Thứ năm, 28/03/2024 18:41 (GMT+7)

Hội chứng “Đất đang ở thành đất công” ở Đồng Nai

Thiên Sách -  Thứ năm, 12/11/2020 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đất người dân sử dụng từ hàng chục năm, đùng một cái biến thành đất công! Chưa hết, nhiều nơi chủ đất còn bị đuổi ra khỏi nơi cư trú...

 Đất hợp pháp không được cấp chủ quyền?

Năm 1972, ông Phùng Văn Phu canh tác mảnh đất 1,7ha thuộc phường Trảng Dài theo Luật Người cày có ruộng của chế độ cũ. Đến năm 1995, ông Đào Văn Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường Trảng Dài (nhiệm kỳ 1994 -2004) thỏa thuận đổi khu đất ông Phu đang canh tác sang khu đất mới tại thửa 179, tờ bản đồ số 4 thuộc phường Trảng Dài, diện tích 32.202,9m2.

Vợ và con cháu của ông Phùng Văn Phu tại mảnh đất sau cưỡng chế tại phường Trảng Dài

Ông Phu hợp đồng với Lâm trường Biên Hòa (LTBH, nay là Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) để trồng rừng trên khu đất mới theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Chính phủ. Hợp đồng số 57/HĐKT ký ngày 25/7/1995 thể hiện ông Phu vay vốn của LTBH để trồng tràm bông vàng. Đến năm 2006, ông Phu thanh lý hợp đồng với LTBH và tiếp tục canh tác trên mảnh đất của mình. Do gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo nên ông Phu được miễn nộp thuế hàng năm.

Ngày 6/10/2006, ông Phu đến UBND phường Trảng Dài kê khai đăng ký, xin được cấp quyền sử dụng đối với mảnh đất đang canh tác. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Biên Hòa đã xác nhận bằng biên nhận số 1246/PN-VPĐK-QSDĐ. Nhiều lần ông Phu đến hỏi về hồ sơ này thì bị hẹn lần hẹn lữa. Cuối cùng, ông được trả lời là hồ sơ đất của ông bị thất lạc và đất của ông trở thành...đất công!

Vợ và con cháu của ông Phùng Văn Phu tại mảnh đất sau cưỡng chế tại phường Trảng Dài

Tương tự, ở Nhơn Trạch, ông Lê Châu Tuấn ( ngụ 98D/1G, tổ 30, ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, Nhơn Trạch, Đồng Nai) khai hoang và cư ngụ trên đất rộng 11.000m2, thuộc tờ bản đồ 39, thửa 115 tại xã Phước Thiền từ năm 1990. Ngày 5/10/2020, ông Châu thuê một số người làm công đến đặt container cũ làm nhà ở tạm và dựng một nhà mái tôn, rào lưới B40 xung quanh thửa đất của mình. Công trình vừa tạm xong thì bỗng dưng xuất hiện một băng nhóm hàng chục người đến gây rối, đập phá nhà cửa, công trình. Theo camera mà ông Tuấn ghi lại, các đối tượng đến gây rối rất hung hãn, mang theo týp sắt đập phá mọi thứ như chỗ không người, thậm chí ban đêm mưa gió chúng cũng mặc áo mưa, chở nhau trên xe máy cầm theo gậy sắt đến đập nhà, phá rào.

Khu đất trũng mà ông Lê Châu Tuấn tranh chấp 28 năm nay với chính quyền xã Phước Thiền

 Công an huyện Nhơn Trạch sau đó vào cuộc, xác minh các đối tượng giang hồ kia là thuộc nhóm đang “tranh chấp” phần đất mà ông Tuấn đang ở. Các đối tượng này gồm: Nguyễn Văn Cung (sinh 1981, ngụ ấp Trầu, Phước Thiện), Lê Văn Tuấn (biệt danh Tuấn Mập, quê quán Hải Phòng) và một người tên Hải (không rõ địa chỉ) cho rằng, một phần mảnh đất mà ông Lê Châu Tuấn đang ở, rộng 6.075m2, do nhóm 3 người họ chung tiền nhau mua của mẹ con bà Phan Thị Huẩn vào năm 2018. Thấy ông Tuấn xây cất trên đất của họ nên cùng nhau kêu gọi bạn bè hỗ trợ đến “nói chuyện phải quấy”!

Tuy nhiên, phía công an huyện Nhơn Trạch cũng cho biết, cả hai bên tranh chấp đều không hợp lệ vì mảnh đất này từ lâu đã là đất công! Sau 1975, thửa đất 115, tờ bản đồ 39 (theo bản đồ cũ là thửa 309, tờ bản đồ địa chính số 16) rộng 26.979m2 do Nông trường quốc doanh Đồng Khởi quản lý trồng thơm và cao su. Năm 1983, nông trường giải thể, một số hộ dân tự ý đến canh tác. Đến năm 1998, UBND xã Phước Thiền tổ chức kê khai đăng ký, cấp giấy đồng loạt nhưng mảnh đất trên không ai canh tác nên UBND xã đã đưa vào danh mục đất công do xã quản lý. Năm 2007, Nhà nước chủ trương thành lập bản đồ địa chính mới, cập nhật biến động đất đai nên một lần nữa cho người dân đăng ký nhưng mảnh đất vẫn không có người đăng ký hợp pháp nên chính quyền tiếp tục đưa vào diện đất công!

Những căn cứ pháp lý yếu ớt

Để thành công biến khu đất hơn 32.000m2 của ông Phùng Văn Phu đang canh tác thành đất công, chính quyền đã trù bị một kế hoạch. Đầu tiên, phường Trảng Dài xác định nguồn gốc đất trước 1995 là đất hoang hóa. Ông Hòa (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND phường) giao cho ông Phu (bằng miệng) trồng rừng cho phường vì lúc đó ông Phu là nhân viên hợp đồng của phường có hưởng lương. Tuy chính quyền phường không đưa ra được hợp đồng trồng rừng ký với LTBH theo đúng luật định nhưng để đủ “chứng lý”, ngày 8/7/2009 UBND phường Trảng Dài đã mời ông Phu họp để “kiểm tra xác minh nguồn gốc đất” và quá trình sử dụng mảnh đất hơn 32.000m2 nói trên. Trong cuộc họp này ông Phu ghi vào biên bản: “Ông Chủ tịch UBND phường cho biết lý do thu hồi đất trồng rừng của tôi dùng vào mục đích gì có phù hợp với dự án trồng rừng không cho tôi biết lý do” (nguyên văn). Dựa vào dòng chữ này, chính quyền phường Trảng Dài cho rằng ông Phu đã thừa nhận mảnh đất đang canh tác là đất công!

Từ căn cứ hết sức khiên cưỡng này các cơ quan chức năng “vận dụng” để trả lời tất cả đơn khiếu nại mà ông Phu gởi đến, từ UBND phường Trảng Dài, Sở Tài nguyên môi trường và cả UBND TP. Biên Hòa. Như vậy, ông Phu từ một người đi xin cấp quyền sở hữu biến thành người đi khiếu kiện, thậm chí trở thành người cư trú bất hợp pháp trên chính mảnh đất của mình! Ông Phùng Văn Phu vì quá uất đã đổ bệnh và ra đi vĩnh viễn vào năm 2013. Chị Phùng Thị Tuyết Nhung, con gái ông hiện giờ thay cha tiếp tục đội đơn đi khiếu kiện.

Khu đất trũng mà ông Lê Châu Tuấn tranh chấp 28 năm nay với chính quyền xã Phước Thiền

Trường hợp ông Lê Châu Tuấn đơn giản hơn. Vì đã xác định là đất công, thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã Phước Thiền nên ngày 27/02/2020, UBND xã đã tổ chức cưỡng chế hành vi lấn chiếm đất trên thửa 115 mà ông Tuấn đang ở. Lập luận của chính quyền luôn cho rằng, việc chiếm đất cất nhà là trái pháp luật mà không xem xét đến quá trình hình thành đất. Đó là công lao khai khẩn từ đất hoang hóa mà người dân phải dành cả một đời với bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được, thậm chí kéo dài đến 2, 3 thế hệ. UBND xã Phước Thiền căn cứ vào 2 lần thông báo đăng ký đất đai năm 1998 và năm 2007 để cho rằng “đất không có người đăng ký” mà quản lý, sử dụng. Trong khi đó, theo ông Lê Châu Tuấn trình bày hoàn toàn trái ngược. “Năm 2008, Trưởng ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền là ông Chánh cùng tôi và một cán bộ địa chính của tỉnh tiến hành đo đạc lại mảnh đất để gia đình tôi tiến hành làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, gia đình tôi nhận được Phiếu nhận đất ở bản đồ từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đối với thửa đất số 115, tờ bản đồ 39” (trích Đơn tố cáo ngày 27/7/2020 của ông Lê Châu Tuấn)

Cưỡng chế có giải quyết được vấn đề?

Cưỡng chế được chính quyền sử dụng như một biện pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp đất. Thế nhưng, trên thực tế việc cưỡng chế chỉ giải quyết được phần ngọn, đó là chưa kể còn là bước ngoặt mở đầu cho những đối đầu bất đắc dĩ giữa người dân và chính quyền.

Ngày 12/6/2020, UBND TP. Biên Hòa ra Quyết định 2970/QĐ-CCX cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc dựng tạm căn nhà 32,5m2 của ông Phu để rồi ngày 27/7/2020, UBND phường Trảng Dài họp các cơ quan: Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Biên Hòa, Phòng Quản lý đô thị, Ban chỉ huy Công an TP. Biên Hòa...và nhiều ban ngành cùng tham gia cưỡng chế nhà tạm này! Kết quả, căn nhà bị phá sập, vợ con ông Phu kéo nhau đến “tá túc” tại UBND thành phố Biên Hòa để rồi sau đó công an phường Trảng Dài phải “mời” họ trở về che tạm một mái lều để ở!

Đối với ông Lê Châu Tuấn, ngày 27/02/2020, UBND xã Phước Thiền với đầy đủ ban bệ tiến hành cưỡng chế, buộc ông Tuấn phá bỏ các công trình đang xây dựng trên đất mà xã cho là đất công. Kết quả, ông Tuấn tiếp tục đội đơn cầu cứu và khẳng định “chính quyền xã đã cố tình sắp xếp để (các đối tượng giang hồ - NV) phá hoại tài sản và chiếm đất của gia đình tôi” (trích đơn)

Rõ ràng việc cưỡng chế không mang lại tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền, thậm chí lại hỗn loạn thêm tình hình trật tự. Ơ Đồng Nai, rất nhiều trường hợp nhập nhằng giữa đất công và đất tư không được xử lý rốt ráo khiến người dân suốt ngày đi khiếu kiện còn chính quyền thì ỡm ờ giải quyết kiểu lấy lệ, thậm chí...trốn tránh! Và biện pháp cuối cùng được sử dụng chính là cưỡng chế!

Vấn đề cưỡng chế ở góc độ nào đó cũng thể hiện sự tích cực như mới đây nhất, cuối tháng 10/2020, lực lượng chức năng phường Phước Tân (TP. Biên Hòa) đã tiến hành cưỡng chế, bắt buộc khôi phục hiện trạng 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại khu phố Vườn Dừa, Tân Mai, Tân Cang, Tân Lập thuộc địa bàn các phường. Đó là cách thức tái lập trật tự xây dựng trái phép tràn lan mà đối tượng vi phạm luôn cố tình vi phạm. Ở góc độ giải quyết nhập nhằng đất đai công – tư biện pháp cưỡng chế có vẻ như bị vô hiệu hóa vì mảnh đất khai phá gắn với máu thịt của người dân, thường kéo dài mấy chục năm mà một mảnh giấy A4 xác nhận quyền sở hữu đã tước đi của họ tất cả!

Bạn đang đọc bài viết Hội chứng “Đất đang ở thành đất công” ở Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.