Thứ sáu, 19/04/2024 12:47 (GMT+7)

Tái chế rác thải đại dương thành vòng tay và túi xách

MTĐT -  Thứ sáu, 25/11/2022 14:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án tái chế rác thải đại dương thành phụ kiện của hai nữ doanh nhân không những giúp bờ biển được dọn dẹp sạch sẽ hơn mà còn tạo việc làm cho phụ nữ địa phương

Mỗi năm, hàng trăm tấn chất thải gây ô nhiễm các bãi biển của quần đảo Cape Verde, do các dòng hải lưu của Đại Tây Dương và Canaries thúc đẩy vào bờ. Hai doanh nhân Helena Moscoso và Debora Roberto đã quyết định giải quyết vấn đề này với thương hiệu Simili, thương hiệu biến lưới đánh cá, rác thải thu được trên cát thành vải để tạo ra túi xách và các phụ kiện thời trang khác.

tm-img-alt
Rác tràn ngập các bãi biển trên quần đảo Cape Verde ( Nguồn: Internet)

Lưới đánh cá đủ màu, chai nhựa và rác thải đại dương khác nằm rải rác trên bãi cát mịn của nhiều hòn đảo ở Cape Verde. Sự ô nhiễm này là kết quả của các dòng hải lưu mà mỗi ngày lắng đọng mảnh vụn có nguồn gốc từ tất cả các lục địa xô vào bờ. Quan sát thấy thực trạng đáng buồn này đã khiến hai người phụ nữ, Helena Moscoso và Debora Roberto, bắt đầu tái chế vào năm 2019, áp dụng một phương pháp hiện đang được nhiều nhà thiết kế thời trang ưa chuộng nhằm chống lãng phí, sản xuất thừa cũng như ô nhiễm đất và biển.

Thông qua thương hiệu Simili, được nhận biết bằng logo hình con cá, hai doanh nhân này nhắm đến việc loại bỏ rác thải không mong muốn này trên các bãi biển, quảng bá thông điệp tái chế, chuyên môn và nghề thủ công của địa phương. Rác thải trên biển chính là nguyên liệu thô, sau này chúng sẽ được các thợ may biến thành phụ kiện thời trang như túi xách, ví, hộp đựng và vòng đeo tay.

Mặc dù sáng kiến ​​này không cho phép sản xuất quy mô lớn, nhưng nó vẫn góp phần làm sạch các bãi biển đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề xung quanh ô nhiễm biển.

Hai nhà sáng lập cho biết: "Cuối tuần qua, chúng tôi đã bắt đầu thu thập nguyên liệu thô để khởi động quá trình sản xuất. Có một sự thật đáng buồn là Đại Tây Dương cung cấp rất nhiều nguyên liệu. Chúng tôi muốn mang đến cuộc sống mới cho những nguyên liệu đang đe dọa các loài sinh vật biển này. Tất nhiên chúng tôi không mong đợi sẽ thu được nhiều nguyên liệu thô. Nhưng dù thế nào thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch của mình. Mục tiêu của chúng tôi là làm giảm sự ô nhiễm, dù chỉ trên quy mô rất nhỏ”.

tm-img-alt
Chiếc túi xách làm từ lưới đánh cá cũ của thương hiệu Simili (Nguồn: Internet)

Hầu hết thời gian được các tình nguyện viên đồng hành, hai người phụ nữ thường xuyên tham gia các chiến dịch dọn dẹp trên các hòn đảo khác nhau, bao gồm Santa Luzia và São Vicente, được tổ chức bởi các hiệp hội và tổ chức như NGO Biosfera, tổ chức hoạt động bảo vệ tài nguyên biển và ven biển trên quần đảo. Đây là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc, vì có quá nhiều rác thải trên các bãi biển, chưa kể những khó khăn gặp phải khi rác thải đã bị chôn vùi trong cát. "

Ba năm sau khi khởi động dự án này, hàng chục và hàng trăm chiếc túi đã được làm bằng tay bởi những người thợ may của Salamansa, một ngôi làng ở phía bắc São Vicente.

Theo báo cáo của tạp chí Jeune Afrique, việc đào tạo thành thợ may đã giúp những phụ nữ này kiếm được việc làm trong xưởng Simili, mỗi ngày biến lưới đánh cá thu được thành túi, túi nhỏ, hộp đựng và vòng đeo tay. Những thứ này được bán cho người dân Cape Verde, cũng như cho khách du lịch, để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và nâng cao nhận thức về ô nhiễm đại dương.

An Đông (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tái chế rác thải đại dương thành vòng tay và túi xách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?