Thứ sáu, 19/04/2024 22:47 (GMT+7)

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô

MTĐT -  Thứ sáu, 02/04/2021 09:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sông Lô đoạn chảy qua tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang được các địa phương cấp phép hơn 60 mỏ khai thác cát, sỏi. Hàng loạt vi phạm đang diễn ra, lòng sông "quặn đau", lòng người "nhức nhối".

LTS: Nhóm PV đã dành nhiều thời gian đi dọc sông Lô chảy qua địa phận hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang để tìm hiểu về thực trạng khai thác cát, sỏi.

Hàng loạt vi phạm đã được "phát lộ", như: Khai thác cát vượt mốc giới được cấp gây sạt lở; lợi dụng chương trình quốc gia về nông thôn mới (NTM) để khai thác, buôn bán cát trái phép; sử dụng tàu cuốc để "moi ruột" sông dù bị cấm; xe có dấu hiệu quá tải ngày đêm chở cát gây ảnh hưởng quốc lộ…

Bài 1: Bị cấm, tàu cuốc vẫn "moi ruột" dòng Lô

Ở Tuyên Quang, dù đã bị cấm sử dụng nhưng nhiều chủ mỏ vẫn sử dụng tàu cuốc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lô, dẫn đến đất bãi canh tác của bà con bị sạt lở. Thậm chí, cả tình anh em, gia đình cũng… trôi theo dòng nước.

Tình anh em "sạt lở" trôi theo dòng Lô vì khai thác cát

Trong quá trình tìm hiểu các hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, PV đã nhận được Đơn đề nghị của hơn 42 hộ dân xóm 7 (thôn Bình Ca trước đây), xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trên 3 trang giấy thể hiện chữ ký, sự đồng lòng, quyết tâm giữ đất của bà con.

Bà con phản ánh tình trạng trên địa bàn xóm có một Công ty khai thác cát sỏi nhiều năm qua, làm sói lở nhiều diện tích soi bãi của các hộ dân trong xóm. 

Sự việc này các hộ dân đã báo cáo chính quyền địa phương, Công ty khai thác cát sỏi hứa sẽ chấm dứt nhưng sau một hai ngày lại hoạt động.

Theo tìm hiểu của PV, khu vực người dân phản ánh thuộc địa phận đã được cấp phép cho Công ty CP Lâm và Khoáng sản Tuyên Quang, nơi ngày 25/2 PV ghi nhận 3 tàu cuốc đang khai thác cát, sỏi.

Vết nứt kéo dài hàng chục mét trong vườn nhà ông T gần sông Lô ở xóm 7, xã Thái Bình

Ông Nguyễn Tiến T. người dân xóm 7 có nhà ở ngoài bãi soi bức xúc: "Chúng tôi đã làm đơn tập thể của 42 hộ dân gửi lên chính quyền xã, gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND xã và Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã. Họ là anh em trong nhà tôi, tôi đã nói, tiền bạc phân minh, ái tính dứt khoát, hai mặt riêng biệt không chung nhau. Nhưng đến ngày 13/3 chính quyền xã chưa trả lời người dân".

"Từ hôm tôi không cho làm đến giờ thì nhiều tầng lớp xã hội đến, có người còn đến đe dọa. Tôi còn trẻ đi bộ đội cứu nước bao nhiêu năm, dành từng tấc đất cho tổ quốc rồi, giờ hơn 60 tuổi, tôi có nhà ở đây, có sổ đỏ nên tôi quyết phải giữ cho từng tấc đất cho con cháu" - ông T. nói.

Sông Lô là phụ lưu cấp 1 ở tả ngạn sông Hồng, chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Điểm cuối là ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với lưu vực khoảng 22.600km2 rồi đổ vào sông Hồng.

Cát trên sông Lô chủ yếu là cát vàng, dùng để đổ bên tông, cát sau khai thác phục vụ tại địa phương, bán ra ngoài tỉnh, đặc biệt là chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh phục vụ cho các công trình xây dựng.

Đơn đề nghị của 42 hộ dân xóm 7 (thôn Bình Ca cũ) gửi UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn

Theo ông T. mỗi năm có hàng chục lượt người từ dân thường, cán bộ, chủ mỏ cát đến thương thảo với ông đồng ý cho khai thác cát nhưng ông nhất quyết không cho. Có lần ông đã "đuổi thẳng cổ" không tiếp.

Dẫn PV ra vườn với nhiều cây ăn quả được trồng cách đây vài chục năm, ông T. chỉ các điểm sụt lún, có điểm đường kính rộng từ 3 - 5m và tiếp tục có dấu hiệu sụt. Các vết nứt chằng chịt trong vườn còn trên sông nhiều tàu thuyền đang hút cát, ông T. tỏ vẻ rất thất vọng.

Một người dân trong xóm nghe tin có PV đến tìm hiểu đã đưa chúng tôi ra bãi bồi mà gia đình bà trồng ngô nhiều năm qua - cho biết: "Mùa này nước ít còn đỡ, nước to tàu vào gần bờ khai thác cát dẫn đến sạt lở bờ soi, dần sẽ mất hết. Ở đây có ông T. phản đối khai thác cát gần bờ, dẫn đến mất cả tình cảm anh em trong gia đình, từng xảy ra va chạm ở bờ sông".

Ông T. đã xác nhận với PV là có chuyện đó xảy ra.

Hàng chục tàu cuốc mang tên… tàu hút

Theo tìm hiểm của PV, sông Lô đoạn chảy qua tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 145km qua 3 huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương với 38 điểm khai thác cát, sỏi được cấp phép. 

Tính trung bình, chưa đầy 4km lại có một điểm khai thác cát, sỏi được cấp phép. Đấy là tính phép chia trung bình, còn trên thực tế có những điểm "ngon ăn" vài mỏ được cấp san sát cạnh nhau.

Tàu khai thác cát có trang bị gầu múc, thực chất là tàu cuốc "moi ruột" sông Lô đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang

Theo ghi nhận của PV nhiều ngày liên tiếp, phía dưới cầu Tân Hà, TP. Tuyên Quang có nhiều tàu trang bị những gầu múc như tàu cuốc đang hoạt động, những chiếc gầu "lặn" xuống lòng sông sâu đưa cát, sỏi lên sà lan, thuyền chứa.

Nhiều lần di chuyển qua cầu Tân Hà có thể nhìn rõ tàu có trang bị gầu múc cát TQ 0894 hoạt động nhiều ngày liên tiếp trong nhiều ngày. Ngoài ra còn rất nhiều tàu hút cát cách bờ khoảng 10 mét.

Di chuyển dọc sông Lô theo quốc lộ 37 từ cầu Nông Tiến đến cầu Bình Ca, qua cầu Tình Húc xuống cầu An Hòa về tới khu vực giáp ranh với huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, hầu như điểm mỏ nào cũng có tàu cuốc có tên ghi trên thân tàu là tàu hút đang khai thác cát. Việc đưa tàu cuốc vào khai thác cát trên sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang là trái phép.

Nhiều phương tiện khai thác cát ở thành phố Tuyên Quang, trong đó có cả tàu cuốc

Năm 2016, trước sự ảnh hưởng của việc sử dụng tàu cuốc để khai thác cát, sỏi, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Thông báo số 88/TB-UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan, UBND các huyện và TP. Tuyên Quang dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô bằng tàu cuốc từ ngày 17/10/2016 để xem xét, đánh giá lại ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi dẫn tới sạt lở bờ sông trên địa bàn. Thông báo này đến nay vẫn còn hiệu lực.

Ngày 2/8/2017 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Văn bản 3030/UBND-KTN về việc không sử dụng tàu cuốc khai thác cát sỏi trên sông, suối thuộc địa bàn tỉnh. Theo khảo sát của PV, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang không có tàu cuốc hoạt động.

Thế nhưng, PV ghi nhận những chiếc tàu cuốc vẫn đang hoạt động. Đặc biệt, tại xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) PV ghi nhận 3 tàu cuốc đang lần lượt neo đậu giữa sông Lô để hút cát, sỏi, trên tàu có ghi tên Công ty CP Lâm và Khoáng sản Tuyên Quang - Tàu hút - TQ 0864. 

Có những tàu không tên, không biển số dùng gầu múc cát, dàn máy của tàu hút không hoạt động và hai chiếc tàu cuốc khác cũng đang cần cù "cuốc" cát, sỏi gần đó.

Trên tàu cuốc có ghi tên Công ty Cp Lâm và Khoáng sản Tuyên Quang đang khai thác cát tại địa phận xã Thái Bình, huyện Yên Sơn

Việc sử dụng tàu cuốc là trái phép, nên các chủ tàu dùng mái tôn che hướng có người dân thường qua lại (hướng quốc lộ 37) để tránh bị phát hiện, trên thân tàu ghi tàu hút, hoặc trên tàu gắn cả máy hút và dàn máy cuốc để che mắt người dân và cơ quan chức năng.

Ông Phạm Văn Tính - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT Tuyên Quang) giải thích: "Chiếc tàu đó đã cải tiến, có một hệ thống hút cát lên máng, rồi mới dùng gầu cẩu lên chứ không phải tàu cuốc". 

Vậy nhưng, theo thông tin PV có được nhiều người dân cũng như chính chủ mỏ khẳng định nhiều tàu cuốc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn đang hoạt động, tàu hút được trang bị, hay máng đựng cát dưới sông chỉ là tấm "vải thưa che mắt cán bộ".

Theo Đình Việt-Hoàng Chiêm/Báo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết “Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...