Thứ sáu, 26/04/2024 01:53 (GMT+7)

Gia Lai: Bát nháo hoạt động khai thác cát tại huyện Mang Yang

Nhóm PV VPĐD KV Tây Nguyên -  Thứ hai, 24/05/2021 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoạt động khai thác cát xây dựng trên địa bàn huyện Mang Yang thường xuyên được báo chí phản ánh, tuy nhiên việc khai thác cát không đúng quy định, xe chở cát quá tải vẫn luôn hiện hữu.

Sông Ayun đang bị bức tử

Theo phản ánh từ nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Ayun và xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang), liên tục trong những năn qua, tình trạng sạt lở bờ sông Ayun khiến cho khu vực đất sản xuất của dân bị mất trắng. Nguyên nhân do việc khai thác cát xây dựng tại khu vực này diễn ra ồ ạt, mạnh ai nấy làm.

Dòng sông Ayun đang bị bức tử bởi tình trạng khai thác cát ồ ạt.

Cát xây dựng trên dòng sông Ayun do 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác gồm Công ty TNHH Tâm An Gia Lai và Công ty TNHH MTV Trang Đức (có địa chỉ tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Tìm hiểu thực tế của nhóm phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử khu vực Tây Nguyên, việc khai thác cát tại đây không chỉ 2 đơn vị được phép khai thác mà có cả chục cá nhân, tổ chức đứng ra khai thác dưới danh nghĩa “nhận khoán” từ chính chủ mỏ được cấp phép.

Một đoạn sông Ayun bị đào bới nham nhở để hút cát.

Hơn 7 năm qua, kể từ khi quyết định cấp phép khai thác cát chính thức được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, cho phép doanh nghiệp khai thác cát thì cũng là lúc dòng sông Ayun thơ mộng bị biến thành công trường với vô số máy bơm, máy đào, xe tải lớn nhỏ đua nhau hoạt động. Các phương tiện nói trên trên liên tục hoạt động, khiến lòng sông bị nắn chỉnh không đúng quy định để phục vụ cho việc hút cát và hệ lụy là bờ sông trở nên nham nhở, lồi lõm, sạt lở khắp nơi.

Lòng sông và bờ đất liên tục bị khai thác từng ngày tại mỏ cát Trang Đức.

Không chỉ khai thác ở phần lòng sông, một số tổ chức, cá nhân ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới tập kết tại khu vực đất đồi cạnh bờ sông để khai thác khoáng sản.

Cụ thể, theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày qua, tại khu vực mỏ cát Công ty TNHH MTV Trang Đức có đến hàng chục vòi bơm chờ trực để bơm cát khi bãi chứa vơi đi. Cách khu vực lòng sông không xa về hướng Tây, là một đồi đất rộng đang bị các xe máy đào của đơn vị khai thác mỏ tiến hành đào bới để khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác tại mỏ này dài hơn cả cây số, nhưng sau thời gian tìm kiếm, chúng tôi không hề thấy bất kỳ điểm mốc nào để xác định rõ ranh giới mỏ cát đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép hoạt động.

Ngoài ra, các quy định về những thiết bị như: camera giám sát, trạm cân, bãi tập kết, bảng chỉ dẫn chi tiết về mỏ cát đều không thấy tại thời điểm PV ghi nhận.

Nhiều đoạn sông bị con người can thiệp thay đổi dòng chảy.

Tương tự, tại khu vực mỏ cát Công ty TNHH Tâm An Gia Lai, nhiều khúc sông bị bồi lấp, nắn chỉnh dòng chảy tự nhiên bởi các hàng trụ cọc bằng gỗ được gia cố, kết hợp với sắt thép dùng để cản lượng cát chảy về theo dòng nước.

Hoạt động khai thác cát quá mức kéo dài trong nhiều năm qua tại khu vực sông Ayun đã gây ra vô số các điểm sạt lở bờ sông khiến tình trạng đất hoa màu, đất trồng cây lâu năm của người dân bị mất trắng.

Dưới chân cầu nối với xã Đăk Jơ Ta xuất hiện nhiều vị trí sạt lở do khai thác khoáng sản ồ ạt.

Sự việc trên liên tục được người dân trong vùng phản ánh, tuy nhiên vấn đề này vẫn thường xuyên diễn ra khiến tài nguyên nơi đây từng ngày bị mất đi, người dân chỉ biết đứng nhìn trong sự bất lực.

Đường liên xã bị “băm nát”bởi xe quá tải lộng hành

Các biển báo hạn chế trọng tải được địa phương lắp đặt dọc trên tuyến đường nối từ QL 19 vào đường liên xã Ayun, Đăk Jơ Ta, nhưng các lái xe vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện có tải trọng lớn lưu thông ra vào con đường này để vận chuyển cát.

Các xe chở cát quá tải liên tục ra vào khu vực đặt biển báo hạn chế tải trọng.

Sau nhiều ngày ghi nhận, hàng loạt các xe ô tô tải mang biển kiểm soát: 81C-014.63, 81C-190.88, 81C-120.29, 43C-162.17, 81H-002.96, 81C-191.03… thường xuyên ra vào đường liên xã. Điều đáng nói, ngay từ đầu đoạn đường nối của đường liên xã với QL 19 đã được lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng 10 tấn, vào phía trong khu vực dân cư, có 2 cây cầu đã cũ cũng được lắp biển báo hạn chế tải trọng 10 tấn. Tuy nhiên, việc đặt biển báo cấm các loại xe có trọng tải quá 10 tấn này dường như không có tác dụng đối với các lái xe chở khoáng sản, cứ như chuyện ai lắp cứ lắp, xe chạy cứ chạy khiến những con đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Con đường bê tông đang từng ngày xuống cấp bởi xe quá tải hoạt động thường xuyên.

Tìm hiểu về tuyến đường liên xã này, trao đổi với PV, ông Trịnh Thanh Dũng – Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Mang Yang cho biết: tuyến đường chính vừa được Huyện đầu tư đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng với độ dài khoảng 5km đường bê tông. Con đường mới chính thức đưa vào hoạt động bà con rất vui mừng, hàng hóa nông sản được thông thương.

Về các xe chở cát thường xuyên lưu thông trên đường liên xã vượt tải trọng quy định, đã phần nào gây ra tình trạng hư hỏng, đường nhanh xuống cấp. 

Các xe tải cỡ lớn cũng tham gia chở cát góp phần phá nát tuyến đường trong thời gian không xa nếu không được xử lý, ngăn chặn.

Dòng sông Ayun đang từng ngày bị bức tử bởi tình trạng khai thác khoáng sản quá mức, nhiều điểm sạt lở xảy ra dọc con sông, đất canh tác của dân bị mất trắng theo thời gian.

Thiết nghĩ, chính quyền huyện Mang Yang cần quan tâm hơn trong việc kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trên dòng sông Ayun. Đồng thời, sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe ô tô tải chở cát quá tải lưu thông trên tuyến đường liên xã.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Bát nháo hoạt động khai thác cát tại huyện Mang Yang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.