Thứ sáu, 29/03/2024 01:58 (GMT+7)

Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 27/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 27/03/2020 19:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/3/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 27/3 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

>>> Xem thêm: Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2020

Cập nhật lúc 17h30 ngày 27-03-2020:

Thế giới: 549.811 người mắc, 24.293 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 85.612 người mắc; 1.301 người tử vong.

- Trung Quốc: 81.340 người mắc; 3.292 người tử vong

- Italy: 80.589 người mắc; 8.215 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 57.786 người mắc; 4.365 người tử vong

Việt Nam: 163 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

04 bệnh nhân (BN18, BN22, BN23, BN35) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 26/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

 Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Theo trang thống kê dữ liệu Worldometers, trong 24 giờ qua, số người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu tăng lên 23.967 ca và 529.059 ca mắc. Đáng lưu ý, bảng xếp hạng của Worldometers đã có sự thay đổi đột biến.

Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lên tới 8.215 ca. Hiện đã có 198 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19.

Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca mắc bệnh COVID-19

Số liệu do trường Đại học Johns Hopkins công bố ngày 26/3 cho thấy Mỹ đã vượt qua Italy và Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới số ca mắc bệnh COVID-19 với 82.404, trong đó hơn 1.100 người tử vong.

nhiều chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn ở Mỹ với số ca nhiễm tăng nhanh hằng ngày.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Washington, Mỹ có thể có khoảng 38.000-162.000 người tử vong trong vòng 4 tháng tới và các bệnh viện có thể sẽ bị quá tải vào trung tuần tháng 4.

Cho tới nay, chính quyền Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh cũng như đưa ra các 3 dự luật nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 2 nghìn tỷ USD.

Cùng ngày, Tổng thống Trump đã thông qua một tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Illinois. Tuyên bố này mở đường cho việc bổ sung ngân sách hỗ trợ liên bang đối với Illinois, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Trước đó, ông Trump cũng ra tuyên bố tương tự đối với các bang New York, California, Florida, Washington và Louisiana. Tổng thống Trump cũng đang chuẩn bị đưa ra các hướng dẫn mới về phân loại nguy cơ đối với việc phòng chống dịch COVID-19.

Số ca tử vong ở Italy vượt 8.000

Các quan chức ở Italy đã báo cáo 662 ca tử vong và 6.153 ca nhiễm mới tại đây vào ngày 26/3, nâng tổng số người nhiễm virus lên 80.539 và tổng số người tử vong là 8.215, theo AFP.

Số nạn nhân khổng lồ đã buộc thành phố Bergamo, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Italy, phải gửi nhiều thi thể đến các nhà hỏa táng ít chịu áp lực hơn ở các thị trấn lân cận. Sáu xe tải quân đội đã vận chuyển quan tài ra khỏi một nghĩa trang Bergamo hôm 26/3.

Số liệu mới nhất của Italy cho thấy rằng nạn nhân chủ yếu của Covid-19 là người già và người có bệnh lý nền. Dữ liệu về 5.542 trường hợp tử vong đầu tiên cho thấy 98,6% nạn nhân có ít nhất 1 bệnh nền. Hơn một nửa nạn nhân có ba hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác khi tử vong. Chỉ 29,1% nạn nhân là phụ nữ. Sự chênh lệch này cũng diễn ra ở các nơi khác và khiến các bác sĩ trên khắp thế giới bối rối.

Tỷ lệ tử vong trong số các ca nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Italy là 10,1%, cao hơn nhiều so với các quốc gia thực hiện xét nghiệm trên diện rộng như Hàn Quốc.

Tây Ban Nha cũng đang trở thành “điểm nóng” về Covid-19 khi số ca tử vong trong ngày vượt Italy với 718 ca. Như vậy, Tây Ban Nha hiện có 4.365 ca trong số 57.786 người mắc bệnh. Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa và ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 13/3. Quan chức y tế hàng đầu của nước này ông Fernando Simon dự đoán đỉnh dịch vẫn chưa xảy ra và số lượng các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.

Việc phong tỏa kéo dài 15 ngày, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết tính trạng khẩn cấp có thể kéo dài thêm 14 ngày nữa. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết, chính phủ đã đồng ý mua khẩu trang, bộ xét nghiệm, găng tay và máy thở với tổng trị giá 46 triệu USD từ Trung Quốc và các lô hàng sẽ được chuyển giao từ cuối tuầng này.

Kế tiếp là Pháp với 29.155 ca mắc trong đó có 1.696 ca tử vong trong, đứng thứ 5 thế giới về số người tử vong chỉ sau Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Iran.

Nước Anh ghi nhận 11.658 ca mắc bệnh Covid-19 với 578 ca tử vong. Đáng chú ý trong ngày 25/3, Thái tử Anh Charles đã được xác nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bệnh viện tại thủ đô London đang phải chứng kiến số bệnh nhân nhiễm virus ập đến như “sóng thần”.

Phát biểu với BBC, Giám đốc điều hành của Nhà cung cấp dịch vụ y tế quốc gia Chris Hopson cho biết, các bệnh viện ở London đã phải tăng cường năng lực chăm sóc gấp 5 đến 7 lần so với những tuần qua để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Đức đã ghi nhận 43.938 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 267 ca tử vong. Trong một động thái siết chặt quy định nhập cảnh, Chính phủ Đức thông báo từ ngày 25/3 sẽ tạm cấm nhập cảnh các lao động thời vụ từ nước ngoài cho đến khi có thông báo tiếp theo nhằm ngăn chặn dịch Covid- 19 lây lan.

Tại châu Á, Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 29.406  người nhiễm và 2.234 ca tử vong. Chính phủ Iran kêu gọi người dân ở nhà và tránh xa nơi công cộng. Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran sẽ ngăn chặn dịch bệnh trong hai tuần, thêm rằng các biện pháp tiếp theo đã được thực hiện để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch đối với người dân có thu nhập thấp.

Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận 3.287 ca tử vong trên tổng số 81.258 ca mắc.

Trước việc số ca nhiễm ngoại nhập có xu hướng tăng cao, Trung Quốc sẽ cấm nhập cảnh với người nước ngoài - bao gồm cả những người có giấy phép cư trú - bắt đầu từ ngày 28/3.

Lệnh cấm được áp dụng với cả những người có giấy phép lao động hoặc thẻ cư trú tại Trung Quốc, nhưng có ngoại lệ cho hộ chiếu ngoại giao, thủy thủ hoặc phi hành đoàn, và một số loại visa nhất định.

Tại Đông Nam Á, Indonesia và Malaysia đang trở thành các "điểm nóng" dịch bệnh tại khu vực này khi những nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Malaysia đã ghi nhận 235 ca nhiễm mới virus, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 2.031 ca, trong đó có 23 người tử vong. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) đến ngày 14/4 sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3 trong bối cảnh số ca bị nhiễm SARS-CoV-2 tại Malaysia tiếp tục tăng lên.

Indonesia có thêm 20 ca tử vong và 103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy đến thời điểm hiện tại, nước này đã có 78 ca tử vong trên tổng số 893 ca mắc.

WHO: Cơ hội kiềm chế dịch COVID-19 tại châu Phi đang hẹp dần

Theo TTXVN, truyền thông khu vực ngày 26/3 dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi Matshidiso Moeti nhận định khoảng một nửa các quốc gia khu vực cận Sahara châu Phi vẫn còn “cơ hội hẹp” để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Moeti cho rằng tình hình đang diễn biến rất phức tạp và các chính phủ khu vực cần nỗ lực tầm soát tất cả những người có tiếp xúc với các ca lây nhiễm trở về từ nước ngoài, nhằm cách ly và ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây truyền ra cộng đồng.

Tại châu Phi, dịch COVID-19 dù có tốc độ lây truyền chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song virus SARS-CoV-2 đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trong khu vực, với hơn 2.800 ca lây nhiễm và hơn 70 trường hợp tử vong.

Nam Phi hiện ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày, trong khi một số nước khác như Ai Cập và Kenya cũng đang áp dụng lệnh giới nghiêm từ tối hôm trước tới sáng hôm sau để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 27/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.