Thứ sáu, 29/03/2024 13:07 (GMT+7)

Tác hại kinh hoàng nhiễm độc thủy ngân

MTĐT -  Thứ sáu, 30/08/2019 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

Liên quan đến vụ hoả hoạn kinh hoàng kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã ra thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy.

Thông báo nêu, sau khi cháy còn tồn dư nhiều khói bụi, không khí nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, của cán bộ viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn phường Hạ Đình.

UBND P. Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, thông báo trên của UBND phường Hạ Đình rất kịp thời để đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Theo ông Thịnh, bóng đèn phích nước được tráng một lớp kim loại phản quang bên ngoài, chậm chí có thành phần của kim loại nặng là thuỷ ngân.

Vụ hoả hoạn kinh hoàng kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.

“Trong nhà máy có nhiều loại hoá chất chứ không riêng gì thuỷ ngân. Khi xảy ra cháy lớn hoá chất sẽ bốc hơi, bay ra gây ô nhiễm không khí cùng với khói bụi. Chính vì thế phía UBND phường đã rất nhanh nhạy đưa ra cảnh báo cho người dân. Mặc dù chưa biết chính xác đây là hoá chất gì, người ta không phân tích nhưng chắc chắn là độc, hoá chất độc nào cũng nguy hiểm cho con người”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng, đối với những vụ cháy dân sự thì không độc hại nhưng đối với công ty chứa nhiều thành phần hoá chất thì nếu xảy ra cháy rất độc hại.

“Hoá chất bay theo bụi trong đám cháy, bản thân hoá chất sinh khí nếu nặng rơi xuống luôn. Tuy nhiên có khí bay xa tích tụ trong không khí khi gặp mưa mới theo nước mưa rơi xuống. Thuỷ ngân rất độc hại, trong nhà máy làm bóng đèn, phích nước thì thuỷ tinh cũng là loại đặc biệt chứ không phải thông thường, đuôi đèn làm bằng kim loạn, lõi phich bằng nhựa, đây là tổ hợp chất độc hại, đã độc hại thì cần phải tránh”, ông Thịnh nói thêm.

Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), thủy ngân, tên hóa học là Hg, có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Thủy ngân tồn tại ở ba dạng, nguyên tố, vô cơ và hữu cơ. Dạng nào cũng gây ảnh hưởng.

Với  thủy ngân dạng nguyên tố, nếu chạm hoặc nuốt phải sẽ ở đường tiêu hóa, dạ dày. Thủy ngân nguyên tố gây độc cho người rất nhanh sau khi hít vào, nó gây tổn thương đường hô hấp, phổi, gan, hệ thần kinh trung ương.

Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân nguyên tố bao gồm nôn, khó thở, ho, sưng và chảy máu chân răng.

Một lượng nhỏ thủy ngân nguyên tố cũng dễ dàng ngấm qua hàng rào mạch máu não và qua nhau thai, gây ảnh hưởng lâu dài đến não bộ và thai nhi. Lượng thủy ngân hít vào, phổi có thể bị tổn thương vĩnh viễn và gây tử vong.

Ở nước ta, giới hạn cho phép đối với thủy ngân trong không khí vùng làm việc được quy định tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế.

Thủy ngân không phân hủy và tồn tại trong môi trường. Khi giải phóng vào không khí, nó tuần hoàn trong không khí, đất, và nước, tạo thành các hợp chất hóa học phức tạp và biến đổi vật lý thành các dạng khác nhau của thủy ngân.

Thủy ngân nguyên tố là dạng phổ biến nhất của thủy ngân trong không khí. Trong các hệ thống thủy sinh, thủy ngân được chuyển đổi thành dạng hữu cơ methyl thủy ngân, độc hơn dạng vô cơ và tích lũy sinh học trong cá và động vật hoang dã rồi vào chuỗi thức ăn..

Thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật.

Thủy ngân giải phóng từ chất thải tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.

Để giám sát mức độ thủy ngân trong môi trường do chất thải thủy ngân cần phân tích các mẫu khác nhau, như các mẫu sinh học (cá và tôm, cua, sò, hến), mẫu môi trường (nước, trầm tích, đất và không khí), mẫu thực vật và con người (tóc, máu và nước tiểu).

Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Cụ thể, hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tác hại kinh hoàng nhiễm độc thủy ngân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới