng số ca tử vong tại Hồ Bắc lên 1.068.

Ủy ban Y tế Quốc gia sau đó công bố số ca tử vong mới trên toàn Trung Quốc đại lục là 97; 1.902 trường hợp nhiễm mới, ít hơn 576 ca so với một ngày trước đó. Trung Quốc đại lục hiện có 1.113 ca tử vong, 44.540 ca nhiễm và 4.547 người được chữa khỏi.

Như vậy, tính đến nay, trên toàn thế giới đã có 1.115 người chết vì Covid-19, trong đó hai trường hợp được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines và một người đàn ông ở Hong Kong. 45.057 người nhiễm, 8.242 người trong tình trạng nguy kịch và 4.601 người được chữa khỏi.

Trước tình trạng lây lan của dịch, hàng loạt các phương pháp phòng bệnh đã được nhiều người áp dụng. Thế nhưng, có những cách phòng tránh bệnh dịch lại sai lầm.

Di chuyển đến vùng nóng để tránh Covid-19

Nhiều người cho rằng, Covid-19 không sống được ở nhiệt độ trên 25°C nên tìm cách di chuyển đến vùng có khí hậu nóng để giảm thiểu nguy cơ. Đây là nhận định sai lầm khiến nhiều người gặp nhiều bất tiện khi phải di chuyển vị trí địa lý.

Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ) cho biết, cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37°C và có thể lên đến 40°C hoặc cao hơn khi bị sốt. Ở nhiệt độ này, virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta tấn công và tiêu diệt chúng.

Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian sống của virus.

Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì di chuyển đến vùng nóng, bạn chỉ cần hạn chế dùng máy lạnh và mở cửa phòng cho thông thoáng cũng là cách giảm thiểu nguy cơ bị Covid-19 tấn công.

Sử dụng khẩu trang sai cách

Khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng, chúng ta vô hình trung vẫn là đối tượng dễ bị virus tấn công mà không hề hay biết.

Đối với khẩu trang y tế, nên thay hàng ngày, không đeo lẫn hai mặt xanh (hoặc đen) - trắng với nhau. Mặt trong (thường màu trắng) có tác dụng hút ẩm, giữ lại các giọt bắn khi bạn ho, hắt hơi. Mặt ngoài không thấm nước, ngăn các giọt bắn thấm ra bên ngoài.

Ngoài khẩu trang y tế thông thường người dân có thể dùng khẩu trang vải nhưng phải giặt sạch hàng ngày.

Khi sử dụng, khẩu trang phải che kín mũi và miệng và cần đảm bảo không có khoảng cách giữa mặt bạn và khẩu trang.

Ngoài ra, cần tháo khẩu trang từ phía sau, không chạm vào phía trước; bỏ khẩu trang ngay vào thùng rác có nắp đậy kín và đồng thời rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn.

Dùng nước rửa tay khô là cách chống Covid-19 hữu hiệu nhất

Những ngày qua, tại các hiệu thuốc, siêu thị rơi vào cảnh cháy hàng nước rửa tay khô do người dân đổ xô đi mua để diệt khuẩn.

Tuy nhiên, theo  PGS.TS Trần Đắc Phu (Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), thực ra nước rửa tay khô không phải là thứ cần thiết lắm trong lúc này. Đúng là nước rửa tay khô có thể tiêu diệt virus, vi khuẩn nhưng chỉ nên dùng trong cơ sở y tế, những nơi không có nước, không có điều kiện dùng nước để rửa tay luôn.

Thông thường, chỉ cần dùng nước sạch và xà phòng để rửa tay như bình thường. Khi rửa tay cần đảm bảo rửa theo đúng quy trình và thời gian tối thiểu theo quy định của WHO và Bộ Y tế. Rửa tay nhiều lần trong ngày là bước cực quan trọng để phòng tránh lây nhiễm Covid-19.

Thi nhau uống nhiều nước cam, viên C sủi

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Các thông tin liên quan đến cách phòng chống dịch bệnh này luôn trở thành chủ đề hot trong cộng đồng. Đặc biệt, những ngày gần đây xuất hiện xu hướng phòng chống bệnh bằng việc uống vitamin C.

Nhiều người tin rằng việc uống càng nhiều vitamin C, hoặc tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có chứa vitamin C trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp cơ thể “chống” lại Covid-19.

Chia sẻ với vov giao thông, bác sĩ chuyên khoa 2 Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thực tế là vitamin C không thể trực tiếp “loại trừ” Covid-19 như thông tin đồn thổi thời gian gần đây, mà chỉ có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể.

“Vitamin C đã được chứng minh làm tăng sức đề kháng. Tuy nhiên việc lây nghiễm hay không còn tùy thuộc vào chủng virus, độc lực của virus và ái lực của cơ thể người với virus đó, chứ không phải cứ dùng vitamin C là sẽ không nhiễm bệnh”.

Bác sĩ Lại Thanh Hà cũng đưa ra khuyến cáo, việc bổ sung vitamin C trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày không đồng nghĩ với việc 100% có thể phòng ngừa được dịch Covid-19. Quan trọng hơn là người dân cần tránh nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh bằng cách tuân thủ theo đúng những khuyến cáo của Bộ Y tế, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không đưa tay bẩn lên mắt, môi, miệng, tránh tiếp xúc nơi đông người. Trường hợp có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp như ho, sốt, khó thở thì nên đến các trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị sớm.

Lan truyền tin tức giả gây hoang mang dư luận

Trước tình hình lây lan nhanh của Covid-19, nhiều nơi xuất hiện một số tin tức giả gây hoang mang như: ăn trứng luộc trước 12 giờ đêm ngày 7/2 sẽ tránh được dịch bệnh; virus corona có thể chữa khỏi bằng tỏi, chính phủ cho máy bay phun thuốc ngừa dịch... Các tin đồn này hoàn toàn sai sự thật và khiến nhiều người lầm tưởng về căn bệnh viêm phổi mới.

Theo quy định của Luật An ninh mạng, những trường hợp tung tin đồn trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt nghiêm. Rất nhiều trường hợp đã được cơ quan chức năng can thiệp và phạt hành chính tới 12.5 triệu đồng.

Để chuẩn bị tốt trong mùa dịch, ngoài những biện pháp bảo vệ sức khỏe, bạn cần bình tĩnh và tỉnh táo trước những thông tin không rõ nguồn gốc. Chỉ nên tin tưởng thông tin từ Chính phủ, Bộ Y tế và các trang báo chính thống, uy tín.

Lo lắng thái quá khi có dấu hiệu bệnh

Covid-19 có những dấu hiệu khá giống với các chứng cảm lạnh và cảm cúm thông thường như ho, sốt, khó thở, đau đầu, mệt mỏi… Nhiều người xuất hiện các dấu hiệu này đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ dẫn đến sức khỏe sa sút.

Dựa trên các trường hợp tử vong do Covid-19, được thống kê, phần lớn bệnh nhân là người lớn tuổi và có mắc kèm các bệnh khác. Những người bị suy giảm hệ miễn dịch cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khỏe mạnh.

Khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, bạn nên nghiêm túc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu, người bệnh cũng không nên giấu bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng. Nếu có tiếp xúc với người nghi ngờ lây nhiễm virus corona, bạn nên chủ động cách ly trong 2 tuần.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Những sai lầm trong phòng tránh virus corona. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.