Thứ sáu, 19/04/2024 16:34 (GMT+7)

Gia Lai: Người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá

A LỰC – CHI HUỲNH -  Thứ bảy, 31/07/2021 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, cuộc sống nhiều người dân tại làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á (TP Pleiku) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp tại đây.

Người dân làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á phản ánh đến phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tình trạng một số doanh nghiệp khai thác đá tại đây, trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Bát nháo trong việc mua ruộng để khai thác đá

Người dân nơi đây phản ánh, trước đây có một số doanh nghiệp một phần mua lại ruộng lúa để khai thác đá, một phần hợp đồng với người dân về việc mua đá trên ruộng với độ sâu là từ 1m đến 3m tính từ mặt ruộng để khai thác. Việc hợp đồng với người dân sau khi khai thác xong, doanh nghiệp sẽ trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa (đất của người dân cao, khi khai thác xong lớp đá thì đến phần đất người dân trồng lúa). Tuy nhiên, hiện tại các đơn vị trên sau khi khai thác xong lớp đá, nhưng lại không trả lại hiện trạng ban đầu, khiến cho người dân không thể canh tác lúa.

Cánh đồng làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á, TP Pleiku.

Ông Y.H. là người dân nơi đây cho biết: Các Công ty THL, Châu Phát và Hoàng Nhi mua ruộng của người dân để khai thác đá, một số khác thì hợp đồng thuê đất để khai thác đá rồi trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng đến nay, có một số ruộng vẫn chưa được trả lại để người dân canh tác khiến cho nhiều người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Trước đây, người dân đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương và cũng được giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Anh Y.K. là người dân làng Mơ Nú bức xúc cho biết: Trong quá trình khai thác đá các Công ty nơi đây có tạo nên những hố sâu làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm dẫn đến ruộng lúa bị khô hạn làm ảnh hưởng đến năng suất của người dân.

Bên trong khu vực khai thác đá của 2 Công ty Châu Phát và THL có nhiều hố sâu, trong lòng hố đọng nước màu xanh, do trong quá trình khai thác để lại.

Theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày, tại khu vực làng Plei Mơ Nú có một số đơn vị khai thác khoáng sản là Công ty CP khoáng sản THL (Công suất khai thác là 30.000 m3 (tấn)/năm; Diện tích là 6,3 ha theo số liệu trên giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép), Công ty TNHH MTV Châu Phát (Công suất khai thác là 30.000 m3 (tấn)/năm; Diện tích là 3,8 ha theo số liệu trên giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép), Công ty Hoàng Nhi... Bên trong khu vực khai thác đá của 2 Công ty Châu Phát và THL có nhiều hố sâu, trong lòng hố đọng nước màu xanh do trong quá trình khai thác để lại.

Đặc biệt, theo quan sát của PV khu vực khai thác đá của Công ty Châu Phát cách nhà dân khoảng 80m. Vậy việc này có đúng với quy định của cơ quan chức năng hay không?

Ngoài ra, cũng tại khu vực trên, còn có 2 chiếc máy múc khác, tiến hành múc đá trên ruộng. Ngay cạnh đó, một số thửa ruộng cũng bị khai thác đá một cách nham nhở. Bên cạnh khu vực khai thác đá của Công ty THL có một thửa ruộng bị khai thác rất sâu để lại một hồ nước, không có biển cảnh báo nguy hiểm.

1 trong 2 chiếc máy múc, tiến hành múc đá trên ruộng tại khu vực trên.

Cơ quan chức năng cần kiểm tra làm rõ

Để tìm hiểu rõ hơn, ngày 23/6 PV đăng ký làm việc với UBND xã Chư Á. Tại đây, ông Võ Đình Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á đề nghị PV để lại nội dung làm việc, sau đó Xã sẽ đi kiểm tra và trả lời bằng văn bản. Sáng 6/7, PV liên hệ với ông Ánh về việc đã trả lời những nội dung làm việc mà PV để lại thì ông Ánh cho biết: Hiện tại, mình đang nghỉ phép, trong tuần này PV có thể đến UBND xã để gặp chị Thắm để được rõ hơn. Chiều 6/7, PV gặp bà Nguyễn Thu Hương - Chủ tịch UBND xã Chư Á. Tại đây, bà Hương cho biết: Hiện tại, chưa nắm được nội dung làm việc mà PV để lại. Sau đó, bà Hương tiếp tục đề nghị PV để lại nội dung làm việc.

Ngay cạnh đó, một số thửa ruộng cũng bị khai thác đá một cách nham nhở.

Đến ngày 12/7, PV nhận được Văn bản số: 178/UBND của UBND xã Chư Á về việc trả lời văn bản của Môi trường và Đô thị Việt Nam. Tại Văn bản trên, UBND xã chỉ trả lời 3 nội dung trên tổng số 8 nội dung mà PV đã để lại vào ngày 23/6. Những nội dung mà Xã trả lời cho PV chỉ chung chung không tập trung nội dung mà PV đề cập!

Vậy UBND xã Chư Á có sự chồng chéo trong công tác tiếp nhận và trả lời nội dung làm việc của PV hay không, khi ngày 23/6 PV đã để lại nội dung làm việc nhưng đến ngày 6/7 khi PV làm việc thì bà Hương lại chưa nắm được nội dung. Để rồi đến ngày 12/7, UBND xã Chư Á trả lời PV một cách thiếu nội dung.

Bên cạnh khu vực khai thác đá của Công ty THL có một thửa ruộng bị khai thác rất sâu để lại một hồ nước, không có biển cảnh báo nguy hiểm.

Liên quan đến vấn đề trên, UBND TP Pleiku có Văn bản số: 2319/UBND-TNMT ngày 12/7 “V/v trả lời nội dung tác nghiệp báo chí về việc hoạt động khai thác đá bị phản ánh làm ảnh hưởng người dân tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku”.

Theo đó, “Sau khi nhận được thông tin, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xử lý. UBND Thành phố thông tin như sau: Đối với Công ty Cổ phần khoáng sản THL có Giấy phép khai thác khoáng sản số 561/GP-UBND ngày 16/10/2020 do UBND tỉnh Gia Lai cấp, Báo cáo đánh giá tác động môi trường tháng 8/2016, Báo cáo kết quả quan trắc môi trường tháng 12/2020, Phương án cải tạo, phục hồi môi trường tháng 9/2016... Khai thác đúng phạm vi, tọa độ, ranh giới đã được tỉnh cấp phép.

Công ty Châu Phát có giấy phép khai thác khoáng sản (gia hạn) số 463/GP-UBND ngày 03/8/2015 do UBND Tỉnh cấp, Báo cáo tác động bảo vệ môi trường năm 2020 (ngày 29/01/2021), Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường dự án khai thác và chế biến đá xây dựng tại mỏ đá xã Chư Á số 521/XNĐK ngày 13/12/2010 của UBND thành phố Pleiku… Khai thác đúng phạm vi, tọa độ, ranh giới đã được tỉnh cấp phép.

Ngày 15/4/2021, phòng Tài nguyên và Môi trường có thông báo số 189/TB-TNMT về lịch kiểm tra công tác khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thành phố Pleiku. Qua đợt kiểm tra, các Công ty đã cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý về hoạt động khai thác chế biến khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp: Giấy phép kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo giám sát môi trường, kê khai nộp thuế theo quy định và khai thác trong phạm vi tọa độ, ranh giới, diện tích được cấp phép từ những năm trước đây, đã cơ bản thực hiện các biện pháp bụi, khí thải theo bản đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, khu vực chế biên thường xuyên được tưới nước và đường vận chuyển, tưới ẩm khi đập đá, phun nước tại phễu tiếp nhận nguyên liệu của dây chuyền nghiền sàng đá,... Trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu trên các tuyến đường, các Công ty đảm bảo quy định về môi trường, che chắn, phủ tấm bạt v.v....và thường xuyên tưới nước để tránh bụi phát tán gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khu dân cư xung quanh.

Hiện nay, theo kết quả báo cáo thì UBND xã Chư Á không tiếp nhận thông tin phản ánh có liên quan về tình trạng ô nhiễm do bụi và khí thải gây ra trong quá trình hoạt động của các Công ty gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống khu vực này.

Trong quá trình khai thác có tạo nên những hố sâu, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, dẫn đến nước không vào mương dẫn nước tới ruộng gây khô hạn, ảnh hưởng tới năng suất. Trong thời gian đến, UBND Thành phố sẽ có văn bản đề nghị 02 Công ty trong quá trình khai thác có phương án hoàn thổ sớm nhất để bảo vệ mạch nước ngầm”.

Nhiều vấn đề được đặt ra ở đây đó là, việc người dân làng Plei Mơ Nú bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp tại đây, khi việc mua lại ruộng của dân để khai thác sau khi được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép, liệu có đúng với quy định hay không? Việc hai Công ty THL và Châu Phát khai thác đá có nằm trong tọa độ và độ sâu được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép hay không?

Trước sự việc người dân tại làng Plei Mơ Nú bị ảnh hưởng bởi quá trình khai thác đá từ các doanh nghiệp nơi đây như theo Văn bản số: 2319/UBND-TNMT ngày 12/7 của UBND TP Pleiku trả lời: “Trong quá trình khai thác có tạo nên những hố sâu, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, dẫn đến nước không vào mương dẫn nước tới ruộng gây khô hạn, ảnh hưởng tới năng suất”.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra, làm rõ và có Văn bản phản hồi những nội dung trên về Văn phòng MT&ĐT khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước