Thứ năm, 28/03/2024 21:53 (GMT+7)

Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe - Một số biện pháp bảo vệ cá nhân

GS.TS.Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng -  Thứ sáu, 24/03/2023 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hạt bụi trong không khí là hỗn hợp của nhiều loại hóa chất. Nó là một hỗn hợp phức tạp của hạt chất rắn và giọt bắn, là các giọt chất lỏng rất nhỏ. Cấu trúc của giọt bắn gồm lõi là hạt chất rắn khô được bao phủ bên ngoài một lớp chất lỏng.

Các hạt rất khác nhau về kích thước, hình dạng và thành phần hóa học. Nó có thể chứa các ion vô cơ, hợp chất kim loại, nguyên tố cacbon, hợp chất hữu cơ và các hợp chất từ vỏ trái đất. Các hạt bụi được phân loại dựa trên  đường kính của chúng với mục đích quản lý chất lượng không khí.

Những hạt có đường kính từ 10 micron trở xuống (PM10) có thể hít vào phổi và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bụi mịn là các hạt bụi có đường kính từ 2,5 micron trở xuống (PM2,5), đó là kích thước rất nhỏ so với đường kính một sợi tóc (75 micromet)

Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe

Bụi mịn PM2.5 có thể đi sâu vào đường hô hấp, đến tận phế nang. Bụi mịn xâm nhập vào cơ thể con người có xu hướng gây ra các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào đường kính khí động học của các hạt. Đường kính càng nhỏ, hạt có thể xâm nhập càng sâu vào các hệ thống cơ quan và khả năng gây độc càng cao. 

tm-img-alt
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong  mới đây đã ước tính có khoảng 34.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng trên thế giới mỗi năm có hơn 7 triệu ca tử vong sớm vì không khí bị ô nhiễm. TL

Các hạt bụi mịn không chỉ gây ra các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản cấp và kích hoạt cơn hen phế quản mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mạch máu não.

Bụi mịn cũng có thể gây viêm kết mạc mắt, ngứa mắt dẫn đến tiết nhiều nhử mắt và đỏ mắt.

Bụi mịn có thể gây phát ban da vì các chất độc hại có trong bụi mịn có thể gây viêm viêm da dị ứng.

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các bệnh tâm thần như trầm cảm và mất trí nhớ. Nguy cơ tự tử cao hơn 10% trong những ngày có nồng độ bụi mịn tăng cao nghiêm trọng.

Bụi mịn từ phổi xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng trong não người và ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh, làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính như bệnh tim và bệnh hô hấp, khiến cho người mắc bệnh  bị trầm cảm.

Trẻ em sống trong cộng đồng có mức độ PM2.5 cao có phổi phát triển chậm hơn và có phổi nhỏ hơn ở tuổi 18 so với trẻ em sống trong cộng đồng có mức độ PM2.5 thấp.

tm-img-alt

Người có nguy cơ cao nhất khi tiếp xúc với bụi mịn là người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi mạn tính, trẻ em và bệnh nhân hen phế quản. Những đối tượng này bị tác động mạnh nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với PM10 và PM2.5. Ngoài ra, trẻ em và trẻ sơ sinh dễ bị tổn hại khi hít phải các chất ô nhiễm như PM vì chúng hít nhiều không khí trên mỗi kg trọng lượng cơ thể hơn người lớn chúng sẽ thở nhanh hơn, ở ngoài trời lâu hơn và cơ thể nhỏ hơn. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành của trẻ em có thể khiến chúng dễ bị tác động hơn người lớn khỏe mạnh.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế vào năm 2015 kết luận rằng các hạt vật chất trong ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những tác nhân gây ra ung thư phổi. 

Nghiên cứu ở Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu chất lượng không khí từ năm 2014-2016 cho thấy phơi nhiễm PM2.5 góp phần gây ra 5.400 ca tử vong sớm do nguyên nhân tim phổi mỗi năm ở California. Ngoài ra, PM2.5 góp phần gây ra khoảng 2.800 ca nhập viện vì các bệnh tim mạch và hô hấp và khoảng 6.700 lượt nhập viện cấp cứu vì bệnh hen phế quản  mỗi năm ở California.

Nguồn phát thải bụi mịn 

Nguồn phát thải bụi mịn bên ngoài chủ yếu từ khí thải động cơ ô tô, xe máy, ô tô, các loại động cơ khác trong máy xây dựng, đầu máy xe lửa). Bụi mịn còn phát thải từ đốt các nhiên liệu như gỗ, dầu hỏa hoặc than và các nguồn tự nhiên như cháy rừng và đồng cỏ. Các hạt mịn cũng hình thành từ khí thải nhà máy nhiệt điện (Dùng than, khí ga, dầu). 

PM2.5 cũng được tạo ra trong nhà:  Khói thuốc lá, khói bếp hoặc hơi bốc lên khi nấu ăn (chiên, áp chảo và nướng), đốt nến hoặc đèn dầu, vận hành lò sưởi và máy sưởi (Lò sưởi dầu hỏa).

tm-img-alt
Nhiều ngày nay, Hà Nội như được bao phủ bởi lớp "sương mù" do sự gia tăng của nồng độ bụi mịn ngoài trời. Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. TL

Bên cạnh các nguồn phát thải trực tiếp nói trên, bụi mịn còn dược tạo ra trong khí quyển bởi các phản ứng hóa học giữa các chất đang tồn tại trong không khí như sulfur dioxide (SO2), oxit nitơ (N2O) và một số hợp chất hữu cơ khác.

Các hợp chất này được phát thải ra từ nguồn tự nhiên như cây cối và thảm thực vật hoặc từ nguồn nhân tạo trong sản xuất công nghiệp, khí thải xe cơ giới. Phản ứng hóa học tạo ra bụi mịn có thể xảy ra cách xa vị trí nguồn phát thải ban đầu hàng kilomet. Cháy rừng hoặc phun trào núi lửa có thể phát tán và làm tăng nồng độ bụi mịn cách xa hàng trăm km.

Tiêu chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT về chất lượng không khí cho bụi trong không khí ngoài trời (Microgam trên mét khối không khí): Tổng lượng bụi lơ lửng trung bình 1 giờ là 300; Trung bình 24 giờ đối với bụi PM 2.5  là 50 (Tiêu chuẩn của Hoa Kỳ quy định năm 2012 là 35); Trung bình 24 giờ đối với bụi PM 10 là 150. Chúng ta có thể nắm được mức độ ô nhiễm bụi mịn ở địa bàn của mình bằng ứng dụng Air Visual trên điện thoại. 

Đánh giá cảm quan về tăng nồng độ PM2.5 trong không khí ngoài trời

tm-img-alt
Bụi siêu mịn PM2.5 kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn.

Mức độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên ở môi trường không khí tù đọng (rất ít gió), khi bụi không được gió mang đi hoặc khi gió mang không khí ô nhiễm từ nơi khác đến. Khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí trông thấy mờ và tầm nhìn bị giảm, giống như sương mù.  

Cách bảo vệ cá nhân 

Vì lượng hạt trong không khí xâm nhập vào cơ thể tỷ lệ thuận với lượng thời gian ở ngoài trời, nên tốt nhất mọi người nên ở trong nhà khi nồng độ bụi mịn tăng cao trong không khí.

Khi ra ngoài, mặc áo sơ mi dài tay và đeo khẩu trang là cách hiệu quả để giảm thiểu sự tiếp xúc của da và cơ quan hô hấp với bụi.

tm-img-alt
Không khí trong nhà có khả năng ô nhiễm gấp đôi ngoài trời. TL

Sau khi ở ngoài trời về nhà, nên tắm rửa để loại bỏ bụi ở da. Rửa mặt, đánh răng và sử dụng thuốc nhỏ mắt sẽ giúp giữ cho mũi, miệng, họng, mắt sạch sẽ. Đeo kính thay vì kính áp tròng giúp giảm thiểu tác hại của bụi mịn với mắt.

Khi cơ thể bị mất nước, niêm mạc đường hô hấp hô hấp sẽ kém hiệu quả hơn trong việc ngăn cản bụi xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, uống đủ nước giúp ngăn ngừa bụi bẩn xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, nó cũng giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại qua đường mồ hôi và nước tiểu.

Ăn trái cây và rau quả tươi cũng giúp cơ thể đối phó với những tác động tiêu cực của bụi mịn.

Sử dụng máy lọc không khí trong nhà, cơ quan làm việc giúp làm giảm nồng độ bụi mịn trong không khí phòng làm việc, trong nhà. Tuy nhiên, không nên phụ thuộc quá nhiều vào một lựa chọn như vậy. Nếu không có hệ thống thông gió và vệ sinh nhà cửa đúng cách, sẽ không có hiệu quả trong việc giảm tiếp xúc với các hạt bụi. Cũng cần phải thay đổi bộ lọc trên máy lọc không khí của bạn thường xuyên.

Bạn đang đọc bài viết Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe - Một số biện pháp bảo vệ cá nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.