Thứ sáu, 29/03/2024 09:11 (GMT+7)

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 08/08/2020 10:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/8/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 8/8 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất tại Việt Nam

Bản tin 6h sáng ngày 8/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận 5 ca mắc mới Covid-19, trong đó 3/5 ca liên quan đến Đà Nẵng. 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam có 789 bệnh nhân.

Cụ thể: Trong số 5 ca mắc mới, có 3 ca gồm: Quảng Ngãi 2, Hà Nội 1 liên quan đến Đà Nẵng và 2 ca cách ly ngay sau nhập cảnh tại Khánh Hoà.

CA BỆNH 785 (BN785) tại Hà Nội: nam, 42 tuổi, có địa chỉ tại Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày 16-20/7 cùng gia đình đi du lịch Đà Nẵng.

Ngày 3/8 khởi phát với triệu chứng ho, ít đờm.

Ngày 6/8 nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, được lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả ngày 7/8, bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

CA BỆNH 786 – 787 (BN 786-787) tại Quảng Ngãi: 1 ca là F1 của BN574 (mẹ), BN572 (em), BN710 (cha) và 1 ca là F1 của BN630.

CA BỆNH 788 - 789 (BN 788-789) tại Khánh Hoà: Ngày 5/8, 2 BN này từ Mexico (quá cảnh Nhật) nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ7837, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng an ninh thuộc Đại học Nha Trang.

Ngày 6/8 được CDC Khánh Hoà ấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm,

Kết quả xét nghiệm ngày 7/8, bệnh nhân dương tính vi rút SARS-CoV-2. Hiện cả hai bệnh nhân này cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hoà

Tổng số ca mắc: 789 ca

- Tính đến 6h ngày 8/8: Việt Nam, có tổng cộng 789 ca mắc Covid-19, trong đó 316 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 333 ca.

- Tính từ 18h ngày 07/8 đến 6h ngày 08/8: 5 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 166.521, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6.929

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.446

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 135.146

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

Đến thời điểm này đã có 395/789 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 50,1 % tổng số ca bệnh Covid-19 trong cả nước.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Tính đến sáng ngày 8/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 351 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Số trường hợp tử vong: 10 ca

Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất trên thế giới

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 19.499.947 ca, trong đó có 722.455 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 12.526.730 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 64.934 ca và 6.250.762 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 7/8, thế giới có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 85 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Ấn Độ (61.455 ca), Mỹ (54.547 ca) và Brazil (44.880 ca); trong khi đó Mỹ (1.076 ca) và Ấn Độ (940 ca) và Brazil (928 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.

Châu Mỹ hiện là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới. Dịch đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia.

Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với 5.094.195 ca mắc bệnh, trong đó có 164.053 ca tử vong.

Viện Đánh giá và tham số y tế (IHME) của Đại học Washington dự báo, số ca tử vong ở nước này có thể lên tới gần 300.000 ca vào ngày 1/12 và 70.000 người sẽ được cứu sống nếu người dân chú ý đeo khẩu trang.

Dự báo trên được đưa ra sau khi một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về dịch bệnh truyền nhiễm cảnh báo, các thành phố lớn ở Mỹ có thể chứng kiến số ca tăng vọt và trở thành các điểm nóng nếu giới chức địa phương lơ là với các biện pháp phòng chống dịch.

Brazil đứng thứ hai thế giới với 2.967.064 ca nhiễm, trong đó có 99.702 ca tử vong. Tổng thống Jair Bolsonaro đã ban hành sắc lệnh yêu cầu dành 1,9 tỷ Reais (tương đương 356 triệu USD) để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng bệnh Covid-19 đang được hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phối hợp phát triển.

Có khả năng người dân Brazil sẽ được cung cấp vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.

Nga triển khai xét nghiệm nhanh tại tất cả các sân bay lớn ở thủ đô Moskva

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 7/8 cho biết Nga sẽ mở rộng triển khai việc xét nghiệm nhanh virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các sân bay lớn khác ở thủ đô Moskva sau khi áp dụng điều này tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô và là sân bay sầm uất nhất nước Nga.

Theo RDIF, hệ thống xét nghiệm xách tay sẽ cho kết quả trong vòng một giờ và hiện đã được một số doanh nghiệp Nga sử dụng tại các sự kiện lớn. Moskva đã thông báo nối lại một số chuyến bay quốc tế thường xuyên từ ngày 1/8 tới Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Tanzania, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Nga đã dịu bớt. Nước này cũng đang đàm phán với các nước khác để khởi động lại các đường bay thẳng.

Là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn để thiết lập các sân bay không có virus SARS-CoV-2, RDIF ngày 6/8 cho biết xét nghiệm nhanh sẽ được mở rộng sang các sân bay lớn khác ở thủ đô Moskva là sân bay Vnukovo và sân bay Domodedovo. Cả hành khách đi và đến sẽ đều phải xét nghiệm. Dịch vụ này sẽ được triển khai tại các sân bay trong vòng một tuần.

Nga có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với 866.627 trường hợp được ghi nhận, trong đó có 14.490 người tử vong.

Nga cũng tuyên bố sẽ cung cấp vắcxin phòng COVID-19 cho Philippines, hoặc liên kết với một doanh nghiệp địa phương để sản xuất đại trà.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev khẳng định Moskva đã sẵn sàng cung cấp vắcxin cho Philippines trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ngừng tăng.

Bên cạnh đó, Nga cũng có thể đầu tư và hợp tác với một đối tác của Philippines để sản xuất vắcxin. Hiện Moskva vẫn đang đợi phản hồi từ phía Bộ Ngoại giao Philippines.

Dự kiến, trong tháng này, Nga sẽ cấp phép lưu hành vắcxin tiềm năng đầu tiên, do nước này sản xuất, và các nhân viên y tế ở tuyến đầu là đối tượng đầu tiên được tiêm phòng.

Brazil đầu tư gần 400 triệu USD phát triển vắcxin

Ngày 7/8, Chính phủ Brazil cho biết Tổng thống Jair Bolsonaro đã ký sắc lệnh giải ngân 2 tỷ real (gần 400 triệu USD) cho việc phối hợp phát triển và sản xuất vắcxin ngừa COVID-19.

Theo Tổng thống Bolsonaro, trong tổng số tiền trên, khoảng 1,3 tỷ real (tương đương 237 triệu USD) sẽ được đầu tư cho phòng thí nghiệm AstraZeneca của Anh. Phần còn lại đầu tư cho Viện Fiocruz, một trung tâm nghiên cứu của Brazil đang hợp tác với trường Đại học Oxford trong việc nghiên cứu và sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 nếu các thử nghiệm thành công.

Vắcxin phòng COVID-19 được đưa vào thử nghiệm tại Sao Paulo, Brazil, ngày 21/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Bolsonaro khẳng định Chính phủ Brazil quyết tâm làm tất cả những gì có thể để cứu những người mắc COVID-19. Ông hy vọng có thể đưa ra thị trường vắcxin ngừa căn bệnh nguy hiểm này vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Brazil hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh và đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 2,96 triệu ca nhiễm và gần 99.600 người tử vong tính tới thời điểm này.

GAVI hỗ trợ các nước đang phát triển vắcxin phòng COVID-19

Ngày 7/8, Liên minh vắcxin GAVI thông báo tổ chức này đã nhất trí về một thỏa thuận với quỹ Bill & Melinda Gates và hãng sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới là Viện Serum Ấn Độ để đẩy nhanh quá trình sản xuất và chuyển giao 100 triệu liều vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021.

Giám đốc điều hành của GAVI, Tiến sĩ Seth Berkley cho biết thỏa thuận hợp tác nhằm bảo đảm không chỉ các nước giàu được quyền tiếp cận vắcxin phòng COVID-19. Theo đó, Serum Institute sẽ nhanh chóng nhận được vốn đầu tư để công ty này có thể sản xuất hàng loạt liều vắcxin trên quy mô lớn ngay trong nửa đầu năm 2021 khi có vắcxin được cấp phép.

Trong khi đó, Viện Serum của Ấn Độ thông báo sẽ nhận 150 triệu USD tiền tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates và GAVI để sản xuất vắcxin nói trên.

Viện trên cũng cho biết các vắcxin tiềm năng, trong đó có những vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ, sẽ có giá 3 USD/liều và sẽ có mặt tại 92 quốc gia vào đầu năm 2021. Mức giá này có được là do được các quỹ như Quỹ Bill & Melinda Gates trợ giá.

Tính đến nay, có rất nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Mỹ đã ký các thỏa thuận đa phương với các công ty dược phẩm để đặt mua trước vắcxin phòng COVID-19 trước khi các loại vắcxin này được cấp phép.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng các nước giàu tích trữ vắcxin sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt ở các nước đang phát triển. GAVI đang hướng tới một kế hoạch dành vắcxin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình và để thực hiện kế hoạch này, GAVI đặt mục tiêu quyên góp quỹ 2 tỷ USD.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.