Thứ bảy, 20/04/2024 04:08 (GMT+7)

Thái Nguyên: Đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ai cho phép? (Kỳ 1)

Văn Bình - Phan Ngân -  Thứ bảy, 03/02/2018 14:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, đường dây nóng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được rất nhiều phản ánh của người dân huyện Phú Bình về việc đất đồi đang bị “xẻ thịt” và vận chuyển trái phép

Đất đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, chính quyền nói “không có chuyện đó”?

Ngay lập tức, PV đã có mặt tại xã Kha Sơn và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Qua khảo sát cho thấy, không ít những quả đồi trên địa bàn đã bị san phẳng, số còn lại thì đang “mấp mé” nguy cơ bị “xẻ thịt” bất cứ lúc nào.

Trong vai một người đi tìm mua đất số lượng lớn, PV được người dân xã Kha Sơn cung cấp nhiệt tình địa chỉ và số điện thoại của anh L, người chuyên chạy xe bán đất.

Liên hệ với anh L, PV được biết: “Bây giờ phá hết đồi phòng thủ rồi, lấy đất cũng khó khăn lắm, chúng em toàn phải chạy đêm. Giá đất bây giờ bán khoảng 90.000đ/khối”.

Số phận của nhiều quả đồi ở Phú Bình, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Điều đó có nghĩa: Đất ở Phú Bình vẫn đã, đang và sẽ bị khai thác trái phép một cách ngang nhiên. Không chỉ thế, việc đất đồi bị “lấy cắp” với người dân địa phương là chuyện quá quen thuộc, quen đến nỗi họ còn “khoe” rằng: “Đêm hôm nọ (30/1), nó còn chở 40, 50 xe (đất) đi cơ”.

Chứng kiến những quả đồi đất đỏ bị xẻ nham nhở, nhìn “binh đoàn xe” nối đuôi nhau chở tài nguyên ra khỏi địa phương, người dân có quyền đặt câu hỏi: Thiết nghĩ, lúc này chính quyền địa phương đang ở đâu?.

Để giải đáp thắc mắc này, PV đã làm việc với các cấp chính quyền địa phương. Trao đổi với PV về tình trạng trên, ông Hoàng Thanh Giao - Chủ tịch UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) dứt khoát: “Trên địa bàn huyện chưa hề có một mỏ khai thác đất nào được cấp phép. Tôi không đồng ý việc đó (việc khai thác đất đồi trái phép – PV). Đất trong huyện không được phép mang đi dù chỉ một hạt”.

Thế nhưng sự thực lại trái ngược hoàn toàn với sự kiên quyết đó của lãnh đạo huyện. Khoảng 12h30 ngày 31/1, PV phát hiện khu vực đất đồi ở thôn Tổ Tây, thị trấn Hương Sơn đang bị múc xẻ công khai. Tới 13h15phút chiếc xe tải mang BKS 20C-100xx chở đầy đất múc từ khu vực trên đi qua cổng UBND huyện. 

Cơ quan chức năng “bó tay” hay “thông cảm”?


Tài nguyên chảy máu, tiền vào túi ai?

Tại sao giữa ban ngày mà việc khai thác đất trái phép lại diễn ra rầm rộ như công trường như vậy? Thậm chí rất nhiều xe chở đất từ đồi Tổ Tây đi ngang qua cổng UBND huyện mà không một lực lượng nào của chính quyền xã, huyện phát hiện ra?

Quan trọng nhất, tất cả lợi nhuận từ việc bán đất trái phép trên sẽ về túi những ai, chắc chắn nhà nước sẽ chẳng thu được 1 đồng thuế nào trong khi khoáng sản thì vẫn hao hụt từng ngày.

Trao đổi với ông Dương Ngọc Yên – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Bình và ông Dương Ngọc Tuyên – Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Bình, PV được cung cấp một số tài liệu liên quan tới vụ việc.

Đặc biệt là văn bản số 388/UBND-TNMT của UBND huyện Phú Bình chỉ đạo các xã, thị trấn về việc tăng cường, kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Theo đó “Nếu xã, thị trấn nào mà để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép mà không tự xử lý dược thì đồng chí Chủ tịch UBND sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện... Không tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt trái phép đồi núi đất... Thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên”.

Và theo Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì: "UBND huyện, thành phố, thị xã phải xây dựng Đề án quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn để tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương. Trong đó chú trọng đến các giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác".

Tuy nhiên, thay vì “bảo vệ”, thì ngày 28/11/2017 UBND huyện Phú Bình lại ra văn bản “xin” UBND tỉnh Thái Nguyên bổ sung điểm khai thác đất san lấp để đáp ứng nhu cầu về san lấp phục vụ các công trình, dự án, công trình phúc lợi, đường giao thông và nhu cầu dân sinh trên địa bàn.

Lạ lùng rằng, khi tỉnh chưa đồng ý và không trả lời đề nghị đó thì đất ở các quả đồi đã bị xẻ để phục vụ làm các công trình như Kho bạc, Chi cục thuế, Viễn thông, Kè chống sạt lở bờ sông (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình).

Một trong những địa phương diễn ra tình trạng "chảy máu" tài nguyên nhiều nhất là xã Kha Sơn và thị trấn Hương Sơn. Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Văn Khải - Chủ tịch UBND xã Kha Sơn kiên quyết: "Đồi đã giao cho từng hộ dân quản lý. Xã kiên quyết không cho phép khai thác và vận chuyển đất trái phép".

Nhưng khi PV chứng kiến những quả đồi gần như bị san phẳng, những gốc bạch đàn chưa được tuổi đã bị đốn hạ thì dường như "sự kiên quyết" của chính quyền chỉ nằm trên giấy!

Chủ tịch UBND xã Kha Sơn kiên quyết "không để mất khoáng sản".

Cũng trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, ông Dương Viết Hòa – Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn trình bày: “Chính quyền thị trấn nắm được việc đang khai thác đất ở Tổ Tây, nhưng đất đó là để phục vụ công trình Kè chống sạt lở bờ sông trên Úc Kỳ”.

Không biết rằng, ai là người cho phép xẻ đất để phục vụ các công trình xã hội trên? UBND huyện Phú Bình sẽ trả lời như thế nào về việc này?

Phải chăng các cấp chính quyền từ xã, thị trấn đến huyện đều tự “thông cảm” cho những hành vi trái phép trên?

Mời quý độc giả đón đọc bài viết tiếp theo của Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử...

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ai cho phép? (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...