Thứ năm, 25/04/2024 09:32 (GMT+7)

Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

MTĐT -  Thứ sáu, 29/07/2022 15:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (29/7/2022), Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Hội thảo quốc tế về Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương
Quang cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng với chủ trương lấy “nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế qua các cam kết nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai nhất trên thế giới với các mức độ thiệt hại lớn, ước tính biến đổi khí hậu có thể làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050. Cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ​​các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ ngày một nóng lên và nước biển dâng.

Đồng thời bà cũng đánh giá cao Việt Nam đang trên con đường đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 trước năm 2050 và loại bỏ dần than vào những năm 2040 và hy vọng vào một tương lai toàn diện, công bằng cho con người và hành tinh với cam kết của Chính phủ ở cấp cao nhất, sự hợp tác có ý nghĩa và sự tham gia của tất cả các bên liên quan cũng như với tầm nhìn chung về thúc đẩy cả hành động về khí hậu và nhân quyền.

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva và sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ cùng những đối tác thanh niên. Bà nhấn mạnh những giải pháp xanh và phát triển bền vững cần phải được thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc về quyền con người và bình đẳng, tiếp tục đảm bảo quyền con người cho tất cả công dân Việt Nam, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

UNDP khẳng định mạnh mẽ cam kết ủng hộ Chính phủ Việt Nam, lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự trong đảm bảo quá trình hoạch định chính sách nhằm thích ứng, ứng phó với biển đổi khí hậu và các chính sách môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn về quyền con người. Cam kết phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở mục tiêu, mà còn bao gồm cách tiếp cận - đó phải là cách tiếp cận toàn diện, đảm bảo sự tham gia đầy đủ, không bỏ lại ai ở phía sau.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, phiên thảo luận bàn tròn diễn ra với sự tham gia của các vị đại biểu, các Bộ, ngành, các đối tác phát triển và đại diện đến từ các tổ chức xã hội, giới học giả về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 của Việt Nam; Tác động của biến đổi khí hậu tới quyền của các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ trong vấn đề này; Biến đổi khí hậu và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: kinh nghiệm và thực tiễn tốt của Liên minh châu Âu; Tiếng nói của thanh niên trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Phát triển nông thôn bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu: vai trò của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có vai trò của phụ nữ... Đây là một trong những cơ sở quan trọng để bổ sung, hoàn thiện và giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền trong thời gian sắp tới.

Minh Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành