Thứ năm, 28/03/2024 23:24 (GMT+7)

Có thể hiến máu mấy lần trong năm? Khoảng cách giữa 2 lần hiến máu?

MTĐT -  Thứ năm, 16/05/2019 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rất nhiều người thắc mắc Có thể hiến máu mấy lần trong năm? Khoảng cách giữa 2 lần hiến máu là bao lâu thì tốt cho sức khỏe Hiến máu nhân đạo có quy định về tuổi người tham gia hiến máu không?

Đối tượng có thể tham gia hiến máu

Tất cả mọi người từ 18 – 55 tuổi đối với nữ và từ 18 – 60 tuổi đối với nam đều có thể tham gia hiến máu nhân đạo.

Lượng máu cho không quá 1/10 lượng máu của cơ thể thì không có hại cho sức khỏe.

Để đảm bảo chất lượng máu hiến tốt và an toàn cho sức khỏe người hiến máu, cần có độ dãn cách giữa 2 lần hiến máu.

Mỗi lần hiến máu lấy bao nhiêu ml?

Mỗi người trung bình có khoảng 77ml máu/kg cân nặng đối với nam và 66ml máu/kg cân nặng đối với nữ. Như vậy, người trưởng thành có khoảng từ 3,5 đến 5 lít máu (chiếm 1/13 trọng lượng cơ thể).

Theo quy định của ngành y tế, mỗi lần hiến máu, mỗi người chỉ được hiến 450 ml loại tiểu cầu, còn máu thường thì 1 hoặc 2 đơn vị máu (250 ml/đơn vị). Đối với người khỏe mạnh mỗi người hiến 250ml, 350ml hoặc 450ml tùy theo trọng lượng cơ thể, không được hiến nhiều hơn. Mỗi năm, nam giới có thể hiến máu 4 lần/năm và 3 lần/năm với nữ.

Qua nghiên cứu và thực tế đã chứng minh, người hiến dưới 1/10 máu trong cơ thể theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì không có hại cho sức khỏe và kích thích quá trình sinh tạo máu tốt cho cơ thể.

Để an toàn cho người hiến máu, thì điều kiện để được hiến máu là người hiến máu phải có:

- Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá.

- Phụ nữ đang mang thai, đang "đèn đỏ", điều hòa kinh nguyệt, đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu.

- Đang/ vừa khỏi cảm cúm hoặc đang uống thuốc trị bệnh.

- Mới chích ngừa chưa được 3 tháng.

- Mới bị vết thương, vết cắt, nhổ răng dưới 1 tháng.

- Đang bị bệnh ngoài da thì phải tạm hoãn hiến máu.

Hiến máu cách nhau bao nhiêu lâu để tốt cho sức khỏe?

Về thời gian giữa 2 lần hiến máu tối thiểu là 84 ngày, nếu mỗi người thấy sức khỏe tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3 - 4 lần trong năm mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.

Có thể hiến máu mấy lần trong năm?

Những người có sức khỏe bình thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không hề ảnh hưởng đến sức khỏe. Bình thường đời sống của các tế bào hồng cầu là 120 ngày và mỗi ngày số lượng hồng cầu bị phá hủy tự nhiên là khoảng 25-50 ml máu.

Đúng quy định, người tham gia hiến máu từ 18-60 tuổi đối với nam và 18-55 tuổi đối với nữ, hiến 3-4 lần/năm, mỗi lần hiến máu không quá 9 ml/kg cân nặng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiến máu có những tác động tích cực như thay thế một lượng hồng cầu già bằng một lượng hồng cầu mới khỏe mạnh có đời sống dài hơn bảo đảm các chức năng của máu tốt hơn. Ngoài ra, các kích tố của một số cơ quan nội tiết, tiết ra để kích thích tạo hồng cầu còn tạo cho việc chuyển hóa của cơ thể tốt hơn sau khi hiến máu.

Những điều bạn cần biết về trước, trong và sau khi hiến máu

Kiểm tra sức khỏe

Đầu tiên, bác sĩ tiến hành khám sức khỏe để đảm bảo người cho máu hoàn toàn khỏe mạnh và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người nhận máu. Một số các xét nghiệm cần làm trước hiến máu, bao gồm: kiểm tra huyết sắc tố (là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu đủ chất lượng theo quy định); xét nghiệm virus viêm gan B.

Ngoài ra, để được hiến máu, người hiến máu phải trong độ tuổi từ 18 - 60 đối với nam, và từ 18 - 55 đối với nữ. Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá. Phụ nữ đang mang thai, đang trong thời gian hành kinh hoặc đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu.

Trước khi hiến máu

Đêm hôm trước ngày hiến máu không được thức quá khuya, tránh uống rượu bia. Trước khi đến cho máu nên ăn nhẹ, không ăn chất có nhiều đường, mỡ. Duy trì lượng sắt ổn định bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như: thịt đỏ, cá, sữa, đậu, rau chân vịt và nho, uống nhiều nước. Và đặc biệt lưu ý không sử dụng aspirin trong vòng 2 ngày trước khi hiến máu.

Trong khi hiến máu

Tư thế nằm phải hết sức thư giãn và thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thời gian lấy máu thường diễn ra trong vòng vài phút đến khoảng 10 phút với một lượng máu trung bình cho một lần hiến là 250 ml. Nếu thấy căng thẳng, lo lắng, hãy mang theo một cuốn sách để đọc hoặc nghe một bản nhạc êm dịu hoặc tán gẫu với nhân viên y tế.

Hồi phục ngay sau hiến máu

Ngay sau khi hiến máu, có thể ăn một ít đồ ăn nhẹ hoặc uống nước trái cây, nước đường để giúp mức đường huyết tăng lên và không khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Bỏ băng gạc trên tay trong vòng một tiếng sau khi hiến máu xong. Nếu vết kim tiêm bị chảy máu, giữ chặt và nâng cánh tay lên trong khoảng 5 - 10 phút hoặc đến khi máu ngừng chảy. Để tránh bị phát ban, làm sạch vùng da được quấn băng bằng nước sạch.

2 - 3 ngày sau khi hiến máu

Trong 2 - 3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực, không thức quá khuya. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm vì đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Bổ sung nước cho cơ thể và không uống đồ uống có cồn trong 24 tiếng kế tiếp.

Ngoài ra, nên lưu ý mỗi lần hiến máu phải cách nhau 3 - 4 tháng để cơ thể kịp tái tạo lại lượng hồng cầu đã mất.

Bạn đang đọc bài viết Có thể hiến máu mấy lần trong năm? Khoảng cách giữa 2 lần hiến máu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.