Thứ sáu, 29/03/2024 17:20 (GMT+7)

Cả vùng quê 'điêu tàn' vì… 'cát tặc'

Phạm Trang - Khánh An -  Thứ sáu, 06/10/2017 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách khốn khổ vì đất nông nghiệp bị sạt lở từ hoạt động khai thác cát trái phép

 Cách đây vài năm, phù sa bồi lắng đem đến cho những dân làng ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách một bãi bồi ven sông màu mỡ. Người dân nơi đây đã bám víu lấy mảnh đất đầy “vàng” thiên nhiên ban tặng làm kế sinh nhai bao đời. Cho đến khi những "kẻ lạ mặt" tới…

Những người đi đốn củi, nhặt ốc…

Đất Nam Sách xưa nay vẫn nổi tiếng là nơi con người đến sinh cơ lập nghiệp từ rất sớm. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất yên bình này một con sông đầy phù sa bao bọc. Người dân Nam Sách vốn nổi tiếng cần cù, chăm chỉ. Vụ mùa cà rốt kết thúc, họ lại luân canh ngô, rau, kinh tế nhà nào cũng khấm khá. Khi đủ ăn, họ xây nhà, dựng cửa, lo cho con cái lên thành phố học.

Vùng quê yên bình dần trở nên trù phú, những ngôi nhà khang trang, xe máy đắt tiền xuất hiện trên những con đê vào làng. Sự cần cù của họ cũng làm nên một làng nghề thủ công nổi tiếng – Gốm Chu Đậu.

Chòi canh gác do người dân tự xây dựng chống cát tặc 

 Tuy nhiên, vài năm gần đây, bức tranh tươi sáng của làng quê yên bình đã không còn. Những kẻ lạ mặt từ khắp nơi đổ đến, mang theo hàng chục con tàu sắt khổng lồ, phình phịch suốt đêm, sẵn sàng thả vòi rồng sục thẳng xuống lòng sông, những hố sâu do hút cát đã lên tới cả chục mét.

Trò chuyện với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ông Phạm Văn Hiển – Trưởng thôn Tân Thắng nhớ lại: "Ngày đầu tiên những con tàu xa lạ “cập bến” vùng quê yên bình là lúc chúng bắt đầu khai thác ở đây từ đầu năm 2015. Trước đó dân làng chúng tôi vẫn sinh sống bằng các vụ mùa luân canh trên mảnh đất ven sông này. Nhà nào ít mỗi năm cũng vài chục triệu, nhà nào nhiều có khi hàng trăm triệu. Từ ngày chúng nó đến, sông lở thêm cả hàng trăm mét, ruộng của bà con thành đất trôi sông, hoa màu theo đất thành mồi cho hà bá”.

Về xã Thái Tân, chứng kiến những mảnh ruộng bị sạt lở, con sông Thái Bình ôn nhu bỗng dưng há miệng to như hà bá, chực chờ “nuốt sống” nốt mấy luống ruộng trơ trọi của con người, chúng tôi mới thấm thía nỗi xót xa của những người nông dân nơi đây. Trò chuyện với bà con, chúng tôi được nghe kể lại về câu chuyện của những người sinh nhai bằng việc nhặt ốc, đốn củi…

Có người sau một đêm “bốc hơi” cả xào ruộng, đứng ven sông ôm mặt khóc tức tưởi, có người mất trắng đất làm nông, đi làm thuê cho người khác, cũng có người vì không còn đất canh tác mà quanh năm đi đốn củi, nhặt ốc.

Cả vùng quê trù phú ngày nào giờ điêu tàn, không đếm nổi bao nhiêu mẫu ruộng đã trôi sông vì cát tặc.

“Chúng tôi phải bảo vệ mạng sống của mình!”

Từ đầu buổi nói chuyện, người phụ nữ chỉ ngồi im lặng, thi thoảng rót thêm nước cho mọi người, bỗng dưng lên tiếng: “Dân chúng tao mất hết đất rồi, sống bằng gì đây”?

Người phụ nữ có gương mặt gầy gò, lam lũ chính là vợ của Trưởng thôn Phạm Văn Hiển. Bà kể, gia đình bà có gần 3 xào ruộng, nhờ chăm chỉ luân canh, năm nào nhà bà cũng kiếm được ba chục triệu mỗi xào.

Ấy vậy mà từ khi những kẻ khai thác cát trái phép đến, chúng hoạt động rầm rộ suốt đêm, hơn một xào ruộng của bà bị vùi lấp xuống lòng sông vĩnh viễn.

Người nông dân coi đất sản xuất là kế sinh nhai, là mạng sống của cả gia đình. Những cuộc đôi co, xung đột, bạo lực hàng đêm vẫn diễn ra đều đặn trên ven sông Thái Bình. Không giống những xã bên cạnh im ắng vào ban đêm, ở thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, 11 giờ đêm nơi đây mới thực sự bước vào cuộc chiến.

Ông Phạm Văn Hiển cho biết: “Những ngày đầu, dân làng chỉ ném đá, xua đuổi tàu cát tặc, nhưng chúng không hề sợ. Đuổi chỗ này, chúng ra chỗ khác hút, thậm chí vừa di chuyển vừa hút, nếu không thì chúng chỉ đi được vài tiếng rồi lại quay lại”.

“Đối với chúng tôi, đất là mạng sống nên người dân bằng mọi giá phải giữ lại đất của mình, được chỗ nào, hay chỗ ấy. Tháng 11/2016, chúng tôi tự đứng ra thành lập đội tự quản khoảng 30 người ngày đêm ở chòi trông coi cát tặc.

Trước đây, chúng không sợ, thậm chí người dân bơi xuống chúng còn ném đá lại, vì không có phương tiện nên chúng tôi đành chịu. Vừa rồi, cả dân làng chung tay góp được gần 20 triệu mới mua được chiếc xuồng, xuồng của người dân, người dân tự học lái, tự xua đuổi cát tặc” – ông Hiển nói thêm.

Tiếp xúc với PV ông Vũ Đình Thu, một người dân đã ngoài 60 tuổi, tóc bạc trắng hàng đêm vẫn phải ra chòi trông coi kẻ hút cát. Ông cho biết, từ khi nạn cát tặc hoành hành ở thôn Tân Thắng, gia đình ông đã bị “bay” mất hơn một xào ruộng. Nhiều đêm cả dân làng bao vây bắt tàu cát tặc, chúng chống trả quyết liệt, ném đá, thậm chí chĩa cả vòi rồng phun về phía người dân.

Theo những người dân ở đây ra vùng đất bãi ven sông, chúng tôi mới hiểu được nơi đây chưa một ngày yên bình. Từ chòi canh gác nhìn sang phía hai bên là quang cảnh thảm hại của những mảnh ruộng bị sạt lở, chỗ tiếp xúc với dòng sông bị hoắm lại, cao tới 5 mét hệt như những chiếc răng quỷ.

--Cận cảnh ruộng của người dân bị sạt lở

 Bên cạnh chòi gác như một bãi chiến trường với đủ các loại “vũ khí”, mấy chục trai bia và đá, viên nào viên nấy to bằng cả nắm tay.

Ông Hiển chỉ tay vào bãi chai lọ nói: “Dân chúng tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị những thứ này, sẵn sàng tấn công khi có tàu cát tặc đến.

Thế mà chúng có sợ đâu, ném chúng chúng lại ném lại, rồi chúng phun vòi rồng, người nào lái xuồng ra phải mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm mới an toàn”.

Bên trong chòi canh gác, người dân trang bị cả áo phao, quyển sổ ghi kín mít lịch phân công canh gác của những người trong đội tự quản.

"Vũ khí" của người dân chống "cát tặc"


Cho đến bây giờ, rất nhiều người dân thôn Tân Thắng vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao những kẻ lạ mặt lại đến vùng quê yên bình này để hủy hoại cuộc sống của họ, cướp đi sự bình yên vốn có của bãi bồi trầm lặng ven sông.

Có lẽ, mấy chục năm nữa, những người dân nơi đây sẽ phải đau xót chỉ về con sông Thái Bình mà nói với con cháu tha phương: “Chúng ta đã từng sống hòa bình với sông, đã gắn cả tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ ở nơi này cho đến khi ruộng của chúng ta mất, đất của chúng ta không còn vì những kẻ đã “dâng” tài sản của chúng ta cho hà bá”. 

Phải chăng chính quyền địa phương đã "bất lực" trước vấn nạn "cát tặc" hay còn cò điều gì uẩn khúc bên trong. Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Cả vùng quê 'điêu tàn' vì… 'cát tặc'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.