Thứ sáu, 29/03/2024 03:06 (GMT+7)

Bệnh nhân 243: Chưa thể khẳng định thời gian ủ bệnh là 23 ngày

MTĐT -  Thứ tư, 08/04/2020 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 sau 23 ngày ủ bệnh, các chuyên gia y tế cho hay, tất cả các yếu tố đều đang được điều tra, chưa đủ căn cứ kết luận.

Trường hợp này là một nam bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh, đi khám ở Khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, đến ngày 4/4, người này được CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5/4 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

UBND huyện Mê Linh cho hay, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị. Do đó, thời gian ủ bệnh của bệnh nhân này được nhiều người cho rằng lên tới 23 ngày.

Về ca bệnh này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng chưa thể khẳng định thời gian ủ bệnh của bệnh nhân là 23 ngày.

Bác sĩ Khanh đưa ra 2 giả thuyết về bệnh nhân này:

Thứ nhất, bệnh nhân này dương tính lần 1 vào ngày 5/4 nhưng chưa rõ nguồn lây ở đâu, chưa chắc là từ lần đến BV Bạch Mai. Theo điều tra dịch tễ thì có đến BV Bạch Mai trong ngày 12/3 nhưng không rõ có xuống căng tin của bệnh viện ăn không? Vì vậy chưa khẳng định được là có phải lây từ BV Bạch Mai không.

Chưa thể khẳng định bệnh nhân 243 ủ bệnh 23 ngày

Trong môi trường các vùng dịch hiện nay còn tiềm ẩn nguy cơ có người bệnh nhưng chưa có triệu chứng, việc xác định những ca dương tính bắt đầu ủ bệnh từ đâu cũng rất khó.

Bác sĩ Khanh cho biết, trước đây dịch hoành hành ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã có nhiều nghiên cứu từ số lượng lớn bệnh nhân dương tính với virus corona đều xác nhận thời gian ủ bệnh của Covid-19 không vượt quá 14 ngày.

Thứ hai, nếu làm rõ được trong 23 ngày sau khi đến BV Bạch Mai bệnh nhân chỉ ở nhà, không đi đâu (tức là nguy cơ bị lây từ nguồn khác không phải BV Bạch Mai là không có), và có kết quả xét nghiệm âm tính ở thời điểm 13, 14 ngày sau khi đến BV Bạch Mai (tức là vào khoảng ngày 25 -26/3). Khi đó, đến ngày 5/4 cho kết quả dương tính thì mới có thể nghi ngờ là ủ bệnh lâu được, với nguồn lây là từ BV Bạch Mai.

Nhưng thực tế, đến nay mới có xét nghiệm lần 1 ra dương tính thì có thể bệnh nhân đã có triệu chứng bệnh nhưng nhẹ và đã chuyển sang thể người lành mang trùng (người mang virus nhưng không có triệu chứng bệnh).

Trường hợp người lành mang trùng thì có khi 10 - 15 ngày sau mới âm tính trở lại, có khi 3 - 4 ngày sau đã âm tính trở lại. Trùng tồn tại trong người lành sẽ phụ thuộc vào mức độ cộng sinh với kháng thể. Nếu kháng thể của cơ thể nhiều sẽ tự đẩy virus ra, nhưng nếu kháng thể yếu thì virus sẽ tồn tại trong ở thể kéo dài. Trường hợp này khi làm xét nghiệm cũng có thể cho kết quả âm tính.

Các nghiên cứu đã chỉ ra những người mang virus Sars-CoV-2 có khả năng miễn dịch mạnh thường không có triệu chứng trong hơn 2 tuần sau khi bị nhiễm. Đây không phải là thời gian ủ bệnh của họ.

Theo bác sĩ Khanh, muốn biết chính xác thời gian ủ bệnh bao nhiêu thì phải biết chính xác thời gian họ tiếp xúc với người bệnh. Cho nên với bệnh nhân này không xác định được có phải nhiễm bệnh khi đến BV Bạch Mai không thì chưa khẳng định được thời gian ủ bệnh là 23 ngày.

Cũng trao đổi với Zing về ca bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận bệnh nhân 243 lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai.

"Mình đang vào giai đoạn không xác định được ca ban đầu F0, chưa thể nói người này ủ bệnh hơn 14 ngày được. Hiện đã có sự lây lan trong cộng đồng rồi, nên chúng tôi cũng đang thực hiện các điều tra y tế với ca này, có thể đây là ca mắc mới", ông Phu nói.

Ông cũng cho biết ca này đến Bạch Mai ngày 12/3 nhưng sau đó đã đi rất nhiều nơi đông người rồi mới phát hiện nhiễm Covid-19. Các đơn vị của Bộ Y tế đang tiến hành các điều tra về kháng thể, kháng nguyên đối với trường hợp này để xác định bệnh nhân này mắc mới hay không.

"Có kháng nguyên tức là cơ thể đang nhiễm virus, còn có kháng thể là đã nhiễm virus lâu rồi. Ví dụ trên 3 ngày, trên 7 ngày nhiễm, số lượng kháng thể sẽ khác nhau. Từ đó ta xác định được số ngày bệnh nhân nhiễm virus. Còn nều không tìm được kháng thể thì chứng tỏ người này mới nhiễm", vị tiến sĩ cho hay.

Ông Phu đề nghị các cơ quan truyền thông chưa nên quy nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 243 cho Bệnh viện Bạch Mai và cũng không nên khẳng định bệnh nhân này đã ủ bệnh trên 14 ngày.

TS Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp quan trọng nhất hiện nay là người dân tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, đặc biệt là ở các khu vực cộng cộng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bệnh nhân 243: Chưa thể khẳng định thời gian ủ bệnh là 23 ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.