Thứ sáu, 29/03/2024 15:26 (GMT+7)

Nơi “cát tặc” hoành hành

MTĐT -  Thứ sáu, 05/07/2019 12:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm nay lòng hồ Dầu Tiếng và đoạn sông đầu nguồn trở thành nơi “cát tặc” đua nhau cắm vòi hút cát bất kể ngày đêm. Nước hồ từ màu xanh biếc trở nên ô nhiễm, đục ngầu.

Nằm trên ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, với diện tích 27.000 ha, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Thế nhưng, nhiều năm nay lòng hồ và đoạn sông đầu nguồn trở thành nơi “cát tặc” đua nhau cắm vòi hút cát bất kể ngày đêm. Nước hồ từ màu xanh biếc trở nên ô nhiễm, đục ngầu.

Ngang nhiên

Chiếc ghe đưa chúng tôi đi trên lòng hồ Dầu Tiếng (thượng nguồn đổ ra sông Sài Gòn) mùa này ngầu đục màu… cát. Chưa vào mùa nước lớn (khoảng tháng 10 trở đi) nên đây chính là mùa của dân làm cát lậu ở mọi nơi đổ về ấp Bàu Lùng. Ghe chúng tôi đi ngang một cụm 2-3 sà lan đang hối hả hút cát, anh Trần Quốc Tuấn (40 tuổi, ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước)  chỉ tay nói: “Đó, mấy anh thấy tụi nó ngang nhiên chưa, giữa ban ngày ban mặt mà dám “chơi” như vậy, chứng tỏ tụi nó chẳng sợ ai”. Thấy chúng tôi lấy máy ghi hình, những người hút cát trên sà lan còn… cười, quả nhiên dân làm cát lậu chẳng sợ ai thật.

Đoàn sà lan hút cát giữa ban ngày trên sông qua ấp Bàu Lùng

Ghe đi ngang một eo sông nhỏ, anh Tuấn cho biết, chỗ này hai năm về trước đám đất ngập nước, mùa này dân còn đi bộ qua được. Bây giờ, nó đã trở thành một con rạch. Hàng chục mẫu đất ở đây đã biến mất một cách… thần kỳ. Ghe tiếp tục đi, rồi cặp cả hai bên bờ, bên lở bên bồi. Đập vào mắt chúng tôi hàng loạt sà lan đang nổ máy phành phạch hút cát ngay giữa lòng sông. Anh Tuấn cho biết, cao điểm thì có khoảng 10-12 sà lan hút cát tập trung ở đoạn sông ấp Bàu Lùng này.

Mỗi sàn lan vươn hàng chục vòi hút cát cắm xuống lòng sông hoạt động suốt ngày đêm. Nạn hút cát lậu đã làm bờ sông sụp lở nghiêm trọng. Riêng khu đất vườn của gia đình anh Tuấn, trồng cao su, trồng mì 2 năm nay bị sông nuốt mất gần 2,5 mẫu. Đau đến thắt ruột mà chẳng biết làm sao. Nhiều đêm, nằm mà nước mắt lưng tròng, chỉ muốn “ăn thua đủ với tụi nó một lần”. Có chứng kiến tiếng máy nổ chát chúa loang xa cả khúc sông, thấy tận mắt hai bên bờ sông lở loét mà trước đó là vườn tược trù phú, rồi những chiếc ghe quăng chài, đặt đơm đặt đó… của người dân nơi đây, mới cảm mới thấu được nỗi đau mất đi mảnh đất, mất đi sinh kế từ con sông mà bao đời người dân đã bám trụ, sinh sống. “Tất cả vì nạn làm cát lậu này. Lòng sông giờ như rỗng không, đất hai bên bờ mất chân thì làm sao mà không đổ ập xuống lòng sông cho được”, anh Tuấn đau đớn thốt lên.

Ngư dân hụp lặn bắt cá trong dòng nước hồ đục ngầu màu cát.

“Một mẫu đất ở đây, sang tay cũng được cả tỷ bạc, bây giờ bỗng mất trắng thì ai mà không đau”, anh Tuấn nói. Nhưng quan trọng hơn, đó là mảnh đất sinh ra hoa lợi từ những vườn mì, vườn trồng hoa màu, cây trái nuôi sống người dân ở đây. Mà đâu chỉ riêng đất của anh Tuấn, quanh đoạn sông chảy qua ấp Bàu Lùng này, còn có đất của ông Bon, ông Lượm, bà Tám, bà Tiểng, của chị Hai, chị Bảy… ai cũng mất từ vài công đất đến cả héc ta vì cát tặc. Và họ khẳng định sẽ còn mất nữa trong nay mai.

Cũng ở trên đất ấp này, chỉ cách bờ sông khoảng vài trăm mét là một bãi tập kết cát khổng lồ, rộng cả chục mẫu mà hình ảnh ấn tượng nhất là những xe xúc, xe cẩu, xe xáng hối hả xúc cát lên hàng đoàn xe ben “ăn” cát trên con đường từ ấp ra huyện, rồi đi đến đâu không biết. Đó là hình ảnh diễn ra hàng ngày, hàng giờ bất kể ngày đêm mà người dân nơi đây chỉ biết… trơ mắt nhìn, vì kêu trời không thấu! Nhiều năm qua, bà con viết không biết bao tờ đơn gửi lên các cơ quan có thẩm quyền ở xã, ở huyện rồi tỉnh. Nhưng những tờ đơn này, đều được chuyển đi chuyển lại lòng vòng rồi… biến mất. Trong khi, hàng chục sà lan vẫn ngang nhiên cắm vòi xuống lòng sông hối hả hút cát. Hút hết tài sản, tài nguyên, sinh kế của người dân.

Nỗi sợ… cho ngày mai      

Ghé căn chòi canh vó cá bên bờ sông của anh Võ Hoàng Bon (quê Đồng Tháp, 43 tuổi), người theo gia đình đến đây lập nghiệp từ lúc 9 tuổi. Bên ly trà nóng, nhìn ra khúc sông trắng lóa bởi nắng nóng như thiêu đốt, nghe anh kể chuyện hôm nay mà sợ cho ngày mai. Anh Bon trải lòng, nguồn thủy sản ở đây là do hồ Dầu Tiếng đổ ra nên cá tôm nhiều lắm. Một ngày cất vó của anh trước đây khoảng chục năm được hàng trăm ký cá, tôm. Nhiều nhất là cá lăng, trắm, rô mè, rồi cá linh, tôm càng, tôm sú… Bây giờ, một ngày cất vó may lắm chỉ được vài ký cá, đủ cho gia đình sống qua ngày.

Điều anh lo nhất, cứ tình trạng hút cát “tàn canh gió lạnh” thế này, nguồn cá rồi các loại thủy sinh khác sẽ không còn nữa. Cái vó của anh cùng hàng chục vó của người dân ở đoạn sông này sẽ… đành phải cất đi. Gia đình anh đến giờ vẫn chưa có đất, có nhà, vẫn ở thuê trên đất “người ta”. Vó cá hàng năm đều phải đóng tiền cho ấp, cho xã. Đứa con trai của anh, anh cũng phải gửi về Bến Tre quê vợ để có cơ hội đi học, kiếm chút tương lai. Còn gia đình anh Tuấn thì “không dám trồng gì bên bờ sông nữa, bởi xuống giống rồi đến mùa nước lớn cả mảnh vườn có thể ùm xuống sông mất cả tiền lẫn đất”. Con sông vỗ về nuôi nấng người dân nơi đây bao đời nay, bỗng nhiên thành con sông dữ. Nó không còn mang về cá tôm, nó “nuốt đất”… lấy đi sự mưu sinh của bao con người. Tất cả đều do nạn khai thác cát đến cùng kiệt mà ra.

Trước tình trạng khai thác cát trái phép ở hồ Dầu Tiếng, Công an Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tổ chức hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng. Nhiều lãnh đạo thốt lên bất lực trước nạn… cát tặc!

Tình hình khai thác cát trái phép trên lòng hồ chỉ tạm ngưng trong thời gian lực lượng đi kiểm tra, sau đó hoạt động trở lại với số lượng tàu tham gia lớn hơn.

Theo Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết Nơi “cát tặc” hoành hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.