Thứ năm, 28/03/2024 16:51 (GMT+7)

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam nên công bố hết dịch trong nước

MTĐT -  Thứ ba, 16/06/2020 16:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dựa vào các tiêu chí đã đạt được, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam nên "công bố hết dịch trong nước'" và cân nhắc mở cửa quan hệ thương mại với 17 nền kinh tế.

Theo Vietnamnet đưa tin, sáng 15/6, phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước để phát triển.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch nhờ có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Hiện mới chỉ có 334 người mắc bệnh, thấp hơn nhiều so với mốc 1.000 lúc thế giới công bố dịch.

Theo ông Nhân, Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam. Do vậy, cần giám sát và mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Ông Nhân dự báo, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2020, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc…

Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ đảm bảo điều kiện thì thiết lập ngay”, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM lưu ý.

Bí thư TP.HCM cho biết, số liệu từ các cơ quan dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%. Đầu tư nước ngoài có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 15%...

Từ đây, ông kiến nghị với kết quả chống dịch của Việt Nam cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3,4 người; tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân thực tế chỉ 0,2 người và đến thời điểm này Việt Nam không có người chết.

"Tóm lại, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, để vừa khai thác thị trường nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, thị trường trong nước phát huy sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế", ông Nhân kết luận.

Cần thận trọng trước khi công bố hết dịch

Phát biểu trước Quốc hội, có quan điểm tranh luận với Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y) cho rằng cần hết sức cẩn trọng với quyết định công bố hết dịch và mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế, hoạt động xã hội vì Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.

“Làn sóng thứ 2 bỏ ngỏ ở rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu rõ.

Theo vị đại biểu, cũng có một số nhà đầu tư đang lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu

“Chính vì vậy, ta cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học, có ngành y tham vấn, ví dụ cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho các khách muốn nhập cảnh để khách không mang dịch vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng đề cập vai trò của hệ thống y tế công cộng. Đây là hệ thống đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua, nhưng đang có nguy cơ suy yếu không được đầu tư. Ví dụ trong chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỷ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nhân viên y tế là nhu cầu cấp bách, cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể có điểm sáng trên bản đồ thế giới.

Bài học từ Bắc Kinh, Việt Nam nên cảnh giác

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, khả năng công bố hết dịch trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng ở Việt Nam nhấn mạnh đến “bài học cảnh giác” của Trung Quốc trước nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19.

“Việc tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh là bài học chúng ta. Trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Kinh gần giống như Việt Nam thời gian qua. Chia sẻ với VnExpress, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng ở Việt Nam cho hay, về thời gian, dịch tái phát ở Bắc Kinh sau 56 ngày không lây nhiễm cộng đồng, còn Việt Nam ở ngày thứ 60 không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hơn 21 triệu dân Bắc Kinh thời gian qua nghĩ rằng họ cuối cùng cũng có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường, song một đợt bùng phát Covid-19 mới lại xuất hiện. Chỉ trong hai ngày Bắc Kinh ghi nhận 42 ca nhiễm mới liên quan tới chợ đầu mối nông sản Xinfadi (Tân Phát Địa). Đến ngày 14/6, số ca nhiễm lên gần 80 trường hợp.

Nhiều người Việt Nam hai tháng qua cũng trong tâm trạng buông lỏng phòng dịch, tương tự người Bắc Kinh. Hầu như các hoạt động kinh doanh, giải trí, dịch vụ, đi lại trong nước đã trở lại bình thường. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện không nghiêm ngặt. Người dân thì chủ quan không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn.

Việt Nam đã trải qua 60 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm nCoV cộng đồng, chứng tỏ việc phòng chống dịch vẫn đảm bảo. Song, chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Về tính chất, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, tức là không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca nhiễm, ổ dịch nhỏ và dập được ngay. Tuy nhiên, Bắc Kinh, Trung Quốc, ở sát Việt Nam nên nguy cơ xâm nhập dịch là rất cao.

Mới đây, ngày 13/6 Bộ Y tế ghi nhận một ca nhiễm nCoV, là thanh niên đi du lịch Trung Quốc nhập cảnh ở Quảng Ninh. Ca này được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Điều này cho thấy Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Đề cập đến hướng đi sắp tới để tránh dịch bùng phát, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, hiện Việt Nam cần duy trì, làm tốt việc be chặt bên ngoài, tức kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời. Việc này, Việt Nam đã thực hiện tốt ngay từ đầu dịch, góp phần ngăn chặn Covid-19 xâm nhập.

Ở trong nước, ông Phu cho rằng cần phải tiếp tục phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện ca nhiễm, cần khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện mới như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế.

Hoài Thu (Th)

Bạn đang đọc bài viết Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam nên công bố hết dịch trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới