Thứ sáu, 29/03/2024 12:52 (GMT+7)

Chỉ cách ly người tiếp xúc gần như: nói chuyện, bắt tay, ăn uống...

Tùng Anh -  Thứ hai, 09/03/2020 20:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, chỉ cách ly khi có "tiếp xúc gần" (nói chuyện, bắt tay, ăn uống cùng, đi cùng chuyến xe,...) mới có khả năng phơi nhiễm bệnh thì mới áp dụng cách ly.

Trước diễn biến phức tạp về dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, Mặc dù, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 991/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức cách ly tế người về từ vùng dịch COVID-19.

Theo đó, tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch phải thực hiện việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu.

Những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế để cách ly và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại các cơ sở cách ly tập trung, căn cứ tờ khai y tế (tờ khai bằng giấy hoặc điện tử), tờ khai y tế bổ sung và bằng các biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan chức năng tiến hành phỏng vấn để xác minh và áp dụng các hình thức cách ly cho phù hợp.

Tuy nhiên, mấy ngày hôm nay lại rộ lên tình trạng mỗi nơi làm hoặc áp dụng một kiểu xác định F1, F2, F3, F4,... để tìm người có tiếp xúc với người bị Covid-19 để đưa đi cách ly.

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nhiều trường hợp không xử lý đúng dẫn tới hiện tượng cách ly tràn lan, làm người dân hoang mang cực độ, lo sợ bị chính quyền hoặc cơ quan tới đưa đi Bệnh viện cách ly hoặc cho nghỉ việc ở nhà,... mà không có cơ sở.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

"Chẳng hạn phải cách ly ở nhà vì đến chơi căn hộ ở tầng 17 của một chung cư X mà nơi này tầng 23 có người Y đi cùng chuyến bay với ông Z bị nhiễm..!?!). Rồi lo sợ phải khai báo những thông tin nhạy cảm như khai chi tiết lịch trình đi đâu, với ai, làm gì,... Điều này có thể dẫn tới việc gia tăng sự sợ hãi, kỳ thị,... Hậu quả người dân có thể che giấu dịch, không khai báo với cơ quan chức năng" PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ.

Theo, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19  cũng vừa ban hành văn bản hoả tốc số 1126/CV-BCĐ ngày 09/3/2020 về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo tổ chức rà soát, lập danh sách các cán bộ đi trong chuyến bay ngày 2/3/2020 số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines và tất cả những người tiếp xúc với các trường hợp nêu trên.

Yêu cầu cán bộ, nhân viên khai báo chính xác, trung thực về thời gian tiếp xúc với các trường hợp đi trên chuyến bay nêu trên và thông báo danh sách cho Bộ Y tế, chính quyền địa phương nơi cán bộ đó cư trú để có hướng dẫn theo dõi sức khỏe kịp thời theo quy định. Phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác để tổ chức cách ly và theo dõi sức khỏe cho các cán bộ theo quy định.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, xác định nơi lưu trú, cư trú của tất cả những người cùng đi trên chuyến bay nêu trên và các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Đối với những người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19 phải tổ chức cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm khẳng định.

Bệnh nhân N.H.N là ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội. 

Đối với người tiếp xúc với người có tiếp xúc gần với bệnh nhân thì tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải giám sát chặt chẽ hằng ngày tình hình sức khỏe của đối tượng này, nếu có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đối với những người có liên quan khác ngoài các đối tượng trên thì lập danh sách và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu thấy có biểu hiện bệnh thì chủ động đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cũng lưu ý, chỉ cách ly khi có "tiếp xúc gần" (nói chuyện, bắt tay, ăn uống cùng, đi cùng chuyến xe,...) mới có khả năng phơi nhiễm bệnh thì mới áp dụng cách ly.

Ngoài ra, xét nghiệm Covid-19 (RT-PCR) khẳng định trong thời gian cách ly đa phần sẽ âm tính vì đang trong thời gian ủ bệnh, do đó nếu sau này xuất hiện triệu chứng thì vẫn phải xét nghiệm lại, lúc đó khả năng dương tính sẽ cao hơn. Xét nghiệm này không phải test nhanh, không làm đại trà nên không phải ai muốn là cũng có thể xét nghiệm được./.

Bạn đang đọc bài viết Chỉ cách ly người tiếp xúc gần như: nói chuyện, bắt tay, ăn uống.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới