Thứ năm, 18/04/2024 17:58 (GMT+7)

Đất 'lậu' ùn ùn đổ vào dự án ngốn trăm tỉ ngân sách

Vũ Khoa -  Thứ ba, 23/03/2021 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xuất phát từ một mỏ khai thác trái phép trên địa bàn huyện Thạch Thất, hàng trăm m3 đất được sử dụng vào dự án trăm tỉ ở Hoài Đức trong khi các cơ quan quản lý hoàn toàn không hay biết.

Quản lý yếu kém, tràn lan vi phạm

Những ngày đầu tháng 3/2021, tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xuất hiện nạn khai thác đất trái phép diễn ra một cách rầm rộ, công khai. Tình trạng này diễn ra một cách công khai gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, giao thông và cuộc sống của người dân xung quanh các cơ quan chức năng tỏ ra chậm trễ, thờ ơ.

Khảo sát tại khu vực thôn Bãi Dài (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội), một quả đồi có diện tích khoảng 3,6ha đã và đang bị đào bới, xẻ thịt bởi hàng chục chiếc xe “hổ vồ” loại 4 đến 6 chân thay nhau vào “ăn đất” và những chiếc máy xúc hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt nghiêm trọng hơn về đêm và các ngày cuối tuần.

Ghi nhận của PV ngày 12/3 cho thấy, cứ khoảng vài phút lại có những chiếc xe mang logo Phú Nhung chở đất từ mỏ ra đường lớn, đi theo đường đại lộ Thăng Long chở về đổ đất tại đoạn qua làng Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức).

Hiện trạng mỏ khai thác trái phép trên địa bàn Thạch Thất.

Chưa hết, những chiếc xe này đều có hiện tượng chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, che phủ bạt cẩu thả khiến đất rơi vãi khắp tuyến đường vận chuyển. Thông tin từ ông Đinh Công Long – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho hay: “Mỏ đất tại thôn Bãi Dài hiện tại không được cấp phép khai thác, mấy hôm nay một số đối tượng đã khai thác trộm, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt và báo cáo lên UBND huyện Thạch Thất…”.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, những chiếc xe chất đầy đất khai thác trái phép này được sử dụng phục vụ dự án là đường ĐH04 từ Đại lộ Thăng Long đến đường tỉnh 423. Ngày 6/3/2021, Công ty Nam Hải đã ký hợp đồng mua đất với Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Thạch Vi Tây Hà Nội (Quốc Oai, Hà Nội). Trong đó, Công ty Thạch Vi Tây Hà Nội sẽ cung cấp cho Công ty Nam Hải đất đồi K95 với đơn giá 80.000 đồng/m3, rẻ hơn giá mà Công ty Nam Hải mua tại Hòa Bình là 10.000 đồng/m3.

Ngoài ra, mặc dù được huyện Hoài Đức giao làm đại diện chủ đầu tư, nhưng Ban QLDA huyện Hoài Đức cũng không hay biết việc nhà thầu là Công ty Nam Hải mua đất “lậu” ở mỏ chưa có Giấy phép để đưa vào dự án mà chỉ phát hiện khi báo chí phản ánh.

Đoàn xe chở đất "hoành hành" gây ảnh hưởng đến môi trường, giao thông hỗn loạn.

BQL dự án Hoài Đức“mở đường lùi” cho các đơn vị liên quan?

Năm 2020, UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội đã quyết định đầu tư dự án đường ĐH04 từ Đại lộ Thăng Long đến đường tỉnh 423 dài 2,8km chạy qua địa bàn 3 xã gồm Song Phương, An Thượng và Vân Côn. Trong đó, chủ yếu dự án đi qua xã Vân Côn. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 106 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách huyện Hoài Đức và giao cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm đại diện chủ đầu tư.

Qua đấu thầu, liên danh nhà thầu được lựa chọn là Công ty CP Nam Hải (xã Vân Côn, Hoài Đức) và Công ty TNHH Phương Anh là nhà thầu thi công, trong  đó đoạn qua xã Vân Côn do công ty Nam Hải triển khai thi công.

Khởi công xây dựng vào đầu năm 2020, tuy nhiên, do khó khăn trong công tác GPMB nên Ban QLDA huyện Hoài Đức vào tháng 12/2020 đã có văn bản xin UBND huyện cho phép giãn tiến độ của dự án. Đến nay, dự án mới phần lớn triển khai được trên địa bàn xã Vân Côn.

Dự án xây dựng tuyến đường ĐH 04 đã chậm tiến độ đề ra ban đầu.

Theo hợp đồng ký ngày 2/2/2020 giữa Công ty CP Nam Hải với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thái Dương (Quốc Oai, Hà Nội), Công ty Thái Dương sẽ cung cấp đất đắp nền của dự án cho công ty Nam Hải với khối lượng đất đồi K95 là 123.000m3, đơn giá 90.000 đồng/m3; đất đồi K98 với khối lượng là 5.250m3, đơn giá là 100.000 đồng/m3. Đất mà Công ty TNHH Thái Dương cung cấp cho Công ty Nam Hải được khai thác tại mỏ đất ở xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Đình Nam, Phó Giám đốc Ban QLDA huyện Hoài Đức cho biết, mỏ đất tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình đã được Ban kiểm tra, đánh giá về chất lượng. Ngày 22/3, trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đình Nam thừa nhận, có sự việc, Công ty Nam Hải đã tự ý đưa đất đồi khai thác tại mỏ ở Tiến Xuân, Thạch Thất để làm dự án.

“Khối lượng đất lậu chở về dự án cũng không lớn, mới có mấy trăm mét khối nên chúng tôi cũng chưa phát hiện được”- ông Nam cho hay. Nhưng liệu ông Phó giám đốc Ban QLDA Hoài Đức có quên, nếu vi phạm này không được các cơ quan báo chí phát hiện, khối lượng đất “lậu” đổ vào dự án sẽ là bao nhiêu?

Nói về trách nhiệm của đơn vị giám sát dự án, ông Nam cho biết, đến nay cũng chưa xử lý gì, bởi đơn vị tư vấn giám sát cũng không thể theo sát từng xe đất đưa vào công trường được. Hơn nữa, đất đồi khai thác ở Hòa Bình và Thạch Thất về cảm quan chất lượng cũng giống nhau nên khó phát hiện?.

Còn về việc xử lý nhà thầu vi phạm là Công ty Nam Hải đã đưa đất lậu vào dự án đường ĐH04 có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, ông Nam không đưa ra phương án xử lý theo chế tài mà cho biết vẫn đợi đơn vị bán đất cho Công ty Nam Hải cung cấp được giấy tờ hợp pháp.

“Nếu đơn vị khai thác đất không cung cấp được thì chúng tôi sẽ yêu cầu bóc toàn bộ khối lượng đất lậu đã chở từ Tiến Xuân, Thạch Thất về dự án, chi phí sẽ do đơn vị thi công chịu hoàn toàn. Và nếu việc này gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án thì sẽ phạt đơn vị thi công theo các điều khoản của hợp đồng” - ông Nam giải thích.

Bạn đang đọc bài viết Đất 'lậu' ùn ùn đổ vào dự án ngốn trăm tỉ ngân sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.