Thứ bảy, 20/04/2024 06:29 (GMT+7)

Q. Nam: Chính quyền địa phương có “làm ngơ” cho “đất tặc” hoành hành

Thanh Hải -  Thứ năm, 05/03/2020 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều doanh nghiệp ở huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) đã lợi dụng dự án để tiến hành tận thu đất trái phép, không những không chấp hành nghiêm túc các quy định.

Huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, do đó nhiều dự án triển khai trên địa bàn được hưởng rất nhiều ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu…Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng dự án để tiến hành tận thu đất trái phép, không những không chấp hành nghiêm túc các quy định.

Tận thu đất trái phép trên dự án nhà máy chế biến gỗ

Sau nhiều ngày “nằm vùng” trên địa bàn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phát hiện tình trạng khai thác đất trái phép với khối lượng lớn đem đi bán cho các công trình trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến việc khai thác đất tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn của Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn tại thôn Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn.

Hoạt động khai thác đất trái phép tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn diễn ra khá rầm rộ.

Theo tìm hiểu, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 7/1/2020 do ông Vi Nhất Trường là người đại diện của Công ty.

Dự án có quy mô công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, diện tích đất sử dụng khoảng 34.873 m2, dự kiến sẽ đi vào vận hành chính thức vào tháng 12/2021. Trong đó, từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2020, Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn (nhà đầu tư) phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, đất đai và các thủ tục đầu tư.

Trước khi thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đúng và đầy đủ các hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa trong phạm vi dự án, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; lập thủ tục trình và được cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế đối với diện dích đất rừng sản xuất thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo đúng quy định của pháp luật; lập hồ sơ môi trường cho dự án, trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định…

Phía bên trong dự án đất đã được lấy đi rất nhiều, tạo nên một mặt bằng rộng lớn.

Đặc biệt, Quyết định số 44/QĐ-UBND cũng nêu rõ: “Không được tác động vào đất rừng khi chưa lập đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và các thẩm quyền cho phép. Trường hợp Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn không thực hiện đúng những quy định tại Quyết định chủ trương dầu tư, Sở KH&ĐT phối hợp UBND H. Nông Sơn và các cơ quan liên quan xem xét chấm dứt hoạt động của dự án, trình UBND tỉnh thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư”.

Tuy nhiên, suốt những ngày qua, hoạt động khai thác đất trái phép ở đây diễn ra rầm rộ, công khai ngay giữa ban ngày, hàng chục xe tải cỡ lớn liên tục vào ra tại khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn. Việc khai thác này rất quy mô, số lượng khai thác đất khá lớn hàng chục nghìn m3.

Công ty dùng máy đào múc toàn bộ đất quả đồi với chiều cao hoảng 01-02m trên phần đất trồng cây lâm nghiệp. Đất được múc lên xe ben trọng tải lớn rồi chở ra đi. Cứ như vậy, các chuyến xe ben chở đất ra, vào khiến mặt đường … bị băm nát, tiếng xe cơ giới chạy ngày đêm ầm ầm gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân gần khu vực mỏ đất và môi trường xung quanh.

Công khai bán đất trái phép

Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn nằm sát QL14H, hoạt động khai thác đất chủ yếu diễn ra quả đồi thứ 2, nằm khuất phía bên trong.

Theo quan sát của PV, hơn nửa quả đồi đã bị đào bới triền bên trong với độ cao khoảng 5m so với mặt nền đã san ủi, trên quả đồi này đang có một máy múc đang “gọt ngọn”, phía bên trong mặt bằng đã được san ủi khá rộng. Tại đây cũng có 2 máy múc đất cỡ lớn liên tục ngoạm từng gàu đất từ sườn đồi đổ lên thùng xe tải “4 chân” và “2 chân” chở đi nơi khác.

Những chiếc “hổ vồ” có logo “LLP” đi ra từ dự án gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn giao thông.

Việc khai thác đất trái tại đây diễn ra rầm rộ, công khai với lượng đất đã bị đào bới ước tính hàng chục nghìn mét khối... Ngoài ra, mỗi khi các xe tải chở đất từ “mỏ” chạy ra QL14H gây bụi mù mịt, bột đất tràn ra lòng đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi qua đây.

Theo dấu những chiếc “hổ vồ” có logo “LLP” (theo thông tin ghi trên xe là Công ty TNHH Xây dựng Lê Lộc Phát) xuất phát từ dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn này, PV đều ghi nhận được tất cả các đầu xe này đều có điểm đến tại công trình thi công cầu Nông Sơn (mới).

Các xe chở đất từ dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn đa số đều có điểm là công trình cầu Nông Sơn mới.

Theo thông tin từ một người có trách nhiệm trong ban chỉ huy công trình thuộc Công ty TNHH Thanh Tùng (đơn vị thi công) cho biết, số lượng đất được mua từ dự án là để làm đường dẫn công vụ thi công cầu Nông Sơn, và có ký hợp đồng mua bán đất.

Cũng tại đây, PV ghi lại được hình ảnh một người viết phiếu biên nhận của Cty Thanh Tùng để giao cho tài xế xe tải có logo “LLP” sau mỗi lần chở đất đổ vào công trình này.

Những Công ty nêu trên, dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn có mối liên hệ như thế nào và chính quyền huyện Nông Sơn có thực sự bị doanh nghiệp “qua mặt” hay không, Môi trường & Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Q. Nam: Chính quyền địa phương có “làm ngơ” cho “đất tặc” hoành hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...