Thứ năm, 25/04/2024 21:01 (GMT+7)

Luật sư lên tiếng vụ xẻ đất đồi ở Thái Nguyên: Trả lời thiếu căn cứ

Phan Ngân ( Thực hiện) -  Thứ hai, 05/03/2018 06:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu trả lời của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình về việc được phép san gạt đồi phục vụ sử dụng công trình địa phương là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Thông qua loạt bài viết “Thái Nguyên: Đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ai cho phép? (Kỳ 1)” và “Vụ xẻ đất đồi ở Thái Nguyên: Chủ tịch UBND huyện Phú Bình có vô can?”, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Văn Biên - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín về vụ việc trên.

Những quả đồi bị xẻ ngang dọc tại Phú Bình, Thái Nguyên

Luật sư đánh giá như thế nào về những phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử trong loạt bài điều tra xẻ đất đồi ở Phú Bình, Thái Nguyên được đăng tải trong thời gian vừa qua?

Tôi được biết, mấy năm trở lại đây, tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn các huyện ở một số nơi diễn ra khá rầm rộ. Nhiều ngọn đồi, vùng rừng đã bị tàn phá biến dạng, nhiều nơi trở thành bình địa. Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn lưới điện cao áp, cao thế, làm lãng phí và thất thoát tài nguyên đất, tàn phá đường giao thông, phá vỡ cảnh quan môi trường… gây bức xúc trong dư luận.

Thưa luật sư, câu trả lời của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình về việc được phép san gạt đồi phục vụ sử dụng công trình địa phương có đúng luật hay không?

Theo như cung cấp của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, khi được hỏi về khai thác đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) khẳng định: “Việc san lấp để phục vụ tại chỗ tôi nghĩ là việc rất bình thường, san lấp phục vụ các dự án, đặc biệt là làm tại chỗ thì luật pháp cũng cho phép”.

Để xác định được rõ ràng và chính xác rằng liệu những gì ông Giao nói là đúng theo quy định của pháp luật, trước hết cần làm rõ đất được khai thác trên địa bàn huyện Phú Bình thuộc loại đất nào? Do ai quản lý? Tên gọi xác định chính xác loại đất cùng quyền sử dụng loại đất đó. Cụ thể: Trường hợp 1. Đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng: Đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân sử dụng gồm đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do thuê quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác; do nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. (Điều 131 Luật Đất đai 2013); Cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất phải sử dụng đất đúng mục đích sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý đất đai được giao trước Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp 2. Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản: Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản. (Điều 152 Luật Đất đai); Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải có giấy phép hoạt động khoáng sản, quyết định cho thuê đất để thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc quyết định cho thuê đất để làm mặt bằng chế biến khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp 3. Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn: Đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn bao gồm đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này. (Điều 157 Luật Đất đai 2013); Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.

Trường hợp 4. Đất chưa sử dụng: Với quỹ đất chưa sử dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch đầu tư, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

Như vậy, căn cứ theo những phân tích nêu trên, câu trả lời của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình về việc được phép san gạt đồi phục vụ sử dụng công trình địa phương là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Bởi lẽ, ông Giao thực tế không chứng minh rõ được đất đồi bị san gạt thuộc loại đất nào, mục đích sử dụng ra sao thông qua việc cung cấp các căn cứ như giấy tờ về quyền sử dụng đất hay quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, pháp luật không hề cho phép việc sử dụng đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân để làm đất phục vụ dự án công (trừ trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất) hay việc khai thác đất không có giấy phép.

Luật sư Vũ Văn Biên - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín

Vậy, theo luật sư việc quản lý về đất đai tại địa phương thiếu căn cứ sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, việc quản lý lỏng lẻo về đất đai tại địa phương sẽ có thể bị  xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể

Một là: Xử phạt vi phạm hành chính: Hình thức xử phạt bao gồm: cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra còn một số hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trường hợp “Tự ýchuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai  (Điều 13Nghị định 102/2014/NĐ-CP) thì xử lý như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các đối tượng khai thác đất trái phép có thể bị xử phạt hành chính về tội “Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền(Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền, tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Truy tố trách nhiệm hình sự: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ kháng sản chưa khai thác theo Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Điều 299 Bộ luật Hình sự quy định “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Theo đó, người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt cao nhất cho tội này là từ 05 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xin cảm ơn luật sư về những chia sẻ trên!

Bạn đang đọc bài viết Luật sư lên tiếng vụ xẻ đất đồi ở Thái Nguyên: Trả lời thiếu căn cứ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng