Thứ sáu, 19/04/2024 17:25 (GMT+7)

Bến, bãi ven sông: Không phép vẫn... hoạt động

MTĐT -  Thứ hai, 02/08/2021 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đã có quy định, cơ quan chuyên môn cũng gửi văn bản đến từng cá nhân, tổ chức về việc dừng hoạt động các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông song vi phạm vẫn diễn ra.

Vật liệu chất như núi, sát chân đê

Khảo sát thực tế tại tuyến đê hữu Thương thuộc địa bàn xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) nhận thấy hoạt động tập kết, kinh doanh cát, sỏi vẫn diễn ra tấp nập. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng của các công trình trong khu vực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều chủ bãi kinh doanh còn huy động một lượng lớn thiết bị, phương tiện chuyên dụng để múc, vận chuyển vật liệu. 

Tập kết cát ngay trên mái đê, cao bằng mặt đê tại xã Đồng Sơn.

Quan sát, hầu hết các bãi tập kết tại đây đều không tuân thủ quy định về khoảng cách chất tải cách 20m so với chân đê. Tại bãi tập kết ở thôn Sòi, các bãi cát nằm ngay trên mái đê, cao bằng mặt đê, nhiều điểm sau khi lấy cát đi tiêu thụ tạo ra các điểm xoáy, hút sâu. Còn tại thôn Tân Mỹ, máy múc, xe chở vật liệu hoạt động rầm rộ, cát chất thành đống cao. 

Đáng chú ý, hai điểm tập kết này nằm trong kế hoạch giải tỏa theo Quyết định 855 ngày 9/3/2021 của UBND tỉnh. “Các bãi tâp kết ảnh hưởng thế nào đến các công trình bảo vệ đê thì chúng tôi không biết nhưng việc vận chuyển cát, sỏi rơi vãi gây bụi bẩn và nguy cơ tai nạn cho người đi đường thì thấy rõ”, một người dân thôn Tân Mỹ nói.

Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, tình trạng bến không đủ điều kiện vẫn tập kết vật liệu xây dựng ven sông diễn ra phổ biến. Không chỉ vậy, mặt đê đoạn đi qua địa bàn các xã có điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhiều chỗ bị cày nát, biến thành “ổ trâu, ổ voi”. Ví như tại thôn Phù Tài, xã Tiên Sơn (Việt Yên), các bãi tập kết nối nhau liên tiếp, xe chở vật liệu hoạt động nhiều khiến tuyến đường đê xuống cấp nghiêm trọng. 

Mỗi khi trời có gió to hoặc phương tiện qua lại, bụi cát bay mù mịt. Còn tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), dù chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm cũng như cắm biển không được phép hoạt động song các bến bãi vẫn lén lút tập kết, vận chuyển vật liệu. 

Ông Lê Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ cho biết: “Trên địa bàn có 4 bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông nằm trong quy hoạch và được chấp thuận chủ trương đầu tư song do không có quyết định cho thuê đất, không có giấy phép xây dựng nên đều vi phạm. Để ngăn chặn, chúng tôi đặt biển báo không được phép hoạt động, đổ đất chặn đường lên, xuống, thậm chí xử phạt song các chủ bến vẫn lén lút hoạt động khi vắng mặt lực lượng chức năng”.

Xử lý nghiêm, bảo đảm an toàn đê điều

Nhiều bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng không chấp hành quy định. Ảnh: Vận chuyển cát lên xe đưa đi tiêu thụ tại bãi ven sông Cầu, xã Đông Lỗ.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, toàn tỉnh hiện có 179 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông, đa phần chưa được cấp phép, trong đó có 85 bến, bãi nằm trong quy hoạch. Để các bến, bãi hoạt động theo đúng quy định, cùng với hướng dẫn các cá nhân, tổ chức có bến, bãi nằm trong quy hoạch hoàn thiện các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tập trung xử lý các vi phạm, nhất là đối với 116 trường hợp theo Quyết định 855 của UBND tỉnh (bến bãi không được phép hoạt động). 

Khảo sát tại một số bến bãi cho thấy, hằng năm chủ bến bãi cũng đóng thuế, phí hoạt động cho ngân sách xã. Như vậy, việc thu phí, thuế của xã đã vô hình trung bao che cho vi phạm. Từ đó dẫn đến khó xử lý, giải tỏa những bến bãi không được phép hoạt động nằm trong kế hoạch xử lý do tỉnh ban hành.

Cùng đó, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cũng gửi văn bản về việc dừng hoạt động chất tải, tự giải tỏa vật liệu xây dựng và tháo dỡ, di chuyển công trình trên bãi sông đến tận tay cá nhân, tổ chức. 

Tuy nhiên, đến nay việc xử lý vi phạm đang gặp khó, toàn tỉnh mới xử lý được 48/116 trường hợp; nhiều trường hợp dù đã bị xử lý, nhắc nhở nhiều lần song lại tái phạm sau thời gian giãn cách xã hội. 

Điển hình, ông Trần Văn Tâm ở thôn Yên Ninh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) bị UBND xã xử phạt hành chính 3 lần. Tương tự, dù UBND xã Quang Châu (Việt Yên) lập biên bản, đề nghị ngành điện ngừng cung cấp điện cho trạm đổ cọc bê tông trái phép của gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn Quang Biểu song tại đây vẫn tập kết cát, đá, hoạt động sản xuất diễn ra bình thường…

Lý giải về nguyên nhân chậm xử lý dứt điểm các điểm tập kết vật liệu xây dựng, đại diện một số địa phương cho rằng, thời gian qua tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch; cùng đó sau khi dịch được kiểm soát, các công trình, dự án khởi động trở lại nên nhu cầu vật liệu tăng, các chủ bãi vẫn cố tình vi phạm. 

Theo ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để việc tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái quy định kéo dài trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương khi chưa quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm theo Quyết định 855, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. 

“Nếu tới đây chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, chúng tôi sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có công văn phê bình người đứng đầu địa phương, đồng thời tổ chức cưỡng chế hoạt động vi phạm theo quy định”, ông Lê Thành Chung nhấn mạnh.

Theo PVKT/ Báo Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Bến, bãi ven sông: Không phép vẫn... hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước