Thứ sáu, 29/03/2024 14:05 (GMT+7)

Huế: Đất rừng được cấp cho nhiều cán bộ liệu có bất thường?

Nguyễn Hiền -  Thứ ba, 27/11/2018 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều lần làm đơn xin cấp GCNQSD đất trên mảnh đất mà mình canh tác hàng chục năm nhưng không được. Rồi một ngày, ông Truyền bất ngờ biết khu đất này đã được cấp cho người khác nguyên là cán bộ huyện.

Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn thư cầu cứu của ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957, trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) về việc diện tích đất mà ông canh tác, gắn bó hàng chục năm, bất ngờ được cấp và đứng tên một người khác, nhưng ông lại không hề hay biết.

Trong đơn thư, ông Truyền cho biết, vào năm 1976, sau khi đất nước giải phóng, gia đình ông cùng một số hộ dân đi đến khu vực ven biển thôn Cảnh Dương để sinh sống và lập nghiệp. Nhận thấy xung quanh khu vực mình sinh sống còn nhiều khoảng đất trống hoang hóa nên ông cùng các thành viên trong gia đình đã tiến hành đào hồ nuôi cá rồi trồng tre xung quanh để phát triển kình tế gia đình vào giai đoạn 1993.

Khu đất mà ông Truyền đã canh tác, gắn bó hàng chục năm, đã được cấp sổ đỏ đứng tên người khác.

Vào năm 1995, khi nghe tin khu đất xung quanh nhà ông được chuyển đổi thành rừng sản xuất, thì ông đã viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) khu đất mà ông đang canh tác. Tuy nhiên UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý.

Sau khi bị từ chối cấp GCNQSD, gia đình ông vẫn tiếp tục trồng tre nhằm chắn gió biển khỏa lấp nhiều khoảng trống khu rừng, đồng thời trồng xen lẫn cây keo lá tràm.

Theo ông Phan Ngọc Như, từng là Trưởng thôn Cảnh Dương cho biết, từ năm 1993 chỉ có ông Truyền là người "khai hoang", trồng trọt chăn nuôi trên mảnh đất này. Ngoài ra nhiều hộ dân sống cạnh đó như ông Lê Công Túc, Hoàng Văn Sinh, Nguyễn Văn Chương, Lê Công Lành... cũng xác nhận chuyện này.

Trong thời gian gần đây, cũng vì đã nhiều năm gắn bó với diện tích đất này, ông Truyền lại tiếp tục viết đơn xin được cấp GCNQSD khu đất trên thì “tá hỏa” trước thông tin, những thửa đất mà mình đang canh tác đã được cấp sổ đỏ cho người khác.

Ông Truyền cho hay, vì thấy quá khó hiểu trong chuyện này, ông đã viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền để trả lời làm rõ. Bởi lẽ ông đã gắn bó với diện tích đất này hàng chục năm, nhiều lần viết đơn xin cấp sổ đỏ nhưng không được, bây giờ lại cấp cho người khác. Ông muốn biết, người được cấp là ai nhằm đối chất xem thửa đất ấy có được cấp đúng đối tượng không?

Trước vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh. Ông Minh cho biết, sở dĩ UBND xã không xác nhận đơn xin cấp GCNQSD đất của ông Truyền là vì diện tích đất này đã được giao cho người khác từ năm 1995 và được cấp sổ đỏ từ năm 2010. Còn việc để biết rõ hơn cá nhân nào được giao đất, cấp sổ đỏ diện tích đất nói trên thì ông Minh nói PV nên gặp Phòng TN&MT huyện để tìm hiểu rõ hơn.

Danh sách 15 chủ sở hữu được UBND huyện Phú Lộc giao đất, cấp sổ đỏ.

Trong khi đó, một chuyên viên phòng TN&MT huyện Phú Lộc là người trực tiếp phụ trách làm rõ đơn thư của ông Truyền cho biết, thửa đất mà ông Truyền xin cấp GCNQSD đất trước năm 1995 là rừng phi lao dọc bờ biển Cảnh Dương - Bình An thuộc UBND xã Lộc Vĩnh quản lý. Sau đó, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích đất 24.000m2. Đến năm 2010, những chủ đất này được cấp GCNQSD đất.

“Sau khi kiểm tra, sao lục các hồ sơ liên quan, nhận thấy việc ông Huỳnh Đăng Truyền có đơn xin cấp GCNQSD đất trên diện tích đã cấp cho người khác là không có cơ sở để xem xét và giải quyết", vị này cho biết.

Tuy nhiên, khi PV xin được tiếp cận danh sách 15 người đứng tên các lô đất thuộc khu vực này thì ông Lý nói PV nên tìm gặp Chi nhánh Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai để nắm rõ hơn.

Sau đó, PV tiếp tục tìm hiểu thì phát hiện một điều bất ngờ, diện tích đất mà ông Truyền từng "khai hoang", gắn bó hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, cụ thể trong đó ông Phạm Viết Phong - Nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường - Nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Ngoài ra, nguồn tin của PV được biết, những chủ sở hữu 13 lô đất liền kề còn lại đều là những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ huyện này. Đặc biệt, trong đó có ông Hồ Trọng Cầu, hiện đang đương nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Tiến, hiện đang là cán bộ HĐND tỉnh...

Dư luận đang hoài nghi có sự “bất thường” trong việc giao đất và cấp sổ đỏ cho những cá nhân là cán bộ chủ chốt. Trong khi đó người dân đã khai hoang, canh tác, gắn bó hàng chục năm lại không được cấp GCNQSD đất.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bạn đang đọc bài viết Huế: Đất rừng được cấp cho nhiều cán bộ liệu có bất thường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới