Thứ sáu, 19/04/2024 05:27 (GMT+7)

Tây Nguyên: Quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu

Mai Trung - Chương Hoàng -  Thứ năm, 09/07/2020 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tính đến nay, đã có 63 trường hợp dương tính với bệnh, trong đó 3 bệnh nhân đã tử vong.

Tại Gia Lai, theo số liệu thống kê của Sở Y tế tính đến ngày 8/7/2020, có đến 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 5 trường hợp nhiễm bệnh, 1 bệnh nhân đã tử vong.

Trao đổi với PV, ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết: “Sáng ngày 3/7/2020, sau khi nhận được báo cáo của cán bộ địa phương về một ổ dịch có nhiều người dương tính với bệnh bạch hầu tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Sở đã chỉ đạo lực lượng khoanh vùng, ngăn chặn ổ dịch lây lan. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, rà soát những người đã tiếp xúc với dân làng hoặc ra vào làng. Ngoài ra, Sở đã phối hợp gửi danh sách những trường hợp nghi nhiễm bệnh đến Sở Y tế tỉnh Kon Tum để thuận tiện trong quá trình quản lý, kiểm soát bệnh dịch”.

Hiện tại, các trường hợp dương tính đều được tiêm vaccine đúng theo kế hoạch, chính vì vậy số ca dương tính với bệnh giảm đáng kể. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, cán bộ y tế đã rất quyết liệt khi giám sát bệnh nhân sử dụng thuốc, tránh những trường hợp chủ quan hoặc quên uống thuốc. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời”, ông Nam cho biết thêm.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2020 đến nay, ghi nhận 23 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó đa phần là người đồng bào dân tộc tại các xã Diên Bình (Đăk Tô), thị trấn Sa Thầy và xã Ya Xiêr (Sa Thầy).

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại đây, ngày 3/7/2020, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3612/BYT-DP gửi UBND tỉnh Kon Tum về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại địa phương này.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh và cách ly kịp thời, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Riêng tại Đăk Nông, theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh, tính đến ngày 7/7/2020, có đến 28 trường hợp dương tính, 02 trường hợp đã tử vong, ghi nhận 9 ổ dịch tại địa bàn 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và ĐắkR’lấp.

Sở Y tế tỉnh Đăk Nông cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin các trường hợp dương tính, ngành Y tế đã ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, cách ly, truy vết các trường hợp nguy cơ có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính, kết quả đã giám sát được 955 trường hợp. Cùng với đó, Sở đã chủ động phát hiện sớm ca bệnh và chuyển về điều trị cách ly tại các cơ sở y tế, tiến hành khử trùng, khử khuẩn, tiêm vaccine Td chống dịch; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật chuyên môn cho các cán bộ y tế. Qua đó, đến nay, toàn tỉnh đã giảm thiểu được số ca nhiễm bệnh và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính phủ yêu cầu quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu.

Trong quá trình đấu tranh phòng, chống dịch bệnh, ngày 8/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 862/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Cụ thể, công điện nêu rõ, để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chống dịch; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát, lan rộng và điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất người tử vong.

Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, tổ chức tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chuẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chuẩn đoán, điều trị, chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh.

Cán bộ, nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bạch hầu.


Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân tích cực, chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ…, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.

Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.

Bạn đang đọc bài viết Tây Nguyên: Quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.