Thứ ba, 23/04/2024 23:23 (GMT+7)

“Lá phổi xanh” của thế giới bị tàn phá kỷ lục

MTĐT -  Thứ sáu, 26/06/2020 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), khoảng 829 km2 rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon ở Brazil đã bị tàn phá chỉ trong tháng 5.

Con số này cao hơn 12% so với tháng 5/2019, đồng thời đây cũng là tháng mà rừng Amazon bị tàn phá lớn nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được lưu trữ vào tháng 8/2015.

Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng Amazon bị chặt phá đã vượt mức 2.000 km2, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại hơn, những tháng mùa khô dễ gây cháy rừng vẫn còn ở phía trước (từ tháng 6 đến tháng 10). Đây cũng là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động khai thác gỗ, đào hầm mỏ, nông dân khai hoang lấy đất trồng trọt và chăn nuôi bất hợp pháp.

Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) dự báo, khoảng 9.000 km2 rừng sẽ bị chặt phá, đốt phát quang trong tháng 8 tới, gây ra những đám cháy rừng với quy mô lớn hơn nhiều so với năm ngoái.

Rừng Amazon bị tàn phá kỷ lục trong tháng 5

Theo INPE, chỉ trong năm 2019, đã có 9.166 km2 diện tích rừng Amazon bị chặt phá so với 4.946 km2 bị chặt phá trong năm 2018.

Sự gia tăng mạnh mẽ nạn chặt phá rừng Amazon đã diễn ra vào năm 2019, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jair Bolsonaro, người vốn “hoài nghi” đối với vấn đề biến đổi khí hậu, đã nới lỏng các biện pháp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên phong phú của Amazon.

Các dữ liệu trên được thu thập từ hệ thống DETER giám sát từ vệ tinh về nạn chặt phá rừng.

Theo dữ liệu chính thức mới nhất, số lượng các vụ cháy rừng Amazon trong năm 2019 là 89.178 vụ, tăng 30% so với năm 2018.

Các dữ liệu trên được đưa ra sau khi các đám cháy rừng hồi đầu năm 2019 đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới này, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và bất đồng ngoại giao giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật.

Tuy nhiên, kể từ năm 1970, khoảng 20% diện tích của khu rừng lớn nhất thế giới này bị phá bỏ, nhường chỗ cho các hoạt động khai thác gỗ, sản xuất đậu tương, dầu cọ, nhiên liệu sinh học và chăn nuôi bò. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Giám đốc khoa học Alexandre Antonelli tại Vườn bách thảo Hoàng gia Anh nhận định, nếu không hành động khẩn cấp ngay bây giờ, nhân loại có thể sẽ không còn khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học bậc nhất thế giới.

Các cánh rừng trên toàn cầu - đặc biệt là rừng nhiệt đới - hấp thụ từ 25 đến 30% lượng CO2 do con người thải ra ngoài bầu không khí từ các hoạt động sản xuất, khai thác và sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, sự tàn phá của con người và thiên tai đang đẩy các cánh rừng, trong đó có Amazon trước tình trạng vô cùng nguy cấp. Các nhà khoa học cảnh báo, việc mất thêm 20% diện tích rừng nhiệt đới sẽ kích hoạt hiện tượng “chết ngược”. Khi đó, cây rừng sẽ chết khô dần từ lá hoặc rễ do hệ sinh thái bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sống.

Rừng rậm Amazon có thể chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn. Khi vượt khỏi giới hạn này, Amazon có nguy cơ trở thành những trảng cỏ khô cằn, không đủ khả năng duy trì môi trường sống cho gần 3 triệu loài động, thực vật nơi đây. Nếu điều này trở thành hiện thực, Amazon sẽ không còn là "lá phổi" của địa cầu.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đang nhanh chóng mất đi khả năng hấp thụ khí CO2 thải ra chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân khiến trái đất ấm lên.

Dự báo, công suất hấp thụ khí CO2 của các khu rừng châu Phi sẽ giảm 14% vào năm 2030 và với Amazon, tỷ lệ này sẽ là 0% vào năm 2035. Đến lúc đó, các cánh rừng có nguy cơ bước vào “chu trình ngược”, thay vì thu nạp chuyển thành nguồn nhả khí CO2 và làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu. Đây sẽ là kịch bản thảm họa đối với thế giới. Không những giải phóng một lượng khí thải khổng lồ vào khí quyển, lượng hơi nước dồi dào từ Amazon cũng biến mất theo những cánh rừng nhiệt đới làm giảm khả năng của bầu khí quyển hấp thụ phóng xạ từ mặt trời.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết “Lá phổi xanh” của thế giới bị tàn phá kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới