Thứ sáu, 29/03/2024 21:51 (GMT+7)

Tác hại ô nhiễm môi trường nước ở các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ ba, 05/09/2017 20:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung và Khu công nghiệp (KCN) nói riêng đã gây tác động xấu tới các hệ sinh thái tự nhiên.

Đặc biệt nước thải sản xuất không qua xử lý, xả thải trực tiếp vào môi trường gây ra những thiệt hại đáng kể tới sản xuất nông ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại các khu vực lân cận.

Mặt khác, ô nhiễm môi trường này đã làm gia tăng gánh nặng bệnh tật gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh đang lao động tại chính KCN và cộng đồng dân cư sống gần đó. Đáng báo động là tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ.

Việc đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường KCN tới các hệ sinh thái tự nhiên, sức khoẻ người lao động và cộng đồng, cũng như việc tính toán các thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường KCN gây ra đòi hỏi có những số liệu nghiên cứu công phu và hệ thống.

Tuy nhiên, các số liệu hiện nay chỉ có thể phản ánh một phần tác hại của ô nhiễm do hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó bao gồm cả các KCN. Chưa có đủ điều kiện về số liệu để phân tích cho tác hại ô nhiễm của các KCN một cách riêng biệt.

Dưới đây sẽ tập trung vào việc đưa ra một sẽ khuyến cáo về tác hại do ô nhiễm môi trường hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung và ít KCN nói riêng. Các đánh giá và dẫn chứng đã phản ánh những tác hại của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe cộng đồng và hoạt động sản xuất nông nghiệp, vừa cảnh báo về hậu quả do ô nhiễm môi trường KCN sẽ xảy ra trong tương lai nếu vấn đề bảo vệ môi trường KCN không định quan tâm đúng mức.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Như vậy nền kinh tế mất khoảng 3,9 tỉ USD trong 1 USD của GDP trong năm 2007, và khoảng 4,2 tỷ USD trong ước tính 76 tỉ USD của GDP hoặc năm 2008. Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm ở Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường (Nguồn: Bộ Công Thương – Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam: Tổn thất chiếm tới 5,5% GDP - Trang thông tin điện tử Thương Mại & Môi trường, 2008).

Báo cáo sử dụng những phương pháp ước tính thông dụng, theo đó, tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường được tính cho các khoản như chi phí người dân phải bỏ ra để chăm sóc sức khỏe, thiệt hại do giảm thời gian làm việc và năng suất lao động của công nhân, thiệt hại do giảm năng suất nông nghiệp, thủy sản và chi phí phải bỏ ra để sửa chữa, hao mòn công trình... hoặc bồi thường cho việc khôi phục môi trưởng bị suy thoái hoặc hủy hoại do ô nhiễm.

Tổn thất tới hệ sinh thái năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Sông suối là nguồn tiếp nhận và vận chuyển các chất ô nhiễm trong nước thải từ các KCN và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nước thải chứa chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng ôxy trong nước, các loài thủy sinh bị thiếu ôxy dẫn đến một số loài bị chết hàng loạt. Sự xuất hiện các độc chất như dầu mỡ, kim loại nặng, các loại hóa chất trong nước sẽ tác động đến động thực vật thủy sinh và đi vào chuỗi thức ăn trong hệ thống sinh tồn của các loài sinh vật, cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Dưới đây là một số các minh hoạ tại một số khu vực trong nước.

Trong lưu vực sông (LVS) Nhuệ - Đáy tập trung 19 KCN Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hàng loạt các KCN, CCN khác của địa phương. Theo ước tính, lượng nước thải từ các KCN chiếm khoảng 35% tổng lượng nước thải công nghiệp đổ vào LVS Nhuệ - Đáy.

Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho nguồn tiếp nhận này. Theo số liệu thống kê, sản lượng nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi cá bè trên sông đã bị giảm sút nhiều do vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt. Điển hình là các vụ cá lồng chết hàng loạt vào những năm 2002, 2003, 2005. Ngoài ra, chất lượng nước mặt suy giảm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cấp sinh hoạt trong khu vực.

KCN Phố Nối A, Hưng Yên có diện tích 390 ha, đến năm 2009 đã có 77% diện tích được lấp đầy và đi vào hoạt động nhưng việc xử lý nứơc thải vẫn bị xem nhẹ. Công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung (xây dựng từ năm 2008 không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số doanh nghiệp trong KCN chưa đấu nối hệ thống nước thải với nhà máy xử lý nước thải tập trung mà xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Nguồn nước thải từ KCN Phố Nối A đang gây ô nhiễm nặng các dòng sông, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là sông Bần và sông Bắc Hưng Hải. Theo đánh giá, nguồn nước trên hai dòng sông này và hệ thống kênh mương, sông hồ trong khu vực không đạt tiêu chuẩn B1 (QCVN 08:2008), không thể dùng tưới tiêu cho nông nghiệp.

Hàng chục kênh mương đã biến thành dòng nước chết, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Nước chảy đến đâu, cá tôm chết nổi đến đó, cây trồng cũng héo rũ. Trên địa bàn Văn Lâm, Mỹ Hào do hệ thống thuỷ lợi bị ô nhiễm không thể tưới tiêu phục vụ sản xuất hàng chục ha đất canh tác phải bỏ hoang. (Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam,1/11/2009).

KCN Quăng Phú, một KCN tương đối lớn của Quảng Ngãi, được chính thức hoạt động từ đầu năm 2000 và đến nay đã thu hút trên 24 dự án sản xuất lâm sản, thủy sản, phân bón, bao bì, giấy...

Từ khi đi vào hoạt động đến nay KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải của các nhà máy trong KCN đều xả trực tiếp ra kênh Bầu Lăng. Trước đây, người dân dùng nước kênh cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất, nhưng giờ nguồn nước không thể sử dụng. Ngoài kênh Bầu Lăng thì sông Trà Khúc cũng trong tình trạng tương tự.

Nguyên nhân do một số nhà máy của KCN, nhất là Công ty đường Quảng Ngãi, đã đổ nước thải trực tiếp ra sông. Nhiều lần cá trên sông Trà Khúc bị chết nổi trắng dòng do ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT Quảng Ngãi, nước thải KCN Quảng Phú với nhiều thông số vượt QCVN nhiều lần.

KCN Điện Nam - Điện Ngọc, với hơn 34 nhà máy đã và đang đưa vào hoạt động, là KCN lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Trong những năm trước đây (2006-2007), KCN này cũng đã nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở miền Trung.

Cũng như nhiều KCN khác ở miền Trung, trong giai đoạn này, KCN vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải của KCN thải trực tiếp ra môi trường đã khiến người dân tại khu vực xung quanh phải gánh chịu. Con mương dẫn nước thải của KCN chảy tự do ra sông Ngân Hà, làm dòng sông trở nên đen kịt. Các loài thủy sản (cá, tôm...) không thể tồn tại.

Trạm bơm Tứ Câu gần như ngừng hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới tiêu cho gần 200 ha ruộng của Điện Ngọc 1 và Điện Ngọc 2. Từ năm 2008, với việc đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 của KCN, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này đã bước đầu được khắc phục.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là khu vực tập trung nhiều nhất các KCN của cả nước. Các hoạt động sản xuất từ các KCN này đã thải vào môi trường nước một lượng lớn nước thải với nồng độ chất ô nhiễm cao, gây hiện tượng các "đoạn sông chết".

Ô nhiễm nước sông Thị Vải là một trong những điển hình về ô nhiễm môi trường công nghiệp gây tác động trực tiếp tới hệ sinh thái trong nước sông, gây những tổn hại đáng kể đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Việc xả thải chất ô nhiễm có nồng độ cao và lưu lượng lớn vào môi trường nước sông, tại các khu vực trung lưu và hạ lưu sông (nơi tập trung 10 KCN thuộc tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) không thể kiểm soát được, đã gây ô nhiễm nặng môi trường. Điển hình là hậu quả do hoạt động xả nước thải trái pháp luật kéo dài của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam.

Cả đoạn sông dài khoảng 12 tim (tử sau hợp lưu suối Cả - sông Thị Vải khoảng 2 tìm đến khu vực cảng Phú Mỹ, phía sau KCN Mỹ Xuân) bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khu vực này, các loài tôm, cá, thủy sản hầu như không thể tồn tại và phát triển. Hệ sinh thái ở khu vực này chỉ còn tồn tại một số ít loài động thực vật phù du: Các loài tảo phát triển chủ yếu cũng là những loài thích nghi với môi trường dinh dưỡng cao và chính sự phát triển của chúng cũng làm tăng nguy cơ gây độc cho môi trường nước.

Theo ước tính ban đầu, tổng diện tích nông nghiệp bị thiệt hại là 1.438,5 ha, phần lớn là ao nuôi thủy sản, 29,5 ha là đất sản xuất nông nghiệp. Tính từ năm 2005, do ảnh hưởng bởi nước và khí thải từ nhà máy, hoa màu của các hộ dân khu vực xung quanh cho năng suất, chất lượng rất kém (lúa bị lép hạt, hoa cảnh, cây trái bị cháy xem)...

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân, trước khi Vedan chưa thành lập thì nông dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, các hộ nuôi quảng canh mỗi một ha thu hoạch khoảng 50 triệu đồng nay chỉ thu hoạch chừng 20 triệu đồng. Đến nay thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản tại đây vẫn đang được tính toán để có được số liệu chính xác cuối cùng.

Theo tính toán của 3 Hội Nông dân của 3 tỉnh, thành phố Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, Vedan bị yêu cầu bồi thường thiệt hại là hàng trăm tỷ đồng. Vedan cũng đã cam kết sẽ bồi thường sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Con số bồi thường cho thấy mức độ thiệt hại do ô nhiễm từ nước thải là rất lớn.

Mặc dù chưa có nghiên cứu và thống kê chính thức, nhưng với tỷ lệ các KCN chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung còn cao như hiện nay thiệt hại đối với nông nghiệp và thuỷ sản chịu ảnh hưởng của nước thải từ các KCN là một con số còn lớn hơn nhiều lần

Ngoài ra, những sự cố gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian ngắn do nước thải của một số nhà máy sản xuất cũng gây những thiệt hại kinh tế không nhỏ đối với người dân.

Ngày 28/7/2009, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh vụ việc Công ty TNHH San Miguel Pu re Foods Việt Nam (xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) gây ra sự cố ô nhiễm môi trường suối Bến Ván và sông Thị Tính. Sự cố vỡ bờ hồ xử lý nước thải của Công ty vào ngày 25/7/2009 khiến 230.000m3 nước thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường.

Kết quả phân tích mẫu nước thải từ hồ chứa sau khi sự cố xảy ra cho thấy nồng độ ô nhiễm rất cao, cụ thể: nồng độ COD vượt tiêu chuẩn 263,8 lần, SS vượt 165,6 lần, tổng ni tơ vượt 44,6 lần, tổng phốt pho vượt 237,5 lần và nồng độ sunfua vượt 2,35 lần.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thống kê sơ bộ đến ngày 31/7/2009, sau sự cố trên, ước tính có khoảng 20ha cao su bị ảnh hưởng, nhiều diện tích hoa màu bị nước và bùn thải ô nhiễm vùi lấp, hơn 10.000m2 ao cá bị thiệt hại do ô nhiễm làm cá chết.

Ngoài ra, nồng độ ô nhiễm cao cùng với lưu lượng chảy lớn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước và chết cá hàng loạt trên suối Bến Vân và sông Thị Tính. Nguồn nước tại Nhà máy nước Thủ Dầu Một và Tân Hiệp lấy nước từ sông Sài Gòn cũng bị ô nhiễm nặng. Mặc dù vẫn có thể xử lý nước để dùng cho sinh hoạt nhưng rất tốn kém vì phải sử dụng nhiều hóa chất.

Tháng 4 năm 2008, hàng loạt bè cá đang gần ngày thu hoạch ở La Ngà đột ngột chết trắng do nước sông La Ngà bị ô nhiễm từ nguồn nước thải của hai Công ty Men Mang Việt Nam và Công ty cổ phần mía đường La Ngà. Theo thông tin từ UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết hai Công ty trên đã thỏa thuận đền bù cho các hộ nuôi cá bè bị thiệt hại do ô nhiễm sông La Ngà số tiền bồi thường là 2 tỷ đồng (phapluattp.vu 15/5/2009).

Đây là những trường hợp điển hình về thiệt hại do sự cố môi trường từ các cơ sở sản xuất kinh doanh đơn lẻ. Trong trường hợp nếu KCN không có biện pháp quản lý và các phương án phản ứng thích hợp trong trường hợp xảy ra sự cố thì con số thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Gia tăng gánh nặng bệnh tật

Tổn thất kinh tế do gia tăng gánh nặng bệnh tật. Theo con số thống kê , từ năm 1976 đến 1990 ở nước ta mới chỉ có 5.497 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng đến 2004 số người mắc bệnh đã tăng lên gấp 3 lần với tổng số 21.597 người.

Dự báo số người mới mắc bệnh nghề nghiệp đến năm 2010 là trên 30 ngàn. Tổng số tiền chi cho trợ cấp bệnh nghề nghiệp từ 2000 - 2004 là hơn 50 tỷ đồng (Nguồn: Nguyễn Khắc Hả,. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường - Ô nhiễm môi trường công nghiệp và sức khoẻ cộng đồng, 2005).

Ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe cho người dân sống khu vực lân cận các nhà máy, từ đó gây ra tổn thất kinh tế cho khám chữa bệnh và các thiệt hại thu nhập do bị bệnh. Thiệt hại kinh tế trung bình cho mỗi người dân trong một năm ở vùng chịu tác động của các nhà máy (phường Thọ Sơn, TP.Việt Trì) cao gấp 3,5 lần so với vùng không chịu tác động (phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì) (Bảng l).

Bảng I

Bên cạnh việc ước tính các chi phí cho chăm sóc sức khỏe, khái niệm "gánh nặng bệnh, tật còn được sử dụng khi đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe của con người (tác động sức khỏe). Gánh nặng bệnh tật được hiểu là tổng số năm sống mất đi vì mang bệnh, tai nạn thương tích và số năm mất đi vì chết non với tuổi thọ kỳ vọng, tính trên 1000 nữ dân sống trong khu vực đề ra.

Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật còn được đánh giá riêng cho từng nhóm bệnh và kết quả cũng hoàn toàn tương tự (Biểu đồ 1). Đặc biệt, nhóm bệnh 1 và 11 là những bệnh liên quan nhiều đến ô nhiễm môi trường có gánh nặng bệnh tật tại khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm cao hơn hẳn khu vực đối chứng.

Biểu đồ 1: Thiệt hại kinh tế do bệnh tật tại phường Thọ Sơn và Gia Cầm (TP Việt Trì, Phú Thọ)
Nguồn: Chương trình điều tra, đánh giá tác động sức khoẻ môi trường tại TP Việt Trì (Phú Thọ), Cục bảo vệ môi trường, 2007.

Biểu đồ 2: Gánh nặng bệnh tật tại phường Thọ Sơn chịu tác động ô nhiễm công nghiệp và phường Gia Cầm ( đôi chứng không bị ô nhiễm công nghiệp) của TP Việt Trì, Phú Thọ
Nguồn: Chương trình điều tra, đánh giá tác động sức khoẻ môi trường tại TP Việt Trì (Phú Thọ), Cục Bảo vệ môi trường, 2007

Ô nhiễm nguồn nước, đất và những tác hại đến sức khỏe

Nước thải từ các KCN không được xử lý gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp và có thể thông qua chuỗi thức ăn gây ảnh hướng xấu tới sức khỏe con người. Các bệnh chủ yếu liên quan đến chất lượng nước là bệnh đường ruột, các bệnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, nấm mốc..., các bệnh do côn trùng trung gian và các bệnh do vi yếu tố và các chất khác trong nước (bệnh bướu cổ địa phương, bệnh về răng do thiếu hoặc thừa fluor, bệnh do nitrat cao trong nước, bệnh do nhiễm độc bởi các độc chất hóa học có trong nước như bệnh Minamata. Ở Nhật Bản do nước bị nhiễm dimethy có quá nhiều Cadimi,...).

Một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất tại khu chế biến kim loại màu Thái Nguyên đến sức khỏe dân cư sống xung quanh đã cho thấy hàm lượng chì trong nước thải tại ao thải vượt TCCP nhiều lần; hàm lượng chì và arsen trong đất ở vùng nghiên cứu cao hơn 1,2 - 2,5 lần, trong nước sinh hoạt cao hơn 1,5 - 6 lần và thực phẩm từ 6 - 12 lần so với vùng đối chứng ác xét nghiệm máu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sống liên tục ở khu vực nghiên cứu từ 5 năm trở lên đã cho thấy hàm lượng chì và arsen trong máu cũng cao hơn vùng đối chứng 3 - 80 lần. (Nguồn: Báo cáo tóm tắt Hội nghị khoa học quốc tế Y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ 1, Hà Nội, 2003).

Một nghiên cứu khác đánh giá ảnh hưởng của kim loại chì (xuất phát từ nước thải công nghiệp dệt nhuộm, sản xuất pin-acquy, tẩy mạ, nấu luyện kim loại...) trong nước kênh của TP.Hồ Chí Minh đến chất lượng rau thủy sinh rau muống, rau rút, rau ngổ, cần nước, ngó sen cung cấp cho thành phố đã cho thấy: hàm lượng chì có trong rau muống trồng tại một số vùng chuyên canh, trồng trên kênh rạch tương đối cao (so sánh với các tiêu chuẩn trong Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 và Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1994 thì có 16/25 mẫu rau có hàm lượng chì cao hơn quy định).

Nước trong các ruộng, được dẫn từ kênh vào, có mức độ ô nhiễm chì cao hơn nước trong kênh rạch và cao hơn TCVN 5942:1995. Việc nước thải công nghiệp không xử lý của TP.Hồ Chí Minh thải thẳng ra kênh rạch đã làm tăng thêm việc nhiều kim loại nặng, trong đó có chì và các độc tố khác trong rau và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với đối tượng nhạy cảm nhất là trẻ em.

(Nguồn: Báo cáo tóm tắt Hội thảo khoa học kỷ niệm 30 năm thực hiện công tác An toàn Vệ sinh Lao động của Phân viện Bảo hộ Lao động tại TP. Hồ Chí Minh, 2007).

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Bạn đang đọc bài viết Tác hại ô nhiễm môi trường nước ở các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới