Thứ sáu, 19/04/2024 19:37 (GMT+7)

Nhiệt điện than: Thế giới đang thoái trào, Việt Nam thì sao?

MTĐT -  Thứ năm, 30/03/2017 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau hơn 10 năm phát triển bùng nổ chưa từng có, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống vào năm 2016.

Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc và Ấn Độ đã có quyết sách mạnh tay, ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than do ô nhiễm không khí quá nghiêm trọng.

Đổi chiều chính sách

Theo báo cáo khảo sát của Hệ thống giám sát các nhà máy điện than toàn cầu tháng 3/2017 (từ mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu CoalSwarm và tổ chức môi trường Sierra Club), xu hướng giảm sản xuất điện than trên thế giới bắt đầu từ năm 2013. Đáng kể nhất là giai đoạn từ tháng 1/2016 – 1/2017, trong đó, công suất điện than của nhóm dự án tiền xây dựng giảm 48%, nhóm dự án đã khởi công giảm 62%. Đặc biệt, công suất từ nhóm nhà máy bị tạm dừng hoạt động đã tăng 164%.

Nguyên nhân chính của sự thay đổi này là do chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ - 2 quốc gia có lượng phát thải hàng đầu đã ban hành những biện pháp mạnh mẽ chưa từng có để hạn chế phát triển nhiệt điện than. Tổng công suất điện than được cấp phép xây dựng tại Trung Quốc trong năm 2016 đã giảm 85% so với 2015. Tháng 1/2017, Chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ 85 dự án nhà máy nhiệt điện than ở các giai đoạn khác nhau, sau khi ban hành kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020) giới hạn công suất điện than của cả nước. Ngày 18/3 vừa qua, nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở thủ đô Bắc Kinh chính thức ngừng hoạt động. Bắc Kinh đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc dựa hoàn toàn vào các nguồn năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên hay gió để sản xuất điện.

Song song với Chính phủ Trung quốc, Ấn Độ cũng đang trong giai đoạn giảm phát triển điện than. Ít nhất đến năm 2027, Ấn Độ sẽ không tăng thêm công suất điện than ngoại trừ những dự án đang xây dựng. Ngoài ra, nước này cũng đang tham gia cuộc cách mạng năng lượng mặt trời, với mức đấu giá sản xuất điện thấp kỉ lục là 4,4 US cent/kWh. Chính phủ cũng đề xuất từ nay đến 2027 sẽ lắp đặt thêm 215 GW năng lượng tái tạo từ sinh khối, thủy điện nhỏ, năng lượng gió, hệ thống điện mặt trời phân tán…

Trong 10 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 86% công suất xây dựng điện than toàn cầu. Vì vậy, chuyển biến giảm điện than ở 2 nước này đang tác động mạnh mẽ tới xu hướng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nói chung. Các nhà khoa học nhận định, chính phủ 2 quốc gia phát triển điện than hàng đầu này “đổi chiều” chính sách, nguyên nhân lớn xuất phát từ mức độ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí đã vượt mức cho phép hàng chục lần, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người dân. Để giải quyết căn cơ hậu quả không phải trong một sớm một chiều, và đây chính là bài học cho bất kì quốc gia đang phát triển nào.

Việt Nam đang đi ngược xu thế

Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trong top 10 điểm nóng của thế giới về phát triển điện than, với số lượng các nhà máy mới xây dựng tăng nhanh chóng. Bên cạnh những nhà máy đang thi công, thời gian gần đây, nhiều dự án nhiệt điện than với quy mô hàng tỷ USD liên tục được đề xuất, chấp thuận đầu tư. Chẳng hạn, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1, Quảng Trạch 2 thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (Khu công nghiệp Vũng Áng) , Nhiệt điện Nghi Sơn 2… Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về vị trí cụ thể của trung tâm nhiệt điện Long An, vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Cả nước hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh nêu rõ, dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động. Khi đó, lượng than tiêu thụ sẽ đạt hơn 60 triệu tấn. Đến năm 2030, 52 nhà máy nhiệt điện than sẽ sản xuất 53,3% lượng điện toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm.

Đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 85 triệu tấn than/năm cho sản xuất điện, gấp 2 lần khả năng cung cấp than ở trong nước, vì đến thời điểm này, nguồn than ở Việt Nam đã dần cạn kiệt hoặc khó khai thác thương mại.

Mặc dù, quy hoạch này đưa ra nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, nhưng các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước vẫn đặt câu hỏi về tính khả thi. Bởi nhiệt điện than có quá nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, sức khỏe cộng đồng, tác động đến du lịch, nông nghiệp và gây áp lực cho nền kinh tế đất nước. Quy hoạch có thể điều chỉnh mềm dẻo theo xu thế trong tương lai. Với điều kiện thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu phổ biến sử dụng năng lượng xanh như hiện nay, những dự án nhiệt điện than có nhiều khả năng bị loại bỏ bởi giá thành sản xuất NLTT ngày càng rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ, hai đất nước nổi tiếng với công nghệ giá rẻ đã tham gia cuộc cách mạng NLTT. 

Những khuyến nghị về phát triển năng lượng ở Việt Nam đều hướng tới tạo đột phá để hỗ trợ phát triển NLTT đa lợi ích. Trong đó, nhấn mạnh việc thực thi các chính sách về giá và hỗ trợ công nghệ để tăng cường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư ngay cho NLTT. Theo Tổ chức GreenID, cần tạm dừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới cho tới khi có giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm, đồng thời, đóng cửa các nhà máy đã hết thời gian khấu hao.   

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt điện than: Thế giới đang thoái trào, Việt Nam thì sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...