Thứ năm, 25/04/2024 00:03 (GMT+7)

Can thiệp 'thô bạo' tới các dòng sông, hậu quả nhãn tiền!

MTĐT -  Thứ hai, 20/11/2017 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các dự án lấn sông, biển đang trở lên phổ biến ở nước ta. Liệu rằng môi trường thiên nhiên có còn nguyên vẹn sau hàng loạt sự xâm phạm?

Cùng với sự phát triển của nước ta, các dự án lấn sông, biển đang trở lên phổ biến. Liệu rằng môi trường thiên nhiên có còn nguyên vẹn sau hàng loạt sự xâm phạm của con người? Thật không khó để kể ra những dự án lớn trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đang xâm phạm môi trường tự nhiên, hủy hoại chính nguồn sống của con người

Bài học từ dự án công viên trái cây Tiền Giang

Vừa qua, dư luận xôn xao lên án dự án công viên trái cây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cụ thể việc thi công, xây dựng dự án Công viên trái cây tại huyện Cái Bè do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư với quy mô diện tích khoảng 9,78ha, trong đó diện tích phần lấn sông Tiền khoảng 6,8ha với chiều dài lấn sông lớn nhất là 160m, trung bình là 110m và với tổng chiều dài kè của dự án vào khoảng 800m. Tuy nhiên việc này gây ra hậu quả trái chiều ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy sông Tiền, cụ thể: mặt cắt sông, hình thái thay đổi dẫn đến thay đổi dòng chảy, lòng dẫn sông và đặc biệt khả năng gây sạt lờ bờ sông khu vực lân cận dự án và phía hạ lưu sông Tiền.

Sông Tiền bị lấn có thể gây thay đổi dòng chảy, sạt lở lòng sông.

Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tạm dừng việc thi công dự án. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhất là đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ; lưu thông dòng chảy; bồi lắng; sạt lở lòng, bờ bãi sông theo quy định...

Trong buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã khẳng định dự án công viên trái cây đã thực hiện đầy đủ mọi thủ tục có liên quan trước khi xây dựng, kể cả lập báo cáo ĐTM. Thế nhưng, tên dự án ghi trong ĐTM không phải là dự án công viên trái cây mà là dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ cặp sông Tiền.

Sau khi “chuyển đổi” dự án, quy mô của dự án đã thay đổi theo. Cụ thể, báo cáo ĐTM của dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ cặp sông Tiền thể hiện diện tích là 8,97 héc ta, trong khi đó quy mô đang triển khai của dự án công viên trái cây là 9,78 héc ta. Diện tích phần lấn sông Tiền cũng đã thay đổi, mức gần 5 héc ta của dự án trước được nâng lên thành 6,8 héc ta trong dự án sau.

Theo Khoản 2, điều 19, Luật Bảo vệ môi trường quy định việc đánh giá ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn “chuẩn bị dự án”. Rõ ràng không thể lấy báo cáo ĐTM của dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ cặp sông Tiền sử dụng cho dự án công viên trái cây. 

Từ dự án công viên trái cây này, không thể đánh đồng các dự án lấn sông, lấn biển khác cũng sai như vậy. Bởi khi dự án đã được triển khai thi công,thì rõ ràng nó đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Lấn sông phải theo nguyên tắc

Về vấn đề trên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, ông Lê Anh Tuấn, cho biết: các dự án lấn sông chắc chắn sẽ có tác động ở rất nhiều phương diện khác nhau, như điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái, kinh tế, xã hội, thậm chí sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, về mặt nguyên tắc, ít nhiều chúng cũng vi phạm các quy định về quản lý sông ngòi. Ví dụ, quy định hiện nay là cấm lấn dòng chảy, thu hẹp dòng chảy...

Tuy nhiên, việc xác định chính xác có hành vi vi phạm hay không, mức độ tới đâu là rất khó. “Bởi, chúng ta không nắm được hồ sơ dự án và báo cáo ĐTM”, ông Tuấn nói.

Chính vì thế, để giải quyết những vấn nạn môi trường như đã nói trên, thứ nhất là phải công khai các báo cáo ĐTM, thứ hai là công khai hội đồng phê duyệt gồm những ai để họ phải có trách nhiệm với quyết định phê duyệt của mình.

Đồng ý với ý kiến của ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia Trần Hữu Hiệp cho rằng: “khi làm sân bay, cảng biển hay khai thác sử dụng tài nguyên nước của những dòng sông lớn, cần phải xem xét để việc khai thác sử dụng của địa phương này không tác động đến địa phương khác”. Vấn đề lấn sông không chỉ là vấn đề của địa phương mà còn liên quan tới vùng.

Ông Hiệp cũng dẫn chứng việc lấn sông Đồng Nai, tuy con sông nằm trên địa bàn Đồng Nai nhưng liên quan đến nhiều địa phương khác ở hạ nguồn, trong đó có TPHCM. “Xét về mặt quy trình là đầu tư trên địa bàn thì chính quyền địa phương được toàn quyền. Thế nhưng, công trình đó có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương nên cần thiết đặt ra vấn đề phải xem xét tác động liên hoàn, vượt qua ranh giới hành chính tỉnh”, ông Hiệp nói.

Từ đó cần phải rõ ràng trong quy hoạch hệ thống, chẳng hạn, dọc sông Tiền, sông Hậu được làm cái gì, có thể có những công trình lớn nào. Đầu tư để phát triển kinh tế là việc làm chính đáng của một địa phương nhưng theo ông, “để tránh hối tiếc, tránh việc được cho ông này, mất của ông kia hay cái chung của xã hội, thì phải có cách tiếp cận ít nhất là tiểu vùng”.

Đừng can thiệp "thô bạo" vào các dòng sông

Cũng nói về vấn đề này, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài nguyên nước bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu (CEWAREC) kiêm Trưởng ban điều hành mạng lưới lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), khẳng định: “Một trong những nguồn tài nguyên thiên thiên vô cùng quan trọng cho cuộc sống của con người, sự phồn thịnh của một quốc gia, đó là các con sông, là tài nguyên nước”.

Ông Tứ cho hay , tại “Diễn đàn nước thế giới lần thứ 7” diễn ra tại thành phố Daegu, Hàn Quốc hồi tháng 4-2015, một số nước đã đưa ra những thông điệp rất rõ ràng về cách ứng xử với những dòng sông theo hướng không can thiệp “thô bạo”.

Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó. Chúng ta cần trả lại bản chất thiên nhiên cho các dòng sông để nó có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và nhờ đó nó mới có thể bảo vệ được chúng ta.

Đi liền thông điệp trên, các tổ chức của Pháp đã đề xuất một kế hoạch là phải thay đổi cách sử dụng đất để trả lại khu vực đất ngập nước dọc theo chiều dài dòng sông. Cụ thể, phải trả lại ít nhất 20% diện tích đất ngập nước dọc các dòng sông vào năm 2050 hoặc nối các vùng đất ướt với nhau để chúng tạo thành những túi trữ nước.

Trước những phân tích của nhiều chuyên gia, có thể thấy rằng, nếu con người vẫn tiếp tục cố tình can thiệp "thô bạo" vào những dòng sông làm thay đổi dòng chảy và hoạt động tự nhiên của nó thì chắc hẳn con người sẽ phải gánh những hậu quả nhãn tiền!

P.NGÂN (TH)

Bạn đang đọc bài viết Can thiệp 'thô bạo' tới các dòng sông, hậu quả nhãn tiền!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành