Thứ sáu, 29/03/2024 03:37 (GMT+7)

“Chảy máu” cát sỏi lòng sông: Đã rõ nguyên nhân, sao vẫn khó xử lý?

MTĐT -  Thứ ba, 14/04/2020 14:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù hoạt động khai thác trái phép khoáng sản đã liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, song vấn nạn “cát tặc” vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên, trong năm 2017. 

 Thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát về quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ Luật đến thực tiễn; đưa ra các giải pháp mạnh để ngăn chặn hiện tượng khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, hoạt động khai thác cát, cuội sỏi bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, ngoài việc thất thoát tài nguyên còn gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng xấu đến môi trường, môi sinh, khiến cử tri tại nhiều địa phương lo lắng.

“Cát tặc” diễn ra bất kể ngày, đêm

Trong phần kiến nghị gửi tới Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) mới đây, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc khai thác cát tràn lan là một trong các nguyên nhân gây sạt lở bờ sông ở nhiều địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Vì thế, để ngăn hạn chế trạng sạt lở trên, cử tri tỉnh này đã đề nghị Trung ương cần có nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình hình khai thác cát trái phép.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn, mới đây, cử tri tỉnh Bến Tre cũng đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý nạn khai thác cát trái phép, phá rừng.

Theo cử tri tỉnh Bến Tre, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nhà cửa, đất đai hoa màu, xói mòn đất ven sông, ven biển là bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay rất lớn đã gây ra xâm thực, nước biển dâng, triều cường.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân khác là do nạn khai thác rừng bừa bãi, khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch làm thay đổi dòng chảy…

Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ TN&MT cũng khẳng định hiện nay, hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông trái phép vẫn còn diễn ra tại một số địa phương trong cả nước. Thực trạng này không chỉ gây thất thoát khoáng sản, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, môi sinh như phản ánh của nhân dân và cử tri.

Tàu hút công suất lớn nhiều thời điểm vẫn ồ ạt "rút ruột" lòng sông Hồng.

Điều đáng nói là, trong khi cả nước đang chấp hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc, những ngày gần đây, một số đối tượng còn lợi dụng việc này để điều tàu công suất lớn “rút ruột” cát sông Hồng trái phép tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội.

Theo Bộ TN&MT, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua do các nguyên nhân như nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình hạ tầng ngày càng lớn, cung không đủ cầu; công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt.

Ở một số nơi, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra bất kể ngày - đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã khi buông lỏng quản lý để hoạt động khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.

Nhiều địa phương cũng chưa có sự phối hợp trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ở khu vực có chung địa giới hành chính của hai huyện hoặc hai tỉnh trở lên; xử lý chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ và kịp thời đối với hoạt động khai thác trái phép. Mặt khác, lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, số lượng, hạn chế về kinh phí, phương tiện.

Về khía cạnh Luật, mặc dù Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực đã được hơn 8 năm, nhưng đến nay có nhiều chính sách, quy định pháp luật liên quan đến môi trường, đất đai, tài nguyên nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới nên có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Cương quyết xử lý người đứng đầu

Từ thực tế nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong thời gian tới cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hoàn thành công tác đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật khoáng sản và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh-kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khai thác thực tế; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.

Hoạt động khai thác cát tại một mỏ cát ở km 17, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. 

Bộ cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh-kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương chấp hành triển khai Nghị định số 23/2020/NĐCP về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông đã được Chính phủ ban hành ngày 24.2; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10.4.2020.

Theo đó, việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi; bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa, hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa, các pháp luật khác có liên quan cũng như đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Hoạt động xây dựng công trình thủy phải đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông cũng như đáp ứng các yêu cầu không làm cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông, không làm giảm khả năng tiêu, thoát lũ; bảo đảm sự ổn định của bờ sông, không làm gia tăng nguy cơ xói, lở bờ sông.

Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ TN&MT về kết quả đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và dự kiến phương án thực hiện trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10.5.2020 quy định các hành vi vi phạm có mức phạt tăng nặng hơn so với quy định trước đây nhằm tăng sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Với những quy định trên, “Nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông,” Bộ TN&MT nhận định.

Theo Người đô thị 

Bạn đang đọc bài viết “Chảy máu” cát sỏi lòng sông: Đã rõ nguyên nhân, sao vẫn khó xử lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.