Thứ sáu, 29/03/2024 08:59 (GMT+7)

Khó bù rừng đã mất

MTĐT -  Thứ sáu, 28/04/2017 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều dự án làm mất diện tích lớn rừng được các tỉnh chấp thuận phương án cho nhà đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, rừng thì mất nhiều mà việc trồng lại chẳng được bao nhiêu

Ngày 26/4, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên.

Thu trên 11 tỉ đồng, giải ngân… 1,7 tỉ đồng

Đây là dự án mà Báo Người Lao Động gần một tháng trước đã phản ánh nhiều về việc tỉnh Phú Yên làm trái quy định khi cho đốn hạ hàng trăm hecta rừng tự nhiên ở huyện Sông Hinh để lấy đất giao nhà đầu tư khi chưa có phương án trồng rừng thay thế. Ngay sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Phú Yên đã “rất kịp thời” phê duyệt phương án trồng rừng thay thế cho dự án này vào ngày 5/4.

Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế ký phê duyệt phương án trồng rừng thay thế cho gần 384 ha rừng đã chuyển mục đích cho dự án này. Trong đó, chủ đầu tư tự thực hiện việc trồng 270 ha rừng trên địa bàn 2 xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) và Xuân Thọ 1 (thị xã Sông Cầu). Số diện tích còn lại gần 114 ha, tỉnh Phú Yên cho phép nhà đầu tư nộp tiền vào Quỹ Đầu tư và Phát triển rừng Phú Yên với số tiền trên 6,1 tỉ đồng (bình quân hơn 53,7 triệu đồng/ha). Lý do cho nhà đầu tư nộp tiền thay vì trực tiếp trồng rừng là “đơn vị chưa khảo sát quỹ đất trồng rừng theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)”.

Riêng về dự án làm sân golf của Công ty TNHH New City Việt Nam tại xã An Phú, TP Tuy Hòa mà Báo Người Lao Động những ngày qua đã đề cập khi cho triệt hạ gần 116 ha đất rừng phòng hộ mà chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa chuyển mục đích sử dụng rừng thì tỉnh Phú Yên cũng đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Theo đó, tỉnh Phú Yên đã cho chủ đầu tư nộp tổng số tiền trên 6,2 tỉ đồng để tỉnh này trồng lại gần 116 ha rừng giao cho dự án.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2014 đến ngày 10-4-2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Phú Yên đã thu được trên 11 tỉ đồng từ các đơn vị nộp tiền để trồng 198 ha rừng thay thế. Con số này chưa tính đến số tiền vừa nộp và chưa nộp của 2 dự án nói trên. Thế nhưng, tỉnh này chỉ mới giải ngân được 1,7 tỉ đồng để trồng 67 ha rừng.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-3 về việc chưa có phương án trồng rừng thay thế mà vẫn cho chặt hạ rừng để giao đất thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế thừa nhận có khó khăn trong việc tìm quỹ đất “vì diện tích còn lại manh mún và nhỏ”. Còn trước đó, việc tìm quỹ đất để Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ trồng thay thế cho diện tích rừng bị mất khi làm thủy điện Sông Ba Hạ chật vật, cuối cùng phải cho công ty này nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Khó khăn khi tìm quỹ đất để chủ đầu tư trồng rừng thay thế thì cũng sẽ không dễ tìm ra đất để địa phương xuất quỹ trồng lại rừng. Trong khi đó, Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế của Bộ NN-PTNT quy định rõ: “Diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác”.

Phần lớn chọn nộp tiền

Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện trồng rừng thay thế là hơn 4.346 ha. Trong đó, diện tích các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước là hơn 3.428 ha, các dự án sử dụng vốn doanh nghiệp (DN) là gần 918 ha (chủ yếu làm thủy điện, khai thác khoáng sản). Trong số 918 ha rừng chuyển đổi của các DN, chỉ có 139 ha rừng các chủ đầu tư trực tiếp trồng rừng thay thế, số còn lại chọn phương án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Ông Tào Huy Nam, cán bộ Phòng Sử dụng rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết nhiều dự án hiện vẫn chưa tiến hành trồng rừng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. “Nhiều dự án đã khai thác xong hoặc chuyển dự án cho đơn vị khác nên rất khó liên lạc. Thậm chí, nhiều đơn vị khi đoàn kiểm tra làm việc nhưng không hợp tác, không liên lạc được. Đối với các dự án này, chúng tôi đã có văn bản tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xử lý cương quyết” – ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, khó khăn nhất hiện nay là những dự án vốn nhà nước vẫn chưa có kinh phí để thực hiện trồng thay thế hơn 3.428 ha. Trong đó có các dự án lớn như xây dựng công trình hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơr với hơn 2.783 ha. Hiện các dự án này vẫn đang chờ kinh phí từ trung ương.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện nay, toàn tỉnh có 57 dự án phải trồng rừng thay thế theo quy định với tổng diện tích rừng đã chuyển đổi là 2.277 ha nhưng đến nay chỉ mới trồng được 367 ha. Phần lớn các dự án chuyển đổi rừng của các DN kinh doanh đã chọn phương án đóng tiền cho tỉnh thực hiện việc trồng rừng thay thế. Tuy nhiên hiện nay, còn nhiều dự án kinh doanh của các DN chưa thực hiện việc đóng tiền nên cơ quan chức năng chưa thể trồng rừng thay thế. Đơn cử như Công ty CP SX-KD NL Dệt may Việt Nam trồng 98 ha rừng thay thế với tổng số tiền phải nộp là hơn 8,2 tỉ đồng nhưng chưa đóng đồng nào; Công ty TNHH Hoàn Vũ phải nộp 5,4 tỉ đồng để trồng gần 65 ha rừng thay thế nhưng đơn vị vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Trần Đức Thanh, Vụ phó Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các dự án gặp khó khăn trong việc trồng rừng thay thế do không bố trí được quỹ đất trong khi nếu DN đóng tiền để trồng rừng cũng chỉ thực hiện trên diện tích đất lâm nghiệp có rừng bị phá, chứ không trồng trên diện tích đất mới để bù đắp diện tích rừng đã mất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì làm rõ việc phá rừng phòng hộ ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và báo cáo kết quả trước ngày 30-5.

Các nguyên lãnh đạo phản ứng

Chiều cùng ngày, trong cuộc gặp của Tỉnh ủy Phú Yên với nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ nhân kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, UBND tỉnh đưa ra một báo cáo liên quan đến việc phá rừng phòng hộ làm sân golf của dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam.

Nhiều ý kiến phản ứng rất mạnh mẽ của các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Trong đó, nhấn mạnh đối với vụ phá rừng tự nhiên nuôi bò thịt chất lượng cao ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh đang được Bộ NN-PTNT thanh tra, bất luận kết luận thanh tra như thế nào thì vẫn không được lấy 2 tiểu khu 310 và 311 để trồng cỏ nuôi bò. Còn ở dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam thì phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không dùng rừng phòng hộ để làm sân golf.


Không mấy ý nghĩa

PGS-TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, cho rằng rừng tự nhiên có hệ sinh thái đa dạng, nhiều chức năng về môi trường, bảo tồn; còn rừng trồng có hệ sinh thái rất đơn giản, ít giá trị về mặt sinh học…

Về mặt tổng thể, nếu DN đóng tiền cho nhà nước thì nhà nước cũng chỉ trồng rừng thay thế trên đất lâm nghiệp nên không bù đắp được diện tích rừng đã mất. “Do đó, nhà nước cần xem lại chính sách này để cân nhắc việc chuyển đổi rừng làm các dự án kinh tế” – PGS-TS Bảo Huy nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Khó bù rừng đã mất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.