Thứ tư, 24/04/2024 07:15 (GMT+7)

Viêm tụy cấp nguy hiểm thế nào?

MTĐT -  Chủ nhật, 16/09/2018 13:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viêm tụy cấp là căn bệnh khiến nam bệnh nhân 20 tuổi tử vong trong câu chuyện người nhà tố bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách mới đây.

Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103 (Học viện Quân y, Hà Nội), cho biết viêm tụy cấp là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc trong tiêu hóa thức ăn. Trước đây, bệnh thường gặp sau các bữa tiệc do ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, nhiều đạm, cộng thêm việc uống nhiều rượu bia.

Cơ chế là do men trypsin của tụy từ dạng không hoạt động chuyển thành dạng hoạt động làm tổn thương nhu mô tụy.

Khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân thường trong cơn đau vật vã. Việc điều trị và tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tụy.

Bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103. Ảnh: HQ.

Điều trị viêm tụy cấp như thế nào?

Theo bác sĩ Tiến, viêm tụy cấp là một cấp cứu nội khoa, tiên lượng rất nặng, có nhiều biến chứng. Chúng bao gồm việc giảm thể tích máu, hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, nhiễm trùng huyết... Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng..., đặc biệt là hoại tử hoặc chảy máu trong tụy, bệnh nhân có thể bị sốc và tử vong.

Để điều trị căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ sẽ can thiệp nội khoa kết hợp với hồi sức. Ngoài việc điều trị cấp cứu, bác sĩ còn cần điều trị theo nguyên nhân và điều trị biến chứng. Nếu viêm tuỵ cấp do giun, cần điều trị diệt giun và kháng sinh. Viêm tuỵ cấp do sỏi cần kết hợp điều trị loại trừ sỏi.

Trường hợp nặng khi hồi sức không cải thiện, bệnh nhân phải được can thiệp ngoại khoa, mổ lấy bỏ mô tụy bị hoại tử, cầm máu và dẫn lưu. Trước đây, viêm tụy thường do sỏi mật, sỏi tụy, giun chui ống mật nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu bia tăng lên một cách rõ rệt, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân bị bệnh này.

Nguy hiểm khi không được cấp cứu kịp thời

Đáng lo ngại, bệnh có dấu hiệu đau gần giống đau dạ dày, tá tràng nên nhiều người chủ quan. Trong khi đó, chuyên gia này khuyến cáo nếu không được cấp cứu kịp thời, tiên lượng bệnh nhân rất xấu. Đặc biệt bệnh dễ tái phát, khi bị bệnh sẽ nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều.

“Trước đây, viêm tụy cấp có tỷ lệ tử vong cao, từng lên đến 60-70%. Hiện nay, dù có tiến bộ trong điều trị với máy móc, thiết bị hiện đại nhưng số tử vong vẫn chiếm 10-15%. Hơn nữa, điều trị viêm tụy cấp đòi hỏi thời gian lâu dài từ 2-4 tuần với chi phí điều trị khoảng 5-6 triệu đồng/ngày, thậm chí 20 triệu đồng/ngày ở những bệnh nhân viêm tụy cấp nặng”, bác sĩ Tiến cho hay.

Trong trường hợp viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết được xác định là rất nặng, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và tỷ lệ tử vọng cao. Nó gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn do cơ thể bị nhiễm trùng nặng, sốc do chính men tụy tăng rất cao, gây viêm phúc mạc, xuất huyết, suy đa phủ tạng...

Hầu hết ca bệnh còn không thể kịp chuyển bệnh nhân lên tuyến cao nhất vì rất dễ tử vong trên đường vận chuyển.

Theo Zing News

Bạn đang đọc bài viết Viêm tụy cấp nguy hiểm thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới