Thứ năm, 25/04/2024 12:08 (GMT+7)

Suy giảm giống nòi vì… nước?

MTĐT -  Thứ hai, 23/06/2014 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường, mỗi năm trung bình ở nước ta có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; Gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Có thể nói, nguồn nước ở Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hơn cả Vedan

Cách đây chưa lâu xảy ra vụ Vedan xả chất thải công nghiệp độc hại trực tiếp ra sông Thị Vải gây chấn động dư luận thải. Với hệ thống xả thải rất tinh vi gồm nhiều tầng nấc máy bơm có các van đóng mở linh hoạt, Vedan đã chủ động dẫn nước thải theo đường ống bí mật đặt ngầm dưới đất đổ thẳng ra sông Thị Vải. Hiện nay, có nhiều “Vedan” không cần phải “qua mắt” cơ quan chức năng bằng hệ thống “xử lý nước” “bài bản” như vậy mà trắng trợn hơn, ngang nhiên xả nước sản xuất chưa qua xử lý ra thẳng sông, hồ… hoặc bất kỳ nơi nào có thể.

Như gần đây nhất vào tháng 6, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phát hiện Công ty TNHH Tuấn Cường, ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra mương thủy lợi của địa phương không những gây ô nhiễm trầm trọng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Bởi đây là nước tưới tiêu cho ruộng, vườn của nhiều hộ nông dân. Trước đây, khi mới thành lập, Công ty TNHH Tuấn Cường đăng ký ngành nghề kinh doanh là chuyên sản xuất các loại túi siêu thị từ nguyên liệu chính là nhựa hạt nhập khẩu. Thế nhưng từ cuối năm 2013, lúc chuyển sang sản xuất hạt nhựa từ phế liệu, công ty đã đăng ký với Sở Tài nguyên & Môi trường Hưng Yên, sẽ nhập khẩu phế liệu sạch là nhựa đã qua sử dụng ở dạng khối, thanh, mẩu vụn, bao bì đựng nước tinh khiết đã qua sử dụng… và không thể tạo ra nước thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, ngay tại kho, bãi của công ty, không có một chút phế liệu nhập khẩu nào mà toàn các loại vỏ bao, nhựa bẩn thu mua từ trong nước chưa được kiểm soát về chất lượng. Điều đáng nói hơn là phế liệu này trong quá trình làm sạch trước khi đưa vào sản xuất đã tạo ra nước thải mà theo phản ánh của người dân ở đây: không thể chịu nổi do mùi hôi thối. Nước thải đó, Công ty TNHH Tuấn Cường lại thải trực tiếp ra mương thủy lợi của xã mà không xử lý trước khi đưa ra môi trường. Vì những hành vi như vậy, ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đã khẳng định: “Công ty TNHH Tuấn Cường đã làm sai quy định và vi phạm pháp luật”.

Không chỉ Công ty TNHH Tuấn Cường mà nhiều công ty khác như Sees Vina, ở Hải Dương cũng là một ví dụ về xả nước thải thẳng ra… ruộng. Đây không phải là lần đầu tiên mà thực ra từ năm 2012, Công ty Sees Vina đã bị phát hiện và xử phạt 216 triệu đồng vì hành vi này. Thế nhưng, từ đó đến nay, mặc dù đã cam kết sẽ xây dựng công trình xử lý nước thải vào năm 2013, song công ty vẫn không thực hiện. Và hậu quả là toàn bộ cánh đồng ở thôn Vạn Minh, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ “hứng trọn” nước thải của công ty không thể có cây nông nghiệp nào sống nổi.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho báo giới biết: “Ruộng ở đây bây giờ bị bỏ hoang vì không thể cấy hái được do ô nhiễm từ nước của Công ty Sees Vina thải ra. Mùa mưa đến, nước thải tràn ra biến cánh đồng thôn Vạn thành một cái bể chứa và làm ô nhiễm toàn bộ”. Theo hướng dẫn của ông Mạnh thì do phía nam và đông của công ty có 2 cửa xả nước bẩn liên tục nên con mương phía nam với chiều dài 200m, nước đặc quánh, màu vàng bốc mùi khó chịu. Còn mương phía đông, lắng lớp bùn dày màu nâu đỏ. Nước ở cả hai con mương này đều không thể tưới tiêu được.

Nước ngầm “bẩn” hơn

Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình về việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Còn nhiều công ty nữa cũng gây ô nhiễm tương tự. Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, theo thống kê của Bộ Công an đã có 5 doanh nghiệp bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường, trong đó tới tận 4 doanh nghiệp (chiếm 80%) là xả nước thải sản xuất trực tiếp ra nơi công cộng. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước hiện nay.

Thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy: Với trữ lượng khoảng 20 triệu m3 nước ngầm hiện được khai thác trên toàn quốc, trong đó 30-40% là cung cấp cho sinh hoạt của các đô thị thì toàn bộ nguồn nước ấy theo khẳng định của PGS.TS Lê Kế Sơn, Bộ Tài nguyên & Môi trường “đang bị ô nhiễm vi sinh và kim loại nặng đến mức báo động”. Bởi bên cạnh khoan nước thiếu quy hoạch, không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước chính là hoạt động phát triển các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nhiều nơi do ô nhiễm đã phát hiện nhiều hóa chất, kim loại vượt quá tiêu chuẩn cho phép như: coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần; phốt phát ngày càng tăng mức độ ô nhiễm theo thời gian; asen vượt giới hạn cho phép 10mg/l… Đặc biệt những khu vực nào gắn liền với công nghiệp, làng nghề… thì có mức ô nhiễm cao. Điển hình như Hà Nội, nơi có nguồn nước ngầm như các nhà khoa học đánh giá đang ô nhiễm ở mức báo động nghiêm trọng với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như hàm lượng hữu cơ, asen, amoni… Ngay như nước giếng của nhà máy nước Pháp Vân chứa NH4+ tới tận 30mg/l; hay nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân ở thôn Phú, Mỹ Đình, Từ Liên, Hà Nội có hàm lượng asen cao gấp 37 lần cho phép.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, do có địa hình thấp về phía nam và đông nam, toàn bộ nước bề mặt kéo theo chất bẩn về đây ngấm xuống làm ô nhiễm cả những tầng chứa nước sâu dưới lòng đất. Do đó, nguồn nước ở nam, đông nam bao giờ cũng bị ô nhiễm nặng hơn so với những nơi khác.

Cùng với Hà Nội, ở phía nam, hệ thống sông ở Đồng bằng Cửu Long, cũng ô nhiễm nặng khi nơi đây là “bể chứa” nước thải nông nghiệp lớn nhất nước với tỷ lệ: 70% lượng phân bón được cây và đất hấp thụ, 30% ngấm vào môi trường nước.

Cần luật hóa

Để dẫn đến tình trạng này, không có nguyên nhân nào được thống kê đầy đủ hơn ông Đặng Ngọc Dĩnh đã tổng kết: “Các văn bản luật pháp về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm của Việt Nam còn nhiều bất cập; Khâu ngăn ngừa chưa được quan tâm đúng mực, công tác xử lý chưa triệt để, thông tin giám sát ô nhiễm và chất lượng nước chưa công khai; Vai trò cộng đồng trong giám sát còn mờ nhạt…”. Và nhằm giải quyết tất cả những nguyên nhân đó cũng như cải thiện nguồn nước bị ô nhiễm, hơn 100 nhà khoa học tham dự một hội thảo quốc tế về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam đều thống nhất: Cần có một luật riêng quy định về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng đã có ý kiến: “Tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở hàng ngàn những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực gắn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị… Do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, trong khi chờ đợi một luật kiểm soát ô nhiễm nước ra đời, các ưu tiên xử lý và khôi phục triệt để nên tập trung vào các sông suối nhỏ đang bị ô nhiễm”.

Ô nhiễm nguồn nước đang là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư, sẩy thai, dị tật bẩm sinh và làm suy giảm giống nòi. Nghiên cứu tại một số địa phương về các trường hợp bị ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ cho thấy 50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Nguyễn Bách (PTT)

Bạn đang đọc bài viết Suy giảm giống nòi vì… nước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới