Thứ sáu, 29/03/2024 13:03 (GMT+7)

Vì sao Bộ Y tế chậm công bố các ca bệnh?

MTĐT -  Thứ bảy, 14/03/2020 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

'Hành động ngay khi dương tính, không đợi công bố...'. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu như trên khi chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội trưa 13/3.

Bởi theo ông Chung, có hành động ngay khi xác định dương tính lần 1 mới có thể giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho nhiều người.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng được công bố khẳng định đối với những mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính SARS-CoV-2 được xét nghiệm bởi CDC Đà Nẵng.

Theo ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc này sẽ giúp Đà Nẵng chủ động triển khai các biện pháp cách ly, can thiệp y tế kịp thời để kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Các nhân viên y tế đo kiểm tra thân nhiệt người dân sống trong khu cách ly Trúc Bạch, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề trên, chiều 13-3, một thành viên của tiểu ban truyền thông Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết trong các cuộc họp trước đây của Ban Chỉ đạo quốc gia, cấp có thẩm quyền đã thống nhất coi thông tin từ tiểu ban truyền thông Ban Chỉ đạo quốc gia là thông tin cuối cùng công bố ca nhiễm mới và là nguồn tin có tính xác thực.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có tình trạng địa phương đã công bố có ca dương tính với SARS-CoV-2, đã tiến hành các hoạt động phòng chống, ngăn chặn như khử khuẩn khu vực có liên quan, đưa người có tiếp xúc đi cách ly, điều trị. Thế nhưng tiểu ban truyền thông lại không xác thực ca nhiễm mới, gây tình trạng hoang mang, lo sợ trong dân chúng do tin tức được cập nhật liên tục trên mạng xã hội, không loại trừ bao gồm cả tin giả.

Trong tình huống kể trên, thành viên tiểu ban truyền thông giải thích do là nguồn thông tin cuối cùng, có tính xác thực, nên tiểu ban truyền thông chỉ công bố khi đã có đầy đủ kết quả xét nghiệm ở địa phương và của phòng xét nghiệm được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, cụ thể là phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM.

Trong thời gian chờ đợi, nếu đã có một kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại địa phương, các địa phương vẫn tiến hành chống dịch như bình thường và thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan như với các ca dương tính khác.

Ngoài ra, địa phương cũng có thể thông báo cụ thể về tình trạng của bệnh nhân. Tiểu ban truyền thông sẽ chờ đợi đến khi có kết quả dương tính lần thứ 2 tại phòng xét nghiệm được công nhận như kể trên và thông báo xác thực về số thứ tự của bệnh nhân ghi nhận tại Việt Nam.

Theo báo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Y tế chậm công bố các ca bệnh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới