Thứ bảy, 20/04/2024 14:34 (GMT+7)

Khai thác titan ở Việt Nam: Cần những giải pháp mang tính lâu dài

PV (TH) -  Thứ tư, 21/03/2018 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù là một trong những nước có trữ lượng titan lớn nhất thế giới nhưng do sự buông lỏng trong quản lý dẫn đến việc khai thác bừa bãi, nguồn titan ở nước ta đang ngày càng cạn kiệt.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, những sản phẩm từ quặng titan đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở nước ta. Tuy nhiên việc quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên quý giá này vẫn còn nhiều bất cập.

Từ năm 1990, ở Việt Nam bắt đầu hình thành công nghiệp khai thác, tuyển quặng titan với sản lượng ngày càng tăng. Gần 20 năm qua, riêng các đơn vị trong Hiệp hội Titan Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ tổng cộng 3.858.874 tấn quặng tinh các loại. Trừ một số ít quặng tinh ilmenit và zircon được sử dụng trong nước còn lại phần lớn quặng tinh các loại được xuất khẩu.

Theo Kỹ sư Trương Đức Chính, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Việt Nam có nguồn tài nguyên titan đáng kể bao gồm cả quặng sa khoáng và quặng gốc. Quặng titan gốc tập trung chủ yếu ở khu vực Thái Nguyên (mỏ Cây Châm và các vùng xung quanh). Trữ lượng xác định và tài nguyên dự báo quặng titan gốc được đánh giá khoảng 7,8 triệu tấn, trong đó trữ lượng đã xác định là 4,83 triệu tấn.

Các mỏ khai thác titan nằm gần khu dân cư khiến người dân bức xúc.

Quặng titan sa khoáng bờ biển phân bố chủ yếu ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó tập trung ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận vớí trữ lượng đã xác định khoảng 9,2 triệu tấn.

Tổng trữ lượng titan đã xác định khoảng 14 triệu tấn (chiếm 41%) và tài nguyên dự báo khoảng 20,5 triệu tấn (chiếm 59%). Xét về quy mô tài nguyên titan, Việt Nam hiện nay đứng vào hàng thứ 11 các nước có trữ lượng titan lớn nhất của thế giới.

Tuy nhiên, do nhu cầu quặng tinh titan thế giới tăng cao nên số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác, tuyển thô quặng titan tăng khá nhiều. Đáng nói những đơn vị này không đủ tiềm lực chuyên môn. Vì vậy, tình trạng khai thác bừa bãi diễn ra, làm thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường, xuất lậu quặng thô, gây thiệt hại kinh tế đất nước.

Chỉ riêng khu vực miền Trung, đã có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác.

Khai thác titan ở một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Dọc các bãi biển miền Trung, công trường khai thác titan mọc lên như nấm. Người dân có thể lấy titan trên nền cát đen một cách dễ dàng, chỉ cần bóc lớp cát vài mét là đã lộ quặng và có thể khai thác đến độ sâu 10-16m.

Thực tế đáng buồn trên đã xảy ra ở nhiều địa phương, theo thông tin trên CAND, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác titan ở Bình Thuận xây dựng tác động môi trường giống như làm cho có để hợp thức hóa việc cấp phép, còn sau đó thì vi phạm tràn lan.

Theo các báo cáo về tình hình khai thác, quản lý titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, rất khó có thể tìm ra số liệu có bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng nằm trong khu vực quy hoạch khai thác titan.

Khi các mỏ khai thác titan ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng, tháng 9/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lập đoàn tiến hành thanh tra tại mỏ khai khác của Công ty TNHH Phú Hiệp.

Đây là DN được Bộ TN&MT cấp phép vào năm 2010 với tổng diện tích khai thác là 807ha tại khu vực Long Sơn-Suối Nước (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), công suất khai thác 213 ngàn tấn/năm, thời hạn khai thác 12 năm.

Tại thời điểm kiểm tra, DN chưa có giấy phép hành nghề, chưa nộp báo cáo tác động môi trường định kỳ 6 tháng đầu năm 2014. DN xây dựng xưởng tuyển tinh quặng sa khoáng trên khuôn viên 2ha tuy nhiên không có hồ sơ về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nước sử dụng khai thác quặng lấy từ nước ngầm nhưng công ty chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất.

Về chất thải nguy hại (CTNH), DN có xây dựng khu lưu trữ nhưng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định: Chưa có rãnh thu gom và xử lý nước chảy tràn; chưa có thiết bị phòng chống sự cố do CTNH gây ra; để CTNH vương vãi ra môi trường đất và nước…

Đặc biệt, về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có chứa tính phóng xạ, DN không có biển báo, không có kho lưu chứa titan và các thiết bị phóng xạ; không có hệ thống xử lý nước thải quặng; không có lớp lót đáy nhằm thu gom và xử lý nước tại các bãi quặng, bãi chứa quặng, kho chứa titan…

Cũng nằm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH Đức Cảnh được cấp phép khai diện tích 64,5ha tại khu vực Thiện Ái 2, xã Hòa thắng, huyện Bắc Bình; trữ lượng khai thác 44.617 tấn, thời gian khai thác là 14,5 năm.

Tháng 8/2013, Sở TN&MT Bình Thuận đã cấp giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án khai thác.

Thế nhưng sau khi khai thác được khoảng 11ha, công ty vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo tác động môi trường.

Ngày 20/9/2016, UBND tỉnh có yêu cầu DN dừng khai thác để khắc phục các tồn tại, nếu đủ điều kiện mới cho phép hoạt động khai thác trở lại.

Điều đáng nói, với những sai phạm này, lẽ ra cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm đối với DN này. Nhưng đến ngày 2/2/2017, Bộ TN&MT có văn bản đồng ý cho DN này điều chỉnh hướng khai thác và mở moong mới tại khu vực Thiện Ái 2.

Cũng liên quan đến vấn nạn khai thác titan trái phép, vào hồi tháng 4/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động khai thác titan trái phép đối với ba doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mỹ Tài, Tấn Phát và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Ban Mai.

Theo đó, giấy phép khai thác titan được UBND tỉnh cấp cho 3 doanh nghiệp này đã hết hạn từ cuối năm 2013.

Sau đó, địa phương yêu cầu ba đơn vị thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường trên toàn bộ diện tích đã khai thác trước ngày 30/8/2015, lập hồ sơ trả mỏ theo quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, 3 công ty này vẫn lén lút thuê lao động, huy động máy móc để khai thác titan ở huyện Phù Mỹ.

Bạn đang đọc bài viết Khai thác titan ở Việt Nam: Cần những giải pháp mang tính lâu dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ