Thứ bảy, 20/04/2024 20:54 (GMT+7)

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đang chết mòn vì ô nhiễm, xâm lấn

MTĐT -  Thứ tư, 31/07/2019 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải- hệ thống tưới tiêu quan trọng bậc nhất đồng bắc Bắc Bộ đang chết mòn vì nước thải và các công trình sai phép.

Hệ thống thủ nông Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232 km và hơn 2.000 km kênh nhánh các loại, chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Nguồn nước cấp cho hệ thống Bắc Hưng Hải lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho 185.000 ha đất canh tác thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần của Hà Nội. Đây cũng là hệ thống, cung cấp nước sử dụng cho nhiều mục đích khác như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất của các làng nghề, cho nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng mà hệ thống thủy lợi này đi ngang qua.

Thế nhưng, hiện nay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã trở thành nơi tiếp nhận nước thải từ các đơn vị sản xuất, các bệnh viện, làng nghề, dân sinh, cơ sở chăn nuôi, thậm chí cả rác thải khiến hệ thống sông tưới tiêu quan trọng bậc nhất đồng bắc Bắc Bộ đang chết mòn...

Một công trình không phép xây dựngsát sông Bắc Hưng Hải địa bàn xã Vĩnh Khúc.

Một trong những nguồn gây ô nhiễm nặng nhất cho hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải đó là nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu đô thị, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Hàng ngày, các khu công nghiệp Sài Đồng A, Sài Đồng B, cụm công nghiệp Đức Giang, các khu đô thị, khu dân cư, các doanh nghiệp trên địa bàn đang xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó, trên 90% mẫu nước xả thải của các khu đô thị, doanh nghiệp vượt ngưỡng cho phép. Nhiều doanh nghiệp xả thẳng ra sông mà không có hệ thống xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, hàng loạt công trình xây dựng trái phép vi phạm hành lang bảo vệ kênh Bắc Hưng Hải, đe dọa đến an toàn của toàn hệ thống. Năng lực hoạt động của công trình thủy lợi bị hạn chế, công trình mất an toàn trước những diễn biến bất lợi của thời tiết. Các “điểm nóng” vi phạm có thể kể đến đoạn qua các huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây đoạn đi qua xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, chỉ dài vài km nhưng có đến hơn chục công trình trái phép, đóng cọc, kè vượt ra lòng kênh. Tương tự, tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang nhiều công trình tự ý xây dựng trái phép mới khiến người dân bức xúc.

Việc lấn chiếm hành lang kênh, lòng kênh để các làm trang trại hay công trình dân sinh còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, bởi chất thải từ các trại nuôi lợn, hay nước sinh hoạt gia đình đều đổ thẳng xuống dòng kênh.

Một công trình vi phạm khác trên sông Bắc Hưng Hải.

Theo ghi nhận của PV, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt công trình vi phạm đang xây dựng và cả những công trình mới hoàn thiện. Đơn cử như trường hợp các gia đình ông Ngô Xuân Trường, tự ý đổ móng bê tông xây tường bao, hay gia đình ông Đào Ngọc Thao tự ý đổ móng lấn chiếm lòng sông nay đã xây hoàn thiện căn nhà cấp 4; Nhà bà Nhung đóng cọc xuống lòng sông, đã xây xong tầng 1, hiện tại quây tôn toàn bộ công trình, bên trong vẫn đang có công nhân thi công… Tất cả những công trình này đều cách không xa trụ sở UBND xã Vĩnh Khúc.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, tổng số vụ vi phạm trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải từ 2012 đến nay là 885 vụ, trong đó xử lý giải tỏa được 243 vụ. Điều đáng nói là các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm xử lý các vi phạm công trình thủy lợi. Đặc biệt là UBND các xã địa bàn có cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp vi phạm nhưng không tổ chức biện pháp ngăn chặn vi phạm từ đầu. Đối với việc xử lý cũng chưa có sự phối hợp, còn tình trạng né tránh, nể nang trong xử lý vi phạm.

Chỉ riêng huyện Văn Giang, Hưng Yên, trong tháng 3/2019, báo cáo về vi phạm công trình của Trạm quản lý công trình Xuân Quan cho thấy, đã phát hiện công trình mới phát sinh, lập biên bản với 5 trường hợp. “Chúng tôi chỉ có thể lập biên bản đến lần thứ 3, nếu chính quyền địa phương không xử lý thì chuyển hồ sơ về Tổng cục Thủy lợi”, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết.

Ông Khương Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang thừa nhận, trên địa  bàn liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm xây dựng tại hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, có những công trình chính quyền đã xử lý, tuy nhiên người dân vẫn lén lút tiếp tục làm. Theo ông Sinh, chính quyền gặp khó trong xử lý vi phạm một phần do lịch sử để lại, do đặc thù kênh Bắc Hưng Hải là “dân có trước kênh”. Khi còn tỉnh Hải Hưng, nhiều xã có chủ trương “khoán thầu dài hạn” - thực chất là bán đất để có tiền đầu tư đường sá, trường học… Qua rà soát, có 314 trường hợp mua bán tại lưu vực sông Bắc Hưng Hải đoạn qua xã, trong đó đã xây dựng 248 trường hợp, còn lại 66 chưa xây dựng. Ông Sinh cũng thông tin, xã không cấp phép xây dựng cho bất cứ trường hợp nào tại hành lang bảo vệ kênh Bắc Hưng Hải.

Một trang trại chất thải chăn nuôi đổ thẳng xuống dòng sông.

“Đa số các trường vi phạm phát sinh mới đều là sửa chữa cải tạo. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cố tình làm sai, lãnh đạo xã Vĩnh Khúc nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm mặc dù đã xử lý quyết liệt nhưng người ta vẫn lén lút xây dựng”, ông Sinh nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Cương - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Văn Giang cũng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép, đảm bảo an toàn dòng chảy kênh Bắc Hưng Hải huyện đã ban hành nhiều văn bản tới 10 xã, 1 thị trấn thực hiện cơ bản việc rà soát, phân loại các trường hợp xây dựng ven sông. Xã bán đất là sai nhưng do lịch sử để lại, thời điểm mà công tác quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ. Các xã Vĩnh Khúc, Nghĩa Trụ (2 xã có sông chảy qua) đã rà soát, thống kê vi phạm, để báo cáo lên tỉnh. “Các công trình cũ thì là đất xen kẹt rất khó xử lý, nhưng những công trình mới thì chúng tôi kiên quyết xử lý”, ông Cương nói./.

Theo vov

Bạn đang đọc bài viết Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đang chết mòn vì ô nhiễm, xâm lấn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất