Thứ sáu, 29/03/2024 21:21 (GMT+7)

Gia Lai: Nỗ lực phòng chống các sự cố cháy rừng tái sinh

Mai Trung – Chương Hoàng -  Thứ sáu, 19/04/2019 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 600.000 ha rừng; trong đó khoảng 70% diện tích rừng có nguy cơ cháy cao trong tình trạng thời tiết nắng nóng, khô hạn.

Ngay từ đầu mùa khô 2018-2019 UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14-11-2018, Công văn số 191/UBND-NL ngày 23-01-2019, Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 21-2-2019 yêu cầu các cấp, ngành và cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng (PCCR) trong mùa khô 2018-2019.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền quản lý bảo vệ, phát triển rừng thì PCCR cũng luôn được các cấp ngành triển khai sâu rộng đến cộng đồng nhân dân; chủ động, thường xuyên tuần tra, nắm bắt tình hình bảo vệ rừng, PCCR trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Các đơn vị chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm phân công trực 24/24 giờ, tuần tra canh gác tại các trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, ngăn chặn các đối tượng mang theo nguồn nhiệt (nguồn lửa) vào rừng gây cháy. Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra phát hiện sớm cháy rừng, báo cáo, huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi ngọn lửa mới phát sinh. Chủ động tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng. Chuẩn bị sẵng sàng các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng để tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn; tham gia chữa cháy rừng ở địa bàn khác khi có yêu cầu của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm.

Từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn Huyện Đăk Pơ đã xảy ra một vụ cháy rừng tái sinh vào ngày 5-4-2019; nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng, người dân canh tác không cẩn thận dẫn đến cháy lan, thiệt hại khoảng 2,1ha rừng tái sinh nhưng không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.

Được biết tổng diện tích rừng của Huyện Đăk Pơ là trên 24.000ha bao gồm: Rừng tự nhiên, rừng trồng và rừng tái sinh.Trong đó rừng tái sinh chiếm diện tích khoảng 4.000ha, còn lại là rừng tự nhiên và rừng trồng.

Ông Võ Văn Thơm – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đăk Pơ – đã trao đổi với phóng viên Môi trường & Đô thị điện tử:“ Khi vụ việc xảy ra thì Ban Quản lí rừng phòng hộ Bắc An Khê đã nhanh chóng huy động lực lượng kiểm lâm, lực lượng PCCC và một số người dân trong khu vực thực hiện công tác chữa cháy một cách toàn diện, tuy nhiên, vụ cháy đã gây ra thiệt hại hơn 2,1ha rừng tái sinh”.

Ông Thơm còn cho biết thêm:“Hiện nay Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm Đăk Pơ đã có các biện pháp chỉ đạo như: Tập trung tuyên truyền vận động thuyết phục người dân vào mùa khô trong quá trình canh tác tuyệt đối không sử dụng các vật liệu dễ gây hỏa hoạn để tránh sự việc tương tự xảy ra; bố trí lực lượng kiểm lâm, phối hợp lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng cùng với các lực lượng dân quân xã và các chủ nhận khoán tiến hành tuần tra 24/24 để kịp thời ngăn chặn và xử lí; tham mưu cho chính quyền Huyện cũng như phối hợp với các ngành, các cấp cùng tham gia thực hiện tốt vấn đề quản lí rừng trên địa bàn”.

Không riêng gì ở Gia Lai mà các vùng miền khác trên cả nước, rừng đang ngày càng cạn kiệt và diện tích dần bị thu hẹp do việc khai thác vô tội vạ của các doanh nghiệp, sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng kiểm lâm tạo điều kiện cho lâm tặc lộng hành. Để bảo vệ những diện tích rừng còn lại, nhất là rừng tái sinh không bị cháy bởi sự vô ý thức của con người thì không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương hay một ngành mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội, nhất là cư dân sinh sống gần các khu vực có rừng. Tuyên truyền bảo vệ rừng chỉ thật sự có hiệu quả khi mà ý thức của người dân được nâng cao, khi mà mỗi người đều tự nguyện bảo vệ cho lá phổi của môi trường sống.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nỗ lực phòng chống các sự cố cháy rừng tái sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới