Thứ sáu, 19/04/2024 14:17 (GMT+7)

Cháy rừng ở Amazon có thể còn tệ hơn năm 2019

MTĐT -  Thứ sáu, 14/08/2020 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các dữ liệu thống kê cho thấy tình trạng cháy rừng nhiệt đới Amazon đang có xu hướng gia tăng, có thể còn tồi tệ hơn năm 2019.

Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Surinam và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.

Thế nhưng, từ năm 2019 đến nay, rừng nhiệt đới Amazon đang oằn mình trước sự tàn phá của hàng loạt đám cháy với đủ quy mô. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ tác động nghiêm trọng đến lá phổi xanh của Trái đất, đe dọa hệ sinh thái trù phú và gây ra những hệ lụy khó lường đối với môi trường.

Các con số thống kê cho thấy, tình trạng cháy rừng ở Amazon có thể còn tệ hơn năm ngoái.

Những đám cháy tại rừng Amazon ở Brazil vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại trong giai đoạn đầu tháng 8/2020. Chính phủ quốc gia này dự báo nạn cháy rừng sẽ nghiêm trọng hơn so với cùng thời điểm một năm trước, làm dấy lên những lo ngại về mức độ tàn phá nặng nề tại rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới vốn được đánh giá là “bức tường thành” quan trọng chống lại biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, 5.860 đám cháy rừng Amazon đã xảy ra chỉ trong 6 ngày đầu tiên của tháng 8, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Các dữ liệu thống kê thay đổi tùy từng thời điểm nhưng đều cho thấy tình trạng cháy rừng đang có xu hướng gia tăng khiến Amazon lần đầu tiên đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất vào tháng 8 trong 9 năm trở lại đây.

Vào tháng 7/2020, chính phủ Brazil đã cấm đốt lửa trong 120 ngày ở các vùng rừng Amazon và Pantanal để đối phó với tình trạng cháy rừng.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được cho là đã không thể kiểm soát nạn phá rừng khi tình trạng các đám cháy vẫn lan rộng.

Dù vậy, ông Bolsonaro vẫn khẳng định nước này đã cho thấy khả năng tự bảo vệ rừng Amazon.

Trong bài phỏng vấn với đài truyền hình NBC vào ngày 2/7 vừa qua, nhà sinh thái học Amazon, đồng thời là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp tại Đại học Oxford (Anh) Erika Berenguer đã bày tỏ rằng bà "rất lo ngại và hoảng hốt" vì số liệu các vụ cháy rừng ở khu vực Amazon.

Bà Berenguer nói rằng tháng 7 hằng năm thường là thời điểm bắt đầu "mùa cháy" khi chính phủ cần phải đốt trụi hoàn toàn những khu vực bị phá rừng để giải phóng mặt bằng. "Đây là một dấu hiệu cho thấy phần còn lại của mùa cháy sẽ rất dữ dội" - bà nói thêm.

Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - một người hoài nghi về tính thực hư của biến đổi khí hậu - đã tiến hành nhiều hoạt động phát triển kinh tế ở khu vực Amazon bất chấp các cảnh báo nguy hại cho môi trường.

Dù chính phủ Brazil đã thông báo kế hoạch cấm đốt lửa ở rừng Amazon trong vòng 120 ngày, đồng thời gửi những đội quân chống cháy rừng đến khu vực này từ tháng 5, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những biện pháp này vẫn chưa đủ để khắc phục hậu quả cháy rừng.

Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng cảnh báo hồi đầu tháng 7 rằng nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn ở vùng nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương có thể làm tăng nguy cơ hỏa hoạn ở miền nam Amazon. Bà Berenguer nói rằng điều này có thể tạo ra một "cơn lốc đôi" trong năm nay khi những đám cháy có thể tự duy trì ngay cả trong khu vực rừng hoang sơ.

Mới đây, chính phủ các nước ở lưu vực sông Amazon - bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru và Surinam - đã cam kết tiếp tục bảo vệ khu vực rừng rậm nhiệt đới Amazon - "lá phổi của thế giới" và sẽ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) "thiết kế" một sáng kiến tài chính để cung cấp nguồn vốn cho sự phát triển bền vững ở khu vực rừng Amazon.

Tại một hội nghị trực tuyến đánh giá quá trình triển khai Hiệp ước Leticia về bảo vệ rừng Amazon giữa 7 quốc gia nói trên, Tổng thống Colombia Iván Duque nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc bảo vệ "lá phổi của thế giới", đồng thời kêu gọi các quốc gia chung tay trong việc "đối mặt với những đối tượng đang tàn phá khu rừng rậm Amazon". Theo ông Duque, bảo vệ Amazon có nghĩa là bảo vệ đa dạng sinh học của toàn khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Peru Martín Vizcarra tái khẳng định cam kết của nước này trong việc tuân thủ Hiệp ước Leticia nhằm bảo vệ tài sản thiên nhiên và văn hóa vô giá của Amazon, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và các nguồn lực của khu vực này.

Về phần mình, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez nhấn mạnh các nước trong khu vực cần thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân trong tương lai.

Cùng quan điểm trên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng cần phải tiếp tục thúc đẩy "phát triển bền vững" tại khu vực rừng rậm Amazon.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cháy rừng ở Amazon có thể còn tệ hơn năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?