Thứ bảy, 20/04/2024 17:38 (GMT+7)

Vì sao đất hiếm Việt Nam chưa có sức hấp dẫn cao?

MTĐT -  Chủ nhật, 09/06/2019 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, từng rất quan tâm đến đất hiếm Việt Nam nhưng vì nó có nhược điểm nên nhà đầu tư chưa mặn mà.

Tiếp tục bày tỏ quan điểm về cơ hội xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc dọa dùng đất hiếm làm vũ khí trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Bauxite - Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ), cho biết, nếu Trung Quốc thực sự cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ thì Mỹ sẽ tìm đến các nguồn cung khác để thay thế và có thể quan tâm đến đất hiếm Việt Nam.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã ngưng toàn bộ hoạt động xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản vào năm 2010 vì căng thẳng chính trị quanh quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, lệnh cấm này không mang lại kết quả như mong muốn khi các nước khác ngay lập tức nhảy vào thay thế và Nhật Bản cũng chủ động tìm ra nhiều phương pháp sản xuất sử dụng ít đất hiếm hơn.

TS Ban lưu ý, đất hiếm có ở nhiều quốc gia. Ngoài Trung Quốc chiếm đến 80% tổng sản lượng toàn cầu, loại khoáng sản này còn có ở Brazil, Canada, Úc, Ấn Độ, Việt Nam... và ngay cả Mỹ cũng sở hữu một khối lượng tương đối lớn.

Vì thế, nếu Trung Quốc dùng đất hiếm trả đòn Mỹ thì sẽ có hàng loạt nhà cung cấp mới xuất hiện, lấp chỗ trống mà Trung Quốc để lại. 

Dù đánh giá Việt Nam có thể có cơ hội xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nhưng vị chuyên gia cho rằng cần phải nhìn thấy rõ nhược điểm của đất hiếm Việt Nam để thấy rằng sức hấp dẫn của nó chưa cao đối với các nhà đầu tư.

"Việt Nam có tiềm năng lớn về đất hiếm nhưng chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ. Cụ thể, trong công nghệ tuyển khoáng, các nguyên tố đất hiếm được phân thành hai nhóm: đất hiếm nhóm nặng (nhóm ytri) và đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan-ceri), tùy thuộc vào mật độ các ion trong nguyên tử.

Trong khi đất hiếm nhóm nặng có nhiều công dụng và được ứng dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao hơn thì Việt Nam lại sở hữu đất hiếm nhóm nặng ít, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ.

Dĩ nhiên đất hiếm nhóm nhẹ vẫn có những ứng dụng và nhu cầu nhất định, ví dụ người ta có thể sử dụng để làm loa, song nhìn chung, đất hiếm nhóm nhẹ ít được sử dụng trong các ứng dụng khác", TS Nguyễn Văn Ban chỉ rõ.

Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đến đất hiếm của Việt Nam từ lâu, nhưng theo vị chuyên gia, bởi nhược điểm trên mà cuối cùng Nhật Bản chưa thúc đẩy mạnh việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà ông Ban tin rằng đất hiếm Việt Nam có sức hấp dẫn chưa cao đối với nhà đầu tư của các nước khác.

Một điểm quan trọng khác được vị nguyên Trưởng ban Bauxite - Nhôm của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) chỉ ra, đó là việc khai thác đất hiếm đã là một vấn đề nhưng công đoạn xử lý để tách từng nguyên tố trong đất hiếm ra mới là việc khó.

"Để phân tách từng kim loại trong đất hiếm thành từng nguyên tố đạt được độ sạch cao vô cùng phức tạp. Nếu không phân  tách cẩn thận, kim loại hiếm trong đất có thể bay hơi theo oxy, nên chỉ có các nước tiên tiến mới có đủ khả năng để phân tách lấy các loại nguyên tố hiếm này trong đất hiếm", TS Nguyễn Văn Ban cho biết.

Bởi xét về công nghệ hiện nay, Việt Nam chưa thể phân tách được các nguyên tố nói trên nên nếu có tính đến chuyện khai thác, xuất khẩu ở thời điểm này, chắc chắn Việt Nam cũng chỉ xuất thô, tức là khai thác xong để bán, chứ không thể phân tách các nguyên tố có trong đất hiếm, vị chuyên gia nhận xét.

Mặt khác, cũng có thể Việt nam chưa có nhu cầu về vấn đề này nên việc phân tách chưa được xúc tiến. Về vấn đề môi trường trong quá trình khai thác khai thác đất hiếm, TS Ban lưu ý đến nguy cơ gây tổn hại cho môi trường bởi trong đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ,  nguy hiểm cho nhân công và môi trường xung quanh.

Từ những phân tích trên, đánh giá tổng thể về cơ hội xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam, TS Nguyễn Văn Ban cho rằng, điều quan trọng là phải có nhu cầu. Khi có nhu cầu thì các nước mới đến Việt Nam đầu tư và khi ấy Việt Nam mới đủ công nghệ, kỹ thuật để khai thác, phân tách.

"Và như đã nói, đất hiếm của Việt Nam có nhược điểm nên mối quan tâm của các nước đến mức nào thì cần phải theo dõi mới đánh giá được", vị chuyên gia kết luận.

Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết Vì sao đất hiếm Việt Nam chưa có sức hấp dẫn cao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất