Thứ sáu, 29/03/2024 09:20 (GMT+7)

Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2019 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê của Ủy ban nước Liên hiệp quốc (UN-Water), hiện nay khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn.

Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể sẽ tăng 30% so với hiện nay. Hiện cũng đang có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh. Ước tính trên 80% lượng nước thải trên toàn cầu xả ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý hoặc không được tái sử dụng. Bảo vệ và tái tạo nguồn nước là thách thức không nhỏ cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, để mang lại nguồn nước sạch cho cộng đồng.

Việt Nam là một trong những nước hứng chịu thiên tai lớn nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Nhiều dự báo cho rằng, sau năm 2040, lượng mưa toàn quốc vào mùa khô sẽ giảm; ngược lại trong mùa mưa lại đạt mức cực đại và ngành dễ bị tổn thương nhất là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Do bất cập về cơ sở hạ tầng và khả năng chống chịu, thiệt hại về kinh tế hàng năm được xác định khoảng 1,5% GDP, sẽ tăng lên 3% vào năm 2050 và lên tới 7% GDP trong năm 2100. Rủi ro thiên tai gánh chịu còn do tình trạng bảo dưỡng kém và nhất là ô nhiễm nguồn nước ngày càng thêm nặng nề. Đi cùng ô nhiễm nước tràn lan, quản lý dòng chảy từ bên ngoài biên giới vào đất nước đang là một trở ngại không nhỏ, với gần 95% lượng nước của sông Mê Công và trên 40% của lưu vực sông Hồng có nguồn gốc từ các quốc gia láng giềng.

Ô nhiễm nguồn nước là một rủi ro to lớn, việc quản lý tài nguyên nước hiệu quả có thể mang lại cơ hội để biến rủi ro thành khả năng thích ứng, thành phúc lợi và hệ sinh thái đang suy thoái trở nên bền vững hơn.

Theo TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TPHCM, chất lượng nước mặt và nước ngầm ở Việt Nam đang suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Nguyên nhân là do chúng ta đang khai thác quá mức mực nước ngầm, trong khi công tác tái tạo, bảo vệ chưa có.

Đồng thời nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm nặng do tác động của con người, như xả nhiều rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch; nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp và nghiêm trọng hơn là các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững, cần có chủ trương kế hoạch lâu dài của địa phương và các cơ quan quản lý, nhất là sự chung tay của mỗi người dân.

Trước hết, cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người. Yêu cầu các đơn vị sản xuất cần xử lý rác thải, nước thải trước khi xả ra đường ống chung; giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm cần xử lý.

Thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất. Đối với các khu vực có nguồn nước chưa đảm bảo nên sử dụng máy lọc nước loại bỏ các chất ô nhiễm kim loại nặng, vi khuẩn, virus… để có nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo, giúp gia đình phòng tránh các bệnh tật liên quan đến nguồn nước.

Theo SG đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.