Thứ bảy, 20/04/2024 14:27 (GMT+7)

Hệ luỵ khó lường từ khai thác cát trái phép trên sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ hai, 08/05/2017 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giá cát tăng đột biến và cùng với động thái đó thì việc khai thác cát ở sông Cửu Long đang có biểu hiện gia tăng với những diễn biến liên quan rất đáng lo ngại.

Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường ngày 22/4/2017 đã có bài phản ánh việc Chính phủ đình chỉ hàng loạt dự án nạo vét đường thủy nội địa tận thu khoáng sản cát trên phạm vi cả nước, cụ thể là hệ thống sông Đồng Nai, thì lượng cát từ ĐBSCL hút về thị trường TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, giá cát tăng đột biến và cùng với động thái đó thì việc khai thác cát ở đây đang có biểu hiện gia tăng với những diễn biến liên quan rất đáng lo ngại.

Khai thác cát trái phép gia tăng

Những ngày đầu tháng 5, giá cát trên thị trường tiếp tục nhích lên, cát loại Mođun 2.0-2.3 giá trên 500.000đ/1m3, cát san lấp 115.000đ/1m3, gấp đôi so với đầu năm và cùng kỳ năm trước. Cơ quan chức năng các địa phương đã có những động thái tăng cường thanh kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển lưu thông cát trên thị trường và phát hiện tình trạng cát không rõ nguồn gốc rất phổ biến.

Việc kiểm tra hóa đơn chứng từ cát trong quá trình vận chuyển - một việc mà từ trước đến nay hoàn toàn bị bỏ ngõ, đã được Công an TP.Cần Thơ tiến hành vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua và phát hiện hàng chục sà lan biển kiểm soát của các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… vận chuyển hàng chục nghìn khối cát không rõ nguồn gốc trên sông Tiền, sông Hậu đi bán cho các cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng, các dự án san lấp.

Trong khi đó, tại các khai trường, hành vi khai thác trái phép có biểu hiện diễn biến phức tạp, với các hình thức đưa phương tiện ra ngoài khu vực được cấp phép để hút cát, đưa phương tiện không được cấp phép vào khu vực mỏ được cấp phép, khai thác vượt thời gian theo qui định nhằm tăng công suất khai thác theo qui định. Các hành vi này diễn ra phổ biến ở những vị trí giáp ranh giữa các địa phương như Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, TP.Cần Thơ… ngoài các phương tiện của các địa phương nội vùng còn có phương tiện đến từ Long An, Đồng Nai và trên các phương tiện còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, quan sát phát hiện lực lượng chức năng từ xa để đối phó lực lượng chức năng nên việc cơ quan chức năng bắt quả tang, xử lý những phương tiện vi phạm vẫn còn rất ít so với thực trạng diễn ra.

Ngoài các chủ mỏ trong quá trình tổ chức khai thác cố tình vi phạm thì trên các tuyến sông ở các địa phương gần đây còn xuất hiện nhiều phương tiện thô sơ, tải trọng nhỏ, không gắn biển kiểm soát, lợi dụng đêm khuya để hút trộm cát. Đơn cử, tại sông Hàm Luông (cửa sông Tiền) thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, một số đối tượng ở huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Châu Thành… đã sử dụng ghe gỗ loại nhỏ (tải trọng từ 15 tấn đến 30 tấn), không gắn biển kiểm soát và thường xuyên tổ chức hút trộm cát vào lúc đêm khuya, khi bị cơ quan chức năng bắt quả tang thì chỉ có thể buộc bỏ cát lại cho lòng sông, xử phạt hành chính và mức phạt thì chỉ tương đương vài ghe cát bán ra thị trường.

Thâm hụt cát - hệ lụy khó lường

Cùng với giá cát gia tăng, hành vi khai thác cát trái phép ngày càng phổ biến, tinh vi thì vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL cũng ngày càng trầm trọng hơn. Những ngày gần đây, lại có thêm một số điểm sạt lở rất trầm trọng thu hút sự quan tâm cả nước, gây thiệt hại về đất đai, tài sản và đe dọa sinh mạng của nhiều người dân ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), khu vực bị sạt lở kéo dài tới hơn 2km bờ sông Tiền, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân; ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) ven sông Vàm Nao thuộc hệ thống sông Hậu, hố xoáy sâu hàng chục mét, với diện tích lên tới gần 5ha, cuốn hàng chục ngôi nhà xuống sông; và nhiều điểm sạt lở ở các cửa sông thuộc tỉnh Trà Vinh, Bến Tre…

Thực tế, gần các điểm sạt lở này đều có những mỏ cát đang được cấp phép khai thác công khai và người dân cho biết nhiều phương tiện khai thác trái phép ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, cơ quan chức năng. Cụ thể, ngoài các phương tiện khai thác cát trái phép thì phía trên và dưới “điểm nóng” sạt lở thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) hiện có 2 doanh nghiệp đang được cấp phép khai thác cát.

Nhiều phương tiện thô sơ, nhỏ gọn, không gắn biển kiểm soát được sử dụng để hút trộm cát tại sông Hàm Luông bị cơ quan chức năng xử lý.

Trong nhiều hội nghị, hội thảo mấy năm gần đây các nhà khoa học đã nêu rõ việc các quốc gia thượng nguồn sông Mekong khai thác tài nguyên nước bất chấp qui luật dòng chảy tự nhiên để xây đập thủy điện, ngăn chặn 75% tải lượng trầm tích về châu thổ Cửu Long, các nước Lào, Campuchia tăng sản lượng cát khai thác, khiến lượng cát về ĐBSCL không đủ bù dẫn đến thâm hụt trầm tích, thay đổi qui luật bồi – lở ven sông, ven biển khiến mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất (tương đương 1 xã), với 260 điểm sạt lở đang diễn ra trên 460km chiều dài bờ biển, bờ sông, khiến hàng trăm nghìn hộ bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có những dấu hiệu giảm sản lượng cát khai thác trên hệ thống sông Cửu Long. Con số 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác 28,25 triệu m3/năm tại khoảng 150 thân cát dưới lòng sông Cửu Long mà cơ quan chức năng thống kê từ hơn 1 năm qua chưa có sự thay đổi đáng kể. Thậm chí ngoài những thân cát được khai thác theo qui hoạch quản lý tài nguyên khoáng sản còn có những dự án nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa tận thu cát do Cục đường thủy nội địa – Bộ Giao thông vận tải cấp phép. Một nguồn tin công khai cho biết, chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp hiện nay có tới 5 dự án nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa (trong đó có 3 dự án do Cục đường thủy nội địa – Bộ GTVT cấp phép và 2 dự án do tỉnh cấp phép), khối lượng cát tận thu và việc thu thuế, phí khai thác khoáng sản đối với 5 dự án này không rõ.

Quan ngại về mức độ khai thác cát tại ĐBSCL, trong một hội thảo khoa học từ hơn 1 năm trước, PGS-TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), đã cảnh báo rằng: “Việc khai thác cát để phục vụ phát triển. Tuy nhiên với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Và nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường”.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Hệ luỵ khó lường từ khai thác cát trái phép trên sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ