Thứ bảy, 20/04/2024 05:06 (GMT+7)

“Cuộc đua” truyền thông tài nguyên nước

MTĐT -  Thứ hai, 22/06/2020 14:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vài năm trở lại đây, tài nguyên nước đã trở thành đề tài “hot” của báo chí và giới truyền thông.

Chính vì vậy, việc truyền tải thông tin tài nguyên nước trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 vì thế phải thích ứng cho phù hợp.


1. Còn nhớ, vào năm 2002, khi Bộ TN&MT mới thành lập và nhận chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Tài nguyên nước lúc đó được thành lập. Lúc đó, nói về tài nguyên nước, mọi người còn rất mơ hồ, chưa hiểu hết tầm quan trọng của tài nguyên nước. Đặc biệt là báo chí, truyền thông cũng rất ít tiếp cận để tuyên truyền.

Điều mà có lẽ ít người biết đến là Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, sau này là Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai khi ấy là người đầy tâm huyết. Chính ông là người truyền cảm hứng để giới truyền thông cảm nhận được tình yêu với tài nguyên nước và nhận thấy tầm quan trọng của nước trong đời sống kinh tế - xã hội và sinh hoạt. Từ đó, có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này. Thông điệp “Nước không phải là của trời cho. Tài nguyên nước là hữu hạn chứ không phải vô hạn. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống” đã được lan tỏa mạnh mẽ trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng khi ấy.

Ngày Nước thế giới (22/3) hàng năm được tổ chức rất bài bản để tiếp tục tuyên truyền và khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước trong cộng đồng. Với việc tuyên truyền mạnh mẽ, tài nguyên nước từ đó đã được ăn sâu vào trong ý thức của mỗi người dân, cộng đồng người.

Ảnh minh họa

2. Vài năm trở lại đây, khi nhận ra giá trị to lớn của tài nguyên nước, các phương tiện thông tin đại chúng đã tiếp cận nhiều hơn, thậm chí hàng ngày, hàng giờ. Điển hình, việc TP. Đà Nẵng “đòi” thủy điện trả nước cho hạ du, bắt đầu cho việc tranh chấp nguồn nước giữa tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện từ hơn 10 năm trước, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Từ đó đến nay, hàng năm, Bộ TN&MT đều có Công văn hướng dẫn vận hành hồ chứa thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du, đặc biệt, việc bảo đảm việc cấp nước an toàn cho TP. Đà Nẵng. Đồng thời, duy trì chương trình quan trắc môi trường nước mặc định kỳ với tần suất 4 - 5 đợt quan trắc/năm tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy vậy, việc tranh chấp nguồn nước giữa tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện vẫn diễn ra suốt những năm qua mỗi khi mùa khô về.

Hay những ngày từ tháng 4 đến nay, trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng, tài nguyên nước của Việt Nam là đề tài bạn đọc quan tâm nhiều, có lẽ chỉ sau dịch COVID-19. Điều đó để thấy rằng, vai trò quan trọng của tài nguyên nước không thể thiếu trong đời sống xã hội.

3. Vấn đề đặt ra hiện nay, muốn truyền thông tốt và hiệu quả bản thân người viết phải am hiểu về lĩnh vực để có thể lựa chọn thông tin tới bạn đọc. Ngoài việc viết đúng, đủ còn phải lựa cách truyền tải sao cho hấp dẫn nhất. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chạy đua về thông tin, chưa hiểu hết các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước dẫn tới thông tin chưa được chính xác. Có những thông tin ảnh hưởng không tốt tới cơ quan quản lý Nhà nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Chẳng hạn, việc truyền thông về việc Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền tài nguyên nước đã có luồng ý kiến truyền thông trái chiều, không đúng bản chất của vấn đề, cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm ở đây. Trước thực tế đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc thông tin, định hướng dư luận để thấy rằng việc Quốc hội đồng ý cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước về mặt bản chất thì người dùng điện, dùng nước sẽ không phải nộp thêm khoản tiền nêu trên chứ không phải các nhà máy điện, nhà máy nước được miễn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng không có vấn đề về lợi ích nhóm. Ở đây có phần là do cơ quan quản lý chưa thông tin rộng rãi tới báo chí để họ hiểu rõ ngọn ngành vấn đề.

Từ vấn đề này để thấy rằng, nếu truyền thông đúng sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn, còn ngược lại sẽ để lại hậu quả khôn lường. Đặc biệt hiện nay, khi Việt Nam tiếp cận với cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, một thông tin phát đi có thể lan tỏa trên toàn cầu.

***

Tài nguyên nước hiện đang là đề tài hấp dẫn cho giới báo chí chính thống và mạng xã hội. Vì thế, để có hiệu quả như mong muốn không chỉ là sự nỗ lực của báo chí mà cần sự mở cửa, hợp tác của cơ quan chức năng. Trước mỗi vấn đề xảy ra việc định hướng dư luận của cơ quan chức năng là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu cánh cửa từ phía các cơ quan quản lý “mở” để báo chí tiếp cận, thông tin sẽ khách quan và đúng bản chất. Còn nếu cứ “đóng”, việc thông tin chưa chuẩn xác là điều tất yếu sẽ xảy ra. Còn đối với phía phóng viên báo chí, ngoài kỹ năng viết tin hấp dẫn, cần hết sức trung thực và thông tin một cách chính xác. Có như vậy “cuộc đua” truyền thông về tài nguyên nước mới trở thành cuộc cạnh tranh thông tin lành mạnh trước cuộc Cách mạng thông tin số toàn cầu hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết “Cuộc đua” truyền thông tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...