Thứ sáu, 29/03/2024 05:33 (GMT+7)

Nghệ An: Khai thác tài nguyên trái phép,“nhập nhằng” hàng tỷ đồng

THỤC ANH - THANH PHƯƠNG -  Thứ ba, 20/07/2021 15:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lợi dụng sự khan hiếm nước sạch, một số cán bộ huyện Hưng Nguyên “kết hợp” với doanh nghiệp, cá nhân ngang nhiên xây dựng, khai thác tài nguyên trái phép và bán thu mỗi hộ dân hàng chục triệu đồng.

Điều đáng nói nguồn nước chưa được kiểm chứng đảm bảo an toàn vệ sinh, trữ lượng cũng như việc thu chi tài chính không minh bạch khiến người dân hết sức bức xúc. Bên cạnh đó có dấu hiệu “tiếp tay” của các cán bộ địa phương.

 Chặn dòng, khoan nước ngầm trái phép rồi thu mỗi hộ 20 triệu đồng

Núi Thành thuộc xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trước đây được giao một phần cho Cty CP Gió Lào Nghệ An khai thác khoáng sản, đất san lấp. Tuy nhiên sau khi ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gần khu dân cư nên UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định đóng cửa mỏ, khôi phục lại hiện trạng. Đất đai được giao về cho địa phương là xã Hưng Tiến (nay là xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên) quản lý. Tuy nhiên do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quyết liệt của địa phương nên “đất tặc” vẫn ngày đêm khai thác, để lại những hố sâu, bẫy vực hết sức nguy hiểm. Gần đây nhất là vào đầu tháng 6/2021, một hố sâu sau khi khai thác không được san lấp đã gây nên cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, trú xóm 2, xã Hưng Nghĩa) khi không may trượt chân, đuối nước.

Việc chặn dòng, khoan nước ngầm  trái phép của nhóm ông Nguyễn Đình Nuôi đã gây nên sạt lở đất đá, thay đổi môi trường sinh thái tại núi Thành.

Không chỉ quản lý lỏng lẻo về đất đai, khoáng sản gây nên những hệ lụy đau lòng mà mới đây, UBND xã Hưng Thắng còn lạm quyền, “tiếp tay” cho một số cán bộ huyện Hưng Nguyên ngang nhiên xây dựng công trình, khai thác tài nguyên một cách trái phép, bất chấp các quy định của pháp luật.           

Cụ thể là nhóm của các ông Hồ Sỹ Hương – phó trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên kết hợp với các ông Trần Văn Đường – trưởng phòng Y tế huyện, ông Nguyễn Văn Tín (giám đốc Cty CP Gió Lào), ông Nguyễn Đình Nuôi (giáo viên về hưu) để vào khu vực núi Thành, xã Hưng Nghĩa xây dựng công trình, chặn dòng khe suối, cho máy khoan nước ngầm rồi dẫn nước về cung cấp cho dân, thu mỗi hộ 20 triệu đồng.

Có mặt tại núi Thành chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi một ngọn núi cổ, có lịch sử lâu đời, linh thiêng bị băm nát tơi tả, nhiều hố sâu bị “đất tặc” khoét vào lòng núi trở thành những cái bẫy hết sức nguy hiểm. Sau cái chết nữ sinh Nguyễn Thị H, đường lên núi được đóng sơ sài trụ cột 2 bên để chống xe tải lên xúc trộm đất đá.

Đi chếch sang bên phải khoảng 200m là công trình chặn dòng kiên cố của nhóm người do ông Nguyễn Đình Nuôi làm đại diện. Một dòng suối chảy từ trên núi xuống được ông nuôi đổ bê tông cốt thép, chặn lại giống như một cái đập nhỏ, từ đây nước được lọc qua một số ngăn sơ sài rồi cho máy bơm ngược về các xóm 1, 2 của xã Hưng Nghĩa để dân sử dụng.

Ngoài chặn dòng suối để lấy nước, nhóm ông Nuôi, ông Hương còn ngang nhiên thuê máy khoan lên khoan 2 mũi nước ngầm tại núi Thành mà không có bất cứ một văn bản xin phép hay sự đồng ý từ các cơ quan chức năng. Việc chặn dòng suối, khoan nước ngầm đã gây nên sạt lở đất đá hai bên, thay đổi cảnh quan, đe dọa môi trường sinh thái núi Thành.

Sau khi thấy nhóm ông Nuôi làm khá “hiệu quả”, ông Hoàng Văn Công cũng đưa máy móc lên núi khoan nước ngầm, lắp đặt bể chứa trái phép.

Ngoài các công trình trái phép tại núi Thành đã được xây dựng, hoàn thành hơn năm nay, thì hàng chục km đường ống nối từ núi về các xóm 1, 2 của xã Hưng Nghĩa cũng đã được lắp đặt, đi vào hoạt động. Việc lắp đặt đường ống này trái phép này dẫn tới đào xới, phá vỡ hiện trạng ban đầu của hàng loạt công trình giao thông, phụ trợ tại xã Hưng Nghĩa khiến một số hộ dân bị ảnh hưởng hết sức bức xúc. Tháng 4/2020 người dân địa bàn xóm 2 đã phản ánh lên UBND xã Hưng Nghĩa, ngay sau đó, chủ tịch Phan Quang Mão đã họp và giao trách nhiệm cho nhóm ông Nuôi, tuy nhiên sau đó “đâu vẫn vào đấy”.   

Theo một cán bộ xã Hưng Nghĩa thì sau khi nước được dẫn về xóm, hộ nào muốn lắp đặt dùng thì phải đóng cho nhóm ông Nuôi, ông Hương 20.000.000 đồng/hộ, ngoài ra còn phải đóng tiền điện hàng tháng. Lúc mới đi vào hoạt động có khoảng 17-18 hộ, nhưng đến này đã lên đến gần cả trăm hộ dân, số tiền thu lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên số tiền được thu lớn như vậy nhưng không có bất cứ một hợp đồng hay hóa đơn gì, tất cả được giao dịch bằng…miệng (?!). Vì vậy nếu có xảy ra bất trắc gì, như nguồn nước bị ô nhiễm, không đủ trữ lượng cung cấp, máy móc, công trình hư hỏng thì người dân phải chịu.

Không minh bạch thu chi tài chính

Thấy nhóm ông Nuôi làm khá hiệu quả nên đầu năm 2021, ông Hoàng Văn Công (một người dân ở xã Hưng Nghĩa) cũng thuê máy móc lên núi Thành khoan nước ngầm, xây dựng bể chứa để dẫn nước về trung tâm xã cung cấp cho một số hộ dân. Địa điểm khoan lấy nước ngầm và xây dựng công trình của ông Công cách chỗ ông Nuôi khoảng 500m đường chim bay, ngay nơi cháu Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, trú xóm 2, xã Hưng Nghĩa) không may trượt chân, đuối nước vào đầu tháng 6/2021.

Công trình nước sạch xây dựng, khai thác trái phép của nhóm ông Nuôi, ông Hương tại núi Thành. Sau khi đóng cửa mỏ, đất này được giao cho xã Hưng Nghĩa quản lý.

Tại hiện trường cho thấy ông Hoàng Văn Công đã khoan trái phép 2 mũi ngước ngầm và ngang nhiên xây một bể chứa nước lọc cao khoảng 3m, đường kính 2 rồi đấu nối vòi, máy bơm để bơm ngược về các thôn 1, 2 của xã Hưng Nghĩa. Đường điện đấu nối sơ sài, chạy lòng thòng dưới đất, đồng hồ lắp vào cây xanh bên cạnh hết sức nguy hiểm. Các cột níu giữ dây tải làm bằng đủ thứ, từ gỗ, bê tông cho đến sắt, không đảm bảo an toàn một chút nào.     

Cũng như cách làm của nhóm ông Nuôi, ông Hương trước đó, hộ nào muốn dùng “nước sạch” thì đóng tiền cho ông Công, nhưng số tiền ít hơn một chút, khoảng 15 triệu đồng/hộ. Ngoài số tiền đóng cố định này, thì mỗi tháng gia đình nào sử dụng nước bao nhiêu thì đóng tiền điện bấy nhiêu. Hiện nay số hộ đóng tiền cho ông Hoàng Văn Công khoảng 30-40 chục hộ.

Mặc dù luôn kêu gọi là  “xã hội hóa”, và “hứa” với dân là “đầu tư bao nhiêu thì thu lại bấy nhiêu”, không kinh doanh, buôn bán nhưng đã hơn năm nay, công trình nước sạch đi vào hoạt động, nhóm ông Nuôi vẫn không hạch toán thu chi, thừa thiếu bao nhiêu để cho dân biết. Vì vậy công trình của nhóm ông Nuôi, ông Hương  đầu tư hết bao nhiêu tiền vẫn không ai hay, trong khi đó tiền nước sạch vẫn tiếp tục thu chưa dừng lại. Theo ước tính sơ bộ, với gần 100 hộ dân, số tiền thu làm công trình nước sạch đã lên tới cả tỉ đồng. Việc làm “khuất tất” thu chi này khiến người dân hết sức bức xúc. “Ban đầu họ nói xây dựng công trình nước sạch phục vụ cho khoảng 18 hộ, mỗi hộ đóng 20 triệu đồng, thừa thiếu sẽ bù trừ trả lại cho dân.  Nhưng đến nay lại thu lên 70 hộ dân với số tiền hàng tỉ đồng nhưng nhóm ông Nuôi, ông Hương vẫn không có “ý kiến” gì với dân. Chúng tôi cần sự minh bạch, rõ ràng chứ không phải khất tất, mù mờ như vậy. Chưa nói với số hộ dân ngày càng tăng lên, lượng nước, hệ thống vòi dẫn có phục vụ nổi hay không?” – Một người dân bức xúc cho hay.

Một hố sâu sát bên công trình trái phép của ông Hoàng Văn Công đã gây nên cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, trú xóm 2, xã Hưng Nghĩa) vào đầu tháng 6/2021.

Nước là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải vô tận, được nhà nước quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Bất kể tổ chức nào muốn khai thác, sử dụng đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng và đóng thuế, phí cho nhà nước. Ngoài ra các công trình, dự án đều phải được chấp thuận chủ trương, phê duyệt, quy hoạch và cấp phép xây dựng mới được triển khai. Tuy nhiên là những cán bộ lãnh đạo của huyện Hưng Nguyên nhưng ông Hồ Sỹ Hương – Phó trưởng phòng Công thương; ông Trần Văn Đường – Trưởng phòng Y tế huyện lại coi thường pháp luật, kết hợp với doanh nghiệp, cá nhân để vi phạm trong xây dựng, khai thác tài nguyên, thu chi không rõ ràng, minh bạch khiến người dân, dư luận bức xúc.

Để làm sáng tỏ vụ việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Sỹ Hương – Phó trưởng phòng công thương Hưng Nguyên. Khi được hỏi: Vì sao với chức vụ là một phó phòng Công thương, am hiểu pháp luật nhưng ông lại kết hợp với một vài cá nhân, doanh nghiệp để khai thác trái phép tài nguyên, xây dựng công trình khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng?” Ông Hương thừa nhận: "Việc đó thì chưa đúng thật. Tuy nhiên do nhu cầu cấp bách, vì cuộc sống người dân nên mới làm chứ nhà nước làm mà cuối cùng không được gì. Nói thật với em cả mấy xã ở đây đều tự phát làm rứa cả, bức bách nên nhà anh làm theo".

Khi được hỏi vì sao đi vào vận hành cung cấp nước cho dân đã hơn 1 năm nhưng đến nay không minh bạch thu chi? Ông Hương cho biết: “Tại vì nhà anh làm chưa xong, nước vận hành đang ì ạch, máy móc hư suốt. Khi nào anh nhắc anh Nuôi chứ cũng để lâu rồi”.

PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ đầu tư, thu chi bao nhiêu để công khai minh bạch với dân, tránh những dị nghị, dư luận không tốt thì ông Hương từ chối, nói mình chỉ là thành viên, giao cho ông Nuôi ở nhà chủ trì hết.

Tiếp đó, PV MT&ĐT tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Đường – Trưởng phòng Y tế huyện Hưng Nguyên - 1 trong 4 người chủ chốt xây dựng công trình chặn khe suối, khoan nước ngầm trái phép tại xã Hưng Nghĩa. Ông Đường cho biết: Vào đầu năm 2020, do nhu cầu nước sạch nên mấy anh em chủ trương là lấy nước khe trên núi Thành về dùng. Việc này có xin ý kiến của xã và được đồng ý. Thi công đường ống tốn kém nên ban đầu, gia đình nào muốn dùng nước sạch thì đóng 20 triệu đồng.

Khi được cho biết cấp xã không có quyền cấp phép khai thác nước ngầm cũng như nước mặt, chưa kể thi công công trình không có quy hoạch, giấy phép xây dựng thì ông Trần Văn Đường cho hay: Các xã Hưng Lam, Hưng Xuân (huyện Hưng Nguyên) cũng làm đầy ra cả chứ có ai xin. Ở đây nhóm chúng tôi có xin xã Hưng Nghĩa là vì đường ống dài hàng km, phải thi công qua một số đoạn đường nên cần có xã đứng tên cho. PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ đầu tư xây dựng, thu chi của nhóm nhưng ông Đường cũng cho biết là ông Nuôi giữ cả, ông không biết gì.         

Để có thông tin đa chiều, khách quan, chúng tôi tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Đình Nuôi (giáo viên về hưu, được xem là trưởng nhóm nước sạch). Tuy nhiên khi chưa kịp để PV giới thiệu, đề xuất cung cấp nội dung thì ông Nuôi đã lên giọng thách thức: “Chú là ai? Chú ở mô? Chú hỏi có vấn đề chi? Tôi làm việc ở đây là có ủy ban, có pháp luật xác nhận”.

Khi được cho biết là có một số phản ánh của người dân về việc xây dựng, khai thác tài nguyên không có giấy phép, thu chi không minh bạch, rõ ràng thì ông Nuôi càng lớn tiếng: “Chú là cái gì mà tôi phải báo cáo. Chú làm việc với tôi phải có giấy của ủy ban xã bởi ủy ban cho tôi làm. Xã ký giấy cho tôi làm, mà chính xác là chủ tịch xã Hưng Nghĩa Phan Quang Mão. Xã ký giấy có quốc huy đàng hoàng” (?!).

Rất nhiều lần chúng tôi đã liên lạc với ông Phan Quang Mão - Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa để làm rõ các vấn đề về việc hai công trình xây dựng và khai thác tài nguyên trái phép đang diễn ra ở núi Thành, cũng như việc thu chi không rõ ràng mình bạch nhưng vị chủ tịch này đều viện đủ “lí do” để từ chối. Liên lạc với ông Lê Phạm Hùng – Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên nhiều ngày qua nhưng vẫn không nhận được hồi âm.

Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc./.                  

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Khai thác tài nguyên trái phép,“nhập nhằng” hàng tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.