Thứ sáu, 29/03/2024 13:04 (GMT+7)

Con người và thiên nhiên

MTĐT -  Thứ tư, 23/08/2017 13:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(moitruongvadothi.vn) - Ngày nay, dân số tăng nhanh là một thách thức to lớn đối với loài người. Dân số tăng nhanh đưa lại hàng loạt áp lực đối với tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, nguồn năng lượng, môi trường đô thị, môi trường sinh thái.

Cùng với dân số tăng nhanh, nhu cầu lương thực của loài người cũng tăng lên. Lương thực do nguồn thu hoạch mùa màng đưa lại, song dân số tăng nhanh xung đột gay gắt với tài nguyên đất đai.

Tốc độ tăng lương thực không đuổi kịp tốc độ tăng dân số, khiến cho việc cung cấp lương thực trên thế giới ngày càng trở nên căng thẳng. Để việc cung cấp lương thực đáp ứng tốc độ tăng trưởng dân số, người ta phải dùng nhiều biện pháp, như phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật lớn để nâng cao sản lượng của một diện tích, hoặc mở rộng diện tích khai hoang. Những biện pháp này đều phải trả giá bằng sự phá hoại môi trường.

Vì dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều sẽ làm cho đất đai khô cằn, môi trường bị ô nhiễm, lượng thuốc diệt côn trùng tăng lên cuối cùng làm cho sản lượng thu hoạch giảm thấp. Tăng trưởng dân số còn gây nên nhu cầu tiêu dùng về gỗ, khiến cho rừng bị chặt phá nghiêm trọng, diện tích rừng bị giảm xuống. Rừng là kho báu màu xanh để đảm bảo chất lượng môi trường của con người, rừng cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ sinh thái lục địa.

Từ năm 1950 đến nay, 1 tỷ ha rừng đã bị chặt phá, diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn một nửa. Trong thập kỷ 80, ở Braxin, Inđônêxia… rừng nhiệt đới mỗi năm bị chặt phá 2 triệu ha.

Vẻ đẹp thiên nhiên và con người . Ảnh  TL

Bờ Biển Ngà là một trong những vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất thế giới. Năm 1987, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng này là 3%, mỗi năm tỷ lệ diện tích rừng bị tổn thất là 5,9%. Nước đối với nhân loại là một tài nguyên cần thiết không thể thiếu. Nước trên trái đất vô cùng dồi dào. Trước đây loài người chưa bao giờ cảm thấy thiếu nước. Nhưng ngày nay Trung Quốc do tăng trưởng dân số nhanh khiến cho nguồn nước trở nên vô cùng căng thẳng.

Dân số tăng nhanh ảnh hưởng đến tổng lượng tài nguyên nước. Việc vây lấn mặt hồ biến thành ruộng đã làm giảm diện tích nước bề mặt, khai thác nước ngầm quá mức cũng làm giảm trữ lượng nước. Nước phế thải công nghiệp gây ô nhiễm, khiến cho nguồn nước ngày càng trở nên thiếu hơn.[1]

Dân số tăng nhanh còn khiến cho việc cung cấp năng lượng khó khăn, rút ngắn thời gian tiêu hao các đá hóa dầu. Vì năng lượng là cơ sở quan trọng để con người tiến hành sản xuất và nâng cao mức sống, cho nên mức tiêu hao năng lượng đã trở thành tiêu chí để đo trình độ tiến bộ và văn minh của nhân loại.

Trong nguồn năng lượng hiện nay đang sử dụng có đến 95% là năng lượng hóa thạch. Theo thống kê thì vào giữa thập kỷ 80, lượng tiêu hao năng lượng toàn thế giới quy ra than tiêu chuẩn mỗi năm ước tính khoảng 11 tỷ tấn, sự tăng trưởng tiêu hao năng lượng tất nhiên sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Dân số tăng nhanh cũng gây nên sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, khiến cho số lượng và các loài sinh vật giảm thấp, chủng loại các loài sinh vật bị tiêu diệt nhiều. Ngày nay loài người đang đứng trước nguy cơ về môi trường mà trước đây chưa từng gặp, như hiện tượng mưa axit, hiệu ứng nhà kính, tầng ozôn bị phá hoại.v.v…không vấn đề nào là không quan hệ đến gia tăng dân số, môi trường sinh thái bị phá hại đã đưa lại những hậu quả khủng khiếp, nguy cơ sinh thái sẽ trở thành mối hiểm họa lớn nhất cho nhân loại trong thế kỷ 21.

Con đường cứu thoát duy nhất là loài người hãy tự kiềm chế mình, phải cố gắng khống chế tốc độ tăng trưởng dân số trong một thời gian ngắn phải dần sần đưa dân số tăng trưởng xuống số không.

Ô nhiễm môi trường sống đang tăng lên với tốc độ nhanh, phạm vi rộng lớn hơn trước. Không khí, đất, nước tại các đô thị và khu công nghiệp và các vùng nông thôn, vùng sản xuất nông nghiệp, ven biển và biển ngày càng ô nhiễm. Các dịch bệnh và bệnh nghề nghiệp, bệnh do ô nhiễm môi trường vẫn còn hiện hữu trầm trọng.

Biến đổi khí hậu trước hết là vấn đề môi trường. Các tác động biến đổi khí hậu là to lớn, toàn diện, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo là những người mà nguồn sinh kế của họ phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên. Dưới tác động của biến đổi khí hậu môi trường tự nhiên có những thay đổi lớn, thậm chí còn bị biến dạng không còn là nguồn sinh kế đối với những người vốn sinh sống dựa vào tự nhiên nữa hoặc ít ra nguồn sinh kế này suy giảm.

Biến đổi khí hậu (tăng nhiệt độ, nước biển dâng) được dự báo là tiếp tục tác động mạnh mẽ tới môi trường tự nhiên mà Việt Nam được xác định là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập chìm nặng nhất. Theo các dự báo cho đến 2009, mực nước biển dâng 1m có khoảng 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.

Thống kê thiệt hại bão lũ gây ra tại miền trung giai đoạn 1964 – 2009.

- Năm 1964, hai cơn bão liên tiếp Iris và Joan đổ bộ vào Phú Yên và Bình Định làm chết hơn 7.000 người.

- Năm 1985 cơn bão Cecil cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị - Thừa Thiên Huế gây chết hơn 800 người ở vùng phá Tam Giang.

- Năm 1989 ba trận bão cấp 12 đổ bộ liên tiếp vào Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh làm chết 484 người.

- Năm 1996 có 4 cơn bão và 11 trận lũ đổ vào khu vực miền trung đã làm chết 1.028 người.

- Năm 1999 là năm được xem là kỷ lục ở miền trung về lũ lụt làm chết trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng.

- Năm 2006 bão Chanchu đã làm chết và mất tích 268 ngư dân. Cơn bão Xangsane làm 76 người chết và 9 đợt lũ quét làm 77 người chết và mất tích.

- Năm 2009 bão Ketsana và Mỉinae kết hợp với lũ đặc biệt lớn làm gần 300 người chết và mất tích.[2]

- Ngày 14/10/2016, cơn bão số 7 đã gây nên bão lụt lớn ở 4 tỉnh miền Trung. Trong lúc đó các thuỷ điện lại xả lũ làm cho người dân đã khốn khổ, lại càng thêm điêu đứng. “Thông tin từ Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết đến tối 16/10/2016 mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã có 24 người chết, trong đó Quảng Bình có 18 người, Hà Tĩnh có 3 người, Nghệ An có 2 người và Thừa Thiên Huế có 1 người. 9 người khác mất tích, riêng Quảng Bình có 7 người, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh có 1 người mất tích. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 18 người bị thương, 20 tàu – thuyền bị chìm; 1 tàu mất tích.

Hình ảnh về trận lụt lịch sử tại miền Trung .Ảnh : VTC

Thống kê tại các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, mưa lũ gây lũ lụt, úng ngập là hư hỏng 100.383 ngôi nhà bị hư hỏng; ngập úng 1.598ha lúa và trên 9.480 ha hoa màu; trên 3000 ha nuôi trồng thuỷ hải sản”.

Biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới trữ lượng các bãi cá và nghề đánh cá trên các vùng biển nước ta. Cường độ mưa lớn làm cho nồng độ muối giả đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không thích nghi với nồng độ muối thay đổi. Các loại cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn. “Hiện nay trên thế giới có 3 thái độ đối với thiên nhiên là: đạo lý phát triển cho rằng thiên nhiên là để cho con người sử dụng vào các mục đích của họ, đạo lý duy trì cho rằng thêin nhiên vốn có một giá tự thân, không nên động tới và đạo lý bảo tồn thiên nhiên nhìn nhận rằng chúng ta sẽ sử dụng thiên nhiên nhưng sử dụng cách nào để cho thiên nhiên vẫn tồn tại bền lâu”. (Eldon.D Enger).

- Phát triển không chỉ tăng trưởng kinh tế, mà còn là phát triển xã hội công bằng và tiến bộ.

- Tăng trưởng không tự nó giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội và không tự nó dẫn đến tiến bộ xã hội.

- Thế giới hiện đại không chỉ là kinh tế thị trường mà còn cao hơn, đó là tiến bộ xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

- Trung tâm của phát triển là phát triển con người (đặt con người vào vị trí trung tâm của phát triển; phát triển của con người, do con người và vì con người).

- Tập trung đầu tư giải quyếtdứt điểm về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, trước hết là thuỷ lợi nhỏ, trường học, trạm xá, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt, trung tâm cụm, xã…

- Có chính sách, cơ chế khuyến khích việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thích hợp đến xã nghèo, người nghèo để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

- Cung cấp các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình, nước sạch…), trực tiếp, thuận lợi, có chất lượng cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc, phụ nữ.

- Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống thiên tai, giảm rủi ro cho nhóm yếu thế.

- Tăng cường năng lực lồng ghép các nỗ lực thích ứng với sự biến đổi khí hậu và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Phải bảo vệ rừng, tăng cường các công trình xanh để bảo vệ môi trường.

- Phương tiện giao thông cơ giới là nguồn gây ô nhiễm lớn đố với thành phố, đặc biệt là ô tô, xe máy vì chúng luôn thải ra chất độc hại như khí CO2, NOX, SO2, CnHm, bụi chì, hơi chì, tiếng ồn và phát sinh nhiều bụi. Vì vậy hai bên đường ô tô chính cần có các dải cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ví dụ ở đường giao thông Hà Nội – sân bay Nội Bài, các đường giao thông cửa ngõ Thủ đô, các trục giao thông vành đai La Thành, vành đai Nam Thăng Long – Thanh Xuân – Pháp Vân.v.v…

Muốn đạt được yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn và cải thiện khí hậu thì phải có các dải cây xanh kết hợp với các cây có tán, cây có lùm và các loại khóm cây. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng có nhiều biện pháp đối phó với vấn đề BĐKH. Nhưng lựa chọn trước tiên đó chính là cần phải lồng ghép vấn đề BĐKH. Đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xoá đói giảm nghèo. Chiến lược phát triển bền vững. Sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo, giúp họ giảm thiểu được những tác hại do BĐKH, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “An ninh môi trường”, NXB Thông tin truyền thông 2012.

2. Hội BVTNMT Việt Nam, Nguyễn Đình Hoè, Nguyễn Ngọc Sinh – “An ninh môi trường cho phát triển bền vững”.

Bạn đang đọc bài viết Con người và thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới