Thứ năm, 28/03/2024 21:38 (GMT+7)

Sắp đến “ngày tàn” của than?

MTĐT -  Thứ tư, 12/06/2019 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau thỏa thuận Paris ngày 12/12/2015 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, “ngày tàn” của than dường như đang được đếm ngược.

Thỏa thuận chống biếu đổi khí hậu Paris không lên án cụ thể việc sử dụng than đá, nhưng áp lực đối với nó đang gia tăng. Than thực sự là nhiên liệu hóa thạch phát ra nhiều CO2 nhất.   

Năm 2014, khi than đáp ứng 30% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, lượng khí thải CO2 từ than chiếm 46% lượng phát thải của ngành năng lượng. Đối với cùng một sản lượng điện, các nhà máy điện than thải ra lượng khí CO2 gấp đôi so với các nhà máy điện khí. Hiện tại, than chịu trách nhiệm cho 3/4 lượng khí thải CO2 toàn cầu. Than chủ yếu được sử dụng trong ngành điện, chiếm hơn 60% nhu cầu về than trên toàn thế giới (chiếm gần 80% ở châu Âu).

Nếu những số liệu trên củng cố lập luận ủng hộ việc thay thế than bằng năng lượng phi carbon (tái tạo, hạt nhân, khí tự nhiên), thì việc thay thế than không dễ dàng vì nguồn năng lượng này rất kinh tế. Tiêu thụ than thế giới tăng từ 4,6 gigaton (Gt) năm 2000 lên 8Gt năm 2014. Than hiện chiếm 41% sản lượng điện của thế giới.

Một nhà máy điện than ở Ấn Độ.

Năm quốc gia, khu vực (Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và Nhật Bản) chiếm 82% lượng tiêu thụ than toàn cầu. Khả năng thay thế than bằng các nguồn năng lượng khác để bảo đảm cung cấp điện rất khác nhau ở những quốc gia. Ngay cả khi vấn đề khí hậu là khẩn cấp, việc thay thế sẽ diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào tầm quan trọng của than trong hỗn hợp điện của mỗi quốc gia và chi phí thay thế. Ngày nay, đối với nhiều nước châu Á mới nổi, than vẫn là giải pháp rẻ nhất để phát triển nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, tình hình của các nước tiêu thụ than lớn là gì?

Trung Quốc - giảm dần nhiệt điện than

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Tiêu thụ than của Trung Quốc chiếm một nửa nhu cầu than toàn cầu. Từ năm 2000 đến năm 2015, Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần mức tiêu thụ than (từ 1,35Gt lên gần 4,3Gt), chiếm hơn 80% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, sau sự gia tăng mạnh mẽ, nhu cầu than của Trung Quốc đã giảm trong 2 năm liên tiếp (-3,7% năm 2015 và -2,9% năm 2014). Sự suy giảm này là do sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng các ngành công nghiệp ít tiêu tốn năng lượng hơn.

Ngoài ra còn có những yếu tố ảnh hưởng khác. Để chống lại ô nhiễm cục bộ tại các thành phố lớn ven biển phía Đông đất nước, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải hạt bụi siêu mịn (PM 2.5).

Mục tiêu chung của Trung Quốc là giảm tỉ trọng than trong hỗn hợp năng lượng và đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trước tình trạng dư thừa trong lĩnh vực điện, Trung Quốc đang chuẩn bị ra lệnh cho 29 trong số 31 tỉnh đình chỉ tất cả các dự án nhà máy nhiệt điện than hiện đang được cấp phép. Ngoài ra, một thị trường carbon quốc gia cũng đã được hình thành tại Trung Quốc từ năm 2017.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố giảm dần tỷ lệ than trong hỗn hợp năng lượng của đất nước: Từ 66% vào năm 2014, xuống dưới 62% vào năm 2020 và 55% vào năm 2030. Trung Quốc tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, hạt nhân và khí đốt tự nhiên. Năng lượng phi hóa thạch chiếm 20% mức năng lượng vào năm 2030 so với 11% vào năm 2014.

Do đó, người ta có thể mong đợi mức tiêu thụ than của Trung Quốc giảm hơn nữa.

Mỹ - vua than mất vương miện

Trên thị trường Mỹ, việc từ bỏ than diễn ra nhanh hơn. Sản xuất và nhu cầu than đã giảm mạnh kể từ năm 2008, do cuộc cách mạng khí đá phiến. Năm 2015, tiêu thụ than của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm (727Mt, thấp hơn 1/3 so với mức đỉnh của năm 2007). Than mất khả năng cạnh tranh với khí đốt tự nhiên. Do đó, nếu than đá chiếm một nửa sản lượng điện của Mỹ vào năm 2005, thì tỷ lệ này đã giảm xuống còn 33% năm 2015.

Các quy định mới về chất lượng không khí (Mercury and Air Toxics Standards - MATS) cũng làm giảm nhu cầu đối với điện than. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo 60GW điện từ các nhà máy điện than sẽ bị đóng cửa vào năm 2020 (chủ yếu là các nhà máy cũ), khi ấy công suất điện than của Mỹ chỉ còn 250GW. Ngay trong năm 2015, 15GW công suất điện than đã bị loại bỏ. Các tiêu chuẩn khí thải CO2 cho các nhà máy nhiệt điện than mới (550g mỗi kWh) đã ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện than mới nếu chúng không được trang bị các thiết bị thu và lưu trữ CO2.

Biểu đồ sử dụng than ở Trung Quốc đến năm 2030.

Ngoài ra, kế hoạch năng lượng sạch nhằm giảm lượng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện hiện hữu đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính của ngành điện vào năm 2030 so với năm 2005. Theo EIA, các tiêu chuẩn MATS và kế hoạch năng lượng sạch dự kiến sẽ dẫn đến việc đóng cửa 90GW các nhà máy đốt than (khoảng 1/3 số nhà máy điện than của Mỹ) vào năm 2040.

Ấn Độ - cải cách lớn ngành than

Trong năm 2015, tiêu thụ than của Ấn Độ đã tăng 11%, lên 927Mt. Ấn Độ đã trở thành nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, trước Mỹ. Chính sách của Thủ tướng Ấn Độ là điện khí hóa toàn bộ đất nước - “Sức mạnh cho tất cả” - do 1/4 dân số chưa được sử dụng điện. Chính phủ Ấn Độ cũng khởi xướng một chính sách phát triển đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo (175GW vào năm 2022) và năng lực sản xuất điện hạt nhân.

Nhưng trong ngắn hạn, than vẫn không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Ấn Độ. Hiện tại, than vẫn cung cấp phần lớn nguồn điện của đất nước: 76% trong năm 2014. Công suất điện than của Ấn Độ đã tăng mạnh trong 5 năm, từ 94GW vào cuối năm 2010 lên tới 173GW vào cuối năm 2015.

Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu than. Để bù đắp, Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng than quốc gia lên 1,5Gt vào năm 2020 (700Mt năm 2015). Mặc dù mức sản lượng này rất khó đạt được, nhưng điều đó cho thấy thị trường than Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành một cuộc cải cách lớn của ngành than, tư nhân hóa thêm Công ty TNHH Than Ấn Độ (CIL), để tăng sự cạnh tranh và hiệu quả trong một lĩnh vực bị trì trệ bởi các thủ tục hành chính.

Vào tháng 3/2015, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua một đạo luật mới, mở cửa ngành than cho các công ty tư nhân trong và ngoài nước, chấm dứt sự độc quyền hơn 40 năm của CIL về buôn bán than ở Ấn Độ. Quốc hội cũng đã thông qua luật sửa đổi khai thác cho phép bán đấu giá giấy phép khai thác mỏ than.

Theo Petrotimes

Bạn đang đọc bài viết Sắp đến “ngày tàn” của than?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.