Thứ sáu, 19/04/2024 21:59 (GMT+7)

Vì sao các đại dịch đều bắt nguồn từ động vật?

MTĐT -  Thứ ba, 25/02/2020 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 50 năm qua, một loạt các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng từ động vật sang người.

Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn; đại dịch cúm gia cầm 2004-2007 xuất phát từ chim; dịch cúm lợn năm 2009 là do loài lợn. Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất phát từ loài dơi, thông qua trung gian là cầy hương; trong khi đó loài dơi cũng gây ra đại dịch Ebola và hiện nay, dơi được cho là nguồn cơn của dịch virus corona.

Giới chức y tế Trung Quốc cho rằng, nCoV có thể khởi phát từ một khu chợ trung tâm thành phố Vũ Hán, nơi buôn bán thịt động vật hoang dã. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước hồi cuối tháng trước, Trung Quốc đã ra một lệnh tạm thời cấm hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã "cho đến khi hết dịch".

Khu chợ trung tâm thành phố Vũ Hán, nơi buôn bán thịt động vật hoang dã.

Nguồn khởi phát của nCoV hiện vẫn chưa được chính thức xác nhận, khi giới nghiên cứu phỏng đoán dịch bệnh có thể bắt nguồn từ dơi, tê tê hay một số loài động vật có vú khác.

Trước đó, Trung Quốc từng ban hành lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã sau đại dịch SARS khiến hàng trăm người tử vong trong năm 2002-2003 và cũng liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở nước này sau đó sớm tái diễn.

Giới bảo tồn động vật hoang dã cáo buộc Trung Quốc dung túng cho hoạt động buôn bán động vật quý hiếm làm thức ăn hay những loại thuốc đông y chưa được khoa học kiểm chứng.

Các chuyên gia y tế cho rằng thói quen này gây ra nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng khi con người tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm từ động vật.

Môi trường sống bị thay đổi

Con người luôn nhiễm bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết bệnh truyền nhiễm mới đến từ động vật hoang dã. Nhưng điều đáng nói là sự thay đổi của môi trường đang đẩy nhanh tiến trình này, yếu tố cuộc sống thành phố và nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng càng khiến những căn bệnh này xuất hiện và lây lan nhanh hơn.

Hầu hết động vật đều mang trong mình một loạt mầm bệnh - các loại vi khuẩn và virus có thể gây bệnh. Khả năng tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới và nhảy sang loài khác.

Hệ thống miễn dịch của vật chủ mới sẽ cố gắng tiêu diệt mầm bệnh, nghĩa là cả hai, vật chủ mới và mầm bệnh, đều cố gắng tìm ra những cách thức mới nhằm tiêu diệt lẫn nhau.

Chẳng hạn, khoảng 10% số người nhiễm bệnh đã thiệt mạng trong dịch SARS năm 2003, so với dưới 0,1% do cúm thông thường.

Sự biến đổi về môi trường và khí hậu đang thay đổi và tiêu diệt môi trường sống của động vật, thay đổi cách thức chúng sinh sống, cư trú và thức ăn. Ngay cách sống của con người cũng thay đổi, 55% dân số toàn cầu hiện sống ở các thành phố, tăng cao so với con số 35% của 50 năm trước.

Và những thành phố lớn hơn này càng mở rộng không gian cho động vật hoang dã như chuột, gấu trúc, sóc, cáo, chim, chó rừng, khỉ… sinh sống ở công viên và vườn, ăn thực phẩm mà con người bỏ lại.

Thông thường, các loài động vật hoang dã dễ dàng thích nghi với môi trường sống ở đô thị hơn so với trong tự nhiên vì nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, khiến không gian thành phố trở thành nơi lý tưởng cho các mầm bệnh tiến hóa.

Người nghèo là đối tượng dễ bị lây nhất

Bệnh mới trong cơ thể vật chủ mới thường rất nguy hiểm. Do đó, bất cứ bệnh nào mới xuất hiện đều đáng quan tâm. Có một số nhóm dễ mắc các bệnh này hơn những người khác.

Nhiều người nghèo sống trong thành phố làm công việc lau dọn và vệ sinh nên có nguy cơ cao tiếp xúc với các nguồn bệnh. Hệ miễn dịch của họ có thể yếu hơn vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, hít thở không khí độc hại hay sinh hoạt ở những nơi kém vệ sinh. Nếu bị ốm, họ cũng không thể chi trả nhiều để được chăm sóc y tế chu đáo.

Những bệnh lây nhiễm mới có thể lan nhanh tại thành phố lớn vì có rất nhiều người cùng sống trong một không gian hẹp, hít thở chung một bầu không khí và chạm vào những bề mặt giống nhau. Ở một số nơi, người dân còn ăn thịt động vật hoang dã sống trong thành phố.

Các chuyên gia nhận định rằng, con người phải chấp nhận sự xuất hiện của dịch bệnh như là một phần của tương lai của chúng ta. Việc "chủ động thừa nhận" đặt chúng ta vào thế mạnh hơn để chống lại các đại dịch mới.

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỉ người và giết chết 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới. Sau đó, các tiến bộ khoa học và sự rót vốn đầu tư cho nghiên cứu y tế toàn cầu đã giúp loài người ít nhiều có thể đương đầu với những căn bệnh như thế trong tương lai.

Tuy nhiên, rủi ro là điều không thể báo trước. Bất cứ thời điểm nào trong tương lai, con người cũng sẽ trải qua những dịch bệnh lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao các đại dịch đều bắt nguồn từ động vật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...