Thứ sáu, 29/03/2024 11:38 (GMT+7)

Bài 3: Dự án xe buýt nhanh BRT gây lãng phí ngân sách nhà nước

MTĐT -  Thứ năm, 29/07/2021 19:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng ở một số dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều tồn tại và thiếu sót...

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng ở một số dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều tồn tại và thiếu sót trong việc khảo sát, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình. Trong đó, xe buýt nhanh (BRT) đầu tư chưa được đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Dự án xe buýt nhanh BRT chưa đạt được hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet


Tiến độ các dự án chậm so với phê duyệt

Đối với công tác khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tư còn nhiều hạn chế, chất lượng thấp, chưa sát với thực tế, một số dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư chưa đúng quy định; tiến độ thực hiện chậm so với phê duyệt. Cụ thể:

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 3 lần; năm 2014, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Long Biên phê duyệt bổ sung hạng mục dự án dùng chi phí giải phóng mặt bằng chuyển vào chi phí xây dựng và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trái thẩm quyền. Thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp đã hết hiệu lực thực hiện theo hợp đồng đã ký nhưng chủ đầu tư không tiến hành gia hạn theo quy định.

Dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ), Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư trong khi chưa bố trí được nguồn vốn, chưa lựa chọn phương án kiến trúc công trình, là chưa phù hợp với quy định.

Tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km 185 - Km 189), huyện Thanh trì, toàn bộ dự án thực hiện chậm so với tiến độ được phê duyệt hơn 3,5 năm, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án 2 lần do chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công và nguồn vốn cấp cho dự án hạn chế; việc gia hạn thời gian thực hiện với các nhà thầu xây dựng được ký sau ngày hết hạn hợp đồng.

Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên cho thấy, thiết kế bản vẽ thi công có một số điểm không phù hợp với thiết kế kỹ thuật như: Tốc độ, kết cấu áo đường, lớp mặt đường...

Một số chỉ tiêu thiết kế và chủng loại thiết bị điện chiếu sáng (đền, cột điện, móng cột) trong các gói thầu không dược thiết kế đồng bộ trên tuyến, dẫn đến trong quá trình thi công phải thay đổi và điều chỉnh thiết kế, dự toán; việc tính chi phí thiết kế bản vẽ thi công không đúng định mức, gây thất thoát ngân sách nhà nước 1.165,49 triệu đồng.

Không lập dự toán theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước

Hợp phần 1 - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Gói thầu BRT CP04a: Xây dựng dường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến; Gói thầu BRT CP4b: Xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng, trong khi đó theo hồ sơ báo cáo khảo sát nền mặt đường dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Hợp phần xe buýt nhanh BRT1, ngày 25/2/2009 do Công ty Cổ phần Tư vấn Việt Delta lập, kết quả đo mặt đường tại các tuyến đường này đều có kết quả đo cường độ mặt đường tốt, gây lãng phí ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng.

Đối với công tác đấu thầu, TTCP cũng chỉ ra, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên gói thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công không có trong kế hoạch đấu thầu. Việc chia nhỏ gói thầu tư vấn giám sát từ số 21 đến 26 để chỉ định thầu là thiếu cạnh tranh trong đấu thầu; gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kể bản vẽ thi công chia làm 2 gói thầu (số 19, 20) để chỉ định thầu là vi phạm quy định.

Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) - Đoàn xe BRT: Chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, như: Không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu); vì vậy, không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu. Phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP8 có tổng giá trị là 17,9 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nổi từ Quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng: Gói thầu số 10 hồ sơ mời thầu yêu cầu đối với nhà thầu về doanh thu bình quân đối với công trình thi công dưới 1 năm là 1,1 lần giá trị gói thầu, không đúng theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BKH quy định dưới 01 năm là 1,5 lần.

Về công tác vận chuyển đổ bùn, đất hữu cơ đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km 185 - Km 189) huyện Thanh trì, các nhà thầu không thực hiện vận chuyển đổ thải tại vị trí đã được lập trong dự toán; các vị trí đổ thải theo báo cáo của các nhà thầu đều được UBND cấp xã xác nhận, tuy nhiên cấp xã không có thẩm quyền cấp vị trí đổ thải, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án không nghiệm thu khối lượng tại vị trí đổ thải, dẫn đến khối lượng vận chuyển đã thanh toán lớn hơn khối lượng thực tế vận chuyền (gói thầu 9.2 là 808m3, gói thầu 11.1 là 4.000m3), thể hiện sự buông lỏng quản lý, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

BRT đầu tư chưa tạo ra các lợi ích

Về hiệu quả đầu tư, Hợp phần - Xe buýt nhanh BRT đầu tư chưa được đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tái công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật; xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu câu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của TP”, Kết luận nêu rõ.

TTCP chỉ ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và nghiệm thu thanh toán các gói thầu được thanh tra không đúng quy định, định mức của Bộ Xây dựng; xây dựng đơn giá sai chênh lệnh với thực tế tại thời điểm thi công; khối lượng thi công đưa vào dự toán và điều chỉnh trượt giá không đúng ở một số hạng mục công trình với tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là 87,7 tỷ đồng, cụ thể: 43,5 tỷ đồng Hợp phần - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội; 19,9 triệu đồng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km 185 - Km 189), huyện Thanh Trì; 2,8 tỷ đồng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên; 1,3 tỷ đồng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nổi từ Quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng.

Theo Thái Hải/ thanhtra.com.vn

Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Dự án xe buýt nhanh BRT gây lãng phí ngân sách nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.