Thứ sáu, 19/04/2024 23:18 (GMT+7)

Tận tâm với nghề xem công việc chăm sóc người bệnh là niềm vui

MTĐT -  Thứ ba, 08/10/2019 21:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Suốt 33 năm công tác, điều dưỡng Lê Thị Cúc, khoa Nội II, Bệnh viện đa khoa Đống Đa luôn xem công việc chăm sóc người bệnh không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là trách nhiệm cao cả.

Yêu nghề từ nghĩa cử cao đẹp
 
Sinh năm 1966, từ nhỏ chị Cúc sức khỏe yếu và thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị. Được các y bác sĩ chăm sóc tận tình từ những nghĩa cử cao đẹp giúp chị vượt qua cơn bạo bệnh và hình ảnh chiếc áo blouse trắng toát lên vẻ sang trọng đã dấy lên trong chị ước mơ được trở thành điều dưỡng.
 
Nỗ lực học tập, biến giấc mơ trở thành hiện thực, năm 1986 chị Cúc bắt đầu làm công tác điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Với mong muốn được góp sức bé mọn của mình vào việc cứu người, chị Cúc luôn trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao kiến thức, tay nghề phục vụ công việc chuyên môn.

Điều dưỡng Lê Thị Cúc, ân cần chăm sóc cho bệnh nhân.

 
Chị Cúc tâm niệm: “Người bệnh khi đến bệnh viện mang theo nỗi đau về thể xác và nỗi lo về tinh thần. Là người điều dưỡng, phải ý thức được công việc của mình, phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khoẻ cho người bệnh. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử hết sức cần thiết trong mỗi tình huống, không gây phiền hà cho người bệnh, ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân trong công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh”.
 
Chị Cúc kể: “Có trường hợp bệnh nhân chia sẻ: “Em bị bệnh, vào bệnh viện không biết bấu víu vào ai cả, chỉ có thể cậy trông vào các y bác sĩ”. Vậy thì mình phải làm như thế nào để xứng đáng với niềm tin và là chỗ dựa vững chắc của người bệnh. Chỉ cần những cử chỉ, hành động, việc làm nhỏ nhặt, thường xuyên thăm buồng bệnh, hỏi han, quan tâm, động viên người bệnh như một liều thuốc tinh thần để bệnh nhân phấn trấn, mạnh mẽ đấu tranh với bệnh tật, sớm bình phục và có sức khỏe tốt hơn”.
 
Trách nhiệm cao cả với công việc, mong muốn chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, chị Cúc chia sẻ: “Với đặc thù bệnh nhân khoa Nội điều trị bằng thuốc kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn thế, nên cần thời gian, bệnh nhân thường nôn nóng, mong mỏi sớm khỏi bệnh. Trong quá trình điều trị, điều dưỡng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, mà không có sự chia sẻ, không hiểu được tính chất bệnh của bệnh nhân mà chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ là tiêm, truyền, cho thuốc thì bệnh nhân sẽ không có cảm giác gần gũi, ác cảm, lạnh nhạt và không phối hợp điều trị với y bác sĩ làm cho bệnh tình khó có thể thuyên giảm. Do đó, tiếp xúc với bệnh nhân, điều dưỡng cần quan tâm, chia sẻ, sát sao theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong những ngày điều trị. Nếu có thời gian và có thể thì tâm sự với bệnh nhân về cuộc sống hàng ngày, những tâm tư, tình cảm của bệnh nhân... để có sự thấu hiểu, đồng cảm và tạo cảm giác tin tưởng để bệnh nhân yên tâm điều trị. Như vậy, sức khỏe của bệnh nhân sẽ tiến triển tốt hơn và tinh thần của bệnh nhân cũng được nhẹ nhõm, vui vẻ, hợp tác điều trị bệnh được tốt nhất”.
 
Mắc bệnh thận nên phải lọc máu theo chu kỳ, khi sức khỏe yếu thì được điều lên điều trị tại khoa Nội II, bệnh nhân Nguyễn Thị Lan Hương, 48 tuổi, Khâm Thiên, Phường Trung Phụng, quận Đống Đa chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, tôi được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Đặc biệt là điều dưỡng Cúc, khi trời nắng nóng cô Cúc động viên, chia sẻ, tư vấn cho chúng tôi về cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt. Những lúc rảnh, cô ân cần đến ngồi bên giường bệnh hỏi han tình hình sức khỏe, nói chuyện hài hước khiến chúng tôi thoải mái, thân thiện”.
 
Hành động bằng cả tấm lòng
 
Quá trình công tác đã để lại trong chị Cúc nhiều kỷ niệm ấn tượng. Vui có, buồn có, nhưng đọng sâu trong tâm trí là những trường hợp người bệnh gặp những hoàn cảnh khó khăn, éo le. Chị Cúc nhớ lại: “Vừa rồi, khi chăm sóc mẹ ốm tại bệnh viện. Tôi đi lấy cơm cho mẹ ăn và có đi qua phòng cấp cứu thì gặp người mẹ già trên 80 tuổi, lưng còng, đi lại gập mặt gần sát với mặt đất, mồ hôi nhễ nhại, đang phải chăm đứa con hơn 50 tuổi tên là Hoa, có tiền sử bị tâm thần, ngơ ngác. Trong tôi dấy lên niềm mong muốn được làm gì đó để giúp đỡ bệnh nhân”.

Điều dưỡng Lê Thị Cúc, luôn quan tâm đến từng bệnh nhân

Cảm xúc dâng trào, sống mũi cay cay, thương bệnh nhân vì bị tâm thần, thương một người mẹ già yếu rồi lẽ ra phải được hưởng sự chăm sóc, đùm bọc thì vẫn phải còng lưng ra chăm con. Chị Cúc kể: “Bệnh nhân rất nhiều chấy, chấy bò lổm ngổm trên đầu, rơi cả ra gối giường bệnh và rất nhiều trứng bám trên tóc. Nhìn mà gây hết người. Tóc rối bù, đầu bẩn và mùi rất tanh bởt gãi nhiều, huyết tương chảy dịch... Chỉ có cách là cắt tóc cho bệnh nhân để diệt chấy, không để lây cho những người bệnh xung quanh cũng như các điều dưỡng, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Tôi đã xin phép mẹ bệnh nhân cắt tóc và gội đầu cho bệnh nhân để sạch chấy. Mẹ bệnh nhân có đùa với tôi là đố cô cắt được, ở nhà tôi đã khuyên nhủ, gạ gẫm, dỗ dành đủ điều mà nó không cho cắt”. Tôi đáp lại người nhà bệnh nhân, mẹ để con thử xem nhé. Sau đó, tôi ra vỗ về bệnh nhân. Hoa ơi, sức khỏe của em đang rất tốt, em đang rất tỉnh táo, để chị cắt tóc, gội đầu cho em xinh, sạch sẽ và thơm tho nhé. Bệnh nhân ngơ ngơ, sau đó cũng đồng ý. Tôi nhanh chóng hành động luôn, cùng với điều dưỡng phòng đó và mẹ bệnh nhân tiến hành cắt tóc cho bệnh nhân. Tôi đã phải đi mượn mũ y tế và khoác tạm tấm áo mưa để bảo hộ bản thân tránh để chấy bám vào mình. Trong quá trình cắt tóc, mùi trên đầu bệnh nhân rất nồng nặc, tanh bởi huyết tương gãi nhiều tiết ra, bết lại và nhiều ngày không được xử lý... Búi tóc xù nhiều chấy được xử lý gọn gàng và tôi cùng đồng nghiệp tắm, gội sạch sẽ cho bệnh nhân. Đặc biệt, hành động của người mẹ hơn 80 tuổi nắm tay tôi, xúc động: “Con ơi! con đã làm điều mà mẹ chưa bao giờ thấy. Ở nhà mẹ cũng không nói được bởi con mẹ tâm thần, mẹ cũng muốn tắm rửa cho con mẹ, mà mẹ không làm được. Suốt hơn 50 năm, mẹ chưa từng được ai làm cho con gái mẹ như vậy. Nay có bàn tay và hành động của con khiến mẹ rất cảm động. Mẹ cảm ơn con!!!”... đã tiếp thêm niềm đam mê, nêm vui, hạnh phúc với nghề điều dưỡng trong tôi”.
 
Hay đối với bệnh nhân tên Loan, chị Cúc miệt mài nhớ lại: “Hoàn cảnh, bệnh nhân Loan cũng rất éo le, chồng chết, 2 đứa con bị nghiện, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nặng không đi lại được. Không có người trông nom, chăm sóc. Không có cơm để ăn và phải sử dụng cơm từ thiện. Tôi nghĩ, cùng là 1 kiếp người, sao họ phải chịu đựng những hoàn cảnh éo le đến thế. Thấy vậy, tôi đã xin cơm cho bệnh nhân và thường xuyên đút cơm cho bệnh nhân ăn, an ủi, tâm sự, động viên để bệnh nhân có người quan tâm, chia sẻ”.
 
Chị Cúc trầm tư: “Suy cho cùng, con người mình rồi cũng có lúc ốm đau bệnh tật. Người thân của mình có thể cũng có những lúc phải vào bệnh viện... và sẽ được người khác chăm sóc. Cho đi sẽ nhận được lại. Từ suy nghĩ đó, tôi muốn được chăm sóc người bệnh để đền đáp với người, đền đáp với đời đã dang tay giúp đỡ mình những lúc khó khăn, ốm yếu”...
 
Với điều dưỡng Lê Thị Cúc, niềm vui lớn nhất của chị là sự hài lòng của bệnh nhân. “Mỗi khi thấy nụ cười của người bệnh đó là món quà, là thành quả mà mình gặt hái được trong quá trình chăm sóc cho người bệnh”, chị Cúc cười nói.
Không chỉ tận tâm trong công tác chăm sóc người bệnh, mà chị Cúc còn tận tình trong việc chỉ bảo, hướng dẫn các em học sinh tham gia thực tập tại khoa những kỹ năng thực hành chuẩn chỉ, đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người bệnh và chính nhân viên y tế.
 
Trực tiếp được điều dưỡng Lê Thị Cúc hướng dẫn trong quá trình thực tập tại khoa Nội II, cô sinh viên nhỏ bé năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y Hà Nội Nguyễn Kim An đã được điều dưỡng Lê Thị Cúc tận tình hướng dẫn “Cầm tay chỉ việc” từ những việc nhỏ nhất của một người điều dưỡng như sắp xếp xe tiêm chỉnh chu đúng quy định. Nguyễn Kim An chia sẻ: “Được theo chân cô Duyên học tập trong quá trình thực hành em cảm thấy rất may mắn. Ban đầu gặp, cô Duyên rất nghiêm khắc, nhưng khi tiếp xúc cô rất vui tính, cởi mở. Cô tận tình truyền đạt cho chúng em từ cách bẻ ống thuốc an toàn để không bị chảy máu hoặc cách lấy ven cho bệnh nhân để giảm đau, cắt băng dích ra làm sao, để bông như thế nào theo đúng quy trình... và thái độ khi tiếp xúc với người bệnh từ lời nói cho đến cử chỉ, hành động để bệnh nhân tin tưởng và an tâm điều trị... Cô giảng giải cho chúng em mức độ nguy hiểm của việc là một điều dưỡng mà bất cẩn để chảy máu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình, đồng thời người bệnh nhìn vào sẽ không tin tưởng về cả trình độ lẫn chuyên môn. Từ những việc làm và hành động của cô Cúc hàng ngày khi chăm sóc người bệnh đã cho em những bài học về sự chỉn chu trong công việc, sự ân cần, dịu dàng khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cô đã truyền lửa cho em thêm yêu nghề và tự tin vững bước với sự nghiệp điều dưỡng trong tương lai”...
  (Theo Đức Vân/Sở y tế Hà Nội)

Bạn đang đọc bài viết Tận tâm với nghề xem công việc chăm sóc người bệnh là niềm vui. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...