Thứ năm, 25/04/2024 09:12 (GMT+7)

Uống đủ nước, ăn nhạt để không phải chạy thận

MTĐT -  Thứ sáu, 02/06/2017 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Uống đủ nước, không tự uống thuốc bừa bãi, hạn chế ăn mặn, tầm soát bệnh tiểu đường và huyết áp, thay đổi thói quen sống lành mạnh… là những khuyến cáo để phòng ngừa bệnh thận dẫn đến suy thận.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Vũ đang thăm khám cho bệnh nhân đang chạy thận - Ảnh: Lam Xuân

Nhiều bệnh “nền” có thể gây tổn thương thận

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Vũ, Khoa Thận, Bệnh viện quận Thủ Đức, đa số khi bệnh nhân phát hiện ra bệnh liên quan đến thận như suy thận nằm ở độ tuổi từ 40 - 50 tuổi, mắc các bệnh nền có sẵn là đái tháo đường và huyết áp.

“Bệnh tiểu đường, cao huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh thận. Nhiều người biết huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim nhưng ít ai nghĩ đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương thận. Đặc biệt là bệnh đái tháo đường có diễn biến tổn thương thận cao”- bác sĩ Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, có những bệnh lý có cùng triệu chứng tương tự dễ gây nhầm lẫn với bệnh thận như đau cột sống, vùng thắt lung, viêm đường tiểu, tiểu ra máu…

Bệnh thận gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, biến chứng sang các bệnh lý tim mạch, suy tim và đột quỵ, tăng huyết áp, loãng xương, thiếu máu, tổn thương thần kinh...

Không nên chờ khi có triệu chứng bệnh mới đến khám mà cần chủ động tìm bệnh thận trên người có nguy cơ cao. Người có bệnh thận đa nang, bệnh Lupus ban đỏ, có dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid dài hạn và một số thuốc kháng sinh… cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Cần nghĩ ngay đến bệnh thận khi có các triệu chứng như phù toàn thân, rối loạn đi tiểu, tiểu nhiều, tiểu ít, không tiểu, thay đổi màu sắc nước tiểu như tiểu máu, tiểu đục, đau vùng hông lưng...

Uống đủ nước, ăn nhạt để phòng bệnh thận

Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến bệnh thận còn nằm ở thói quen sinh hoạt hàng ngày.

“Một vấn nạn mà người Việt đang mắc phải gây ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài là tự mua thuốc mà không biết có những thuốc tác hại đến chức năng thận, chức năng gan. Nên lưu ý phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”- bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.

“Bệnh thận thường khó phát hiện ban đầu. Một số người vô tình phát hiện ra mình mắc bệnh thận khi đi khám sức khỏe định kỳ, được làm các xét nghiệm máu, nước tiểu… nên cần khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp thường xuyên”- bác sĩ Vũ cho biết.

Bác sĩ lưu ý, nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng cân, béo phì; hạn chế ăn mặn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

“Có một số trường hợp, do bị sỏi một bên thận nên không để ý và khám sớm để phát hiện ra bệnh dù một bên thận đó đã hư, nhiễm trùng tiểu tại thận dẫn đến apxe và lâu ngày suy thận mới phát hiện ra.

Nên nếu đã mắc các bệnh tại thận như sỏi thận cần được điều trị triệt để sớm tránh biến chứng ảnh hưởng đến chức năng thận dẫn đến suy thận”- bác sĩ Vũ cảnh báo.

Theo Báo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Uống đủ nước, ăn nhạt để không phải chạy thận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành