Thứ năm, 18/04/2024 23:52 (GMT+7)

ĐBQH đề nghị đưa nước sạch vào mục kinh doanh có điều kiện

MTĐT -  Thứ tư, 20/11/2019 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thảo luận trên hội trường Quốc hội sáng 20/11 về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu nhắc đến câu chuyện khủng hoảng nước sạch diễn ra thời gian qua.

Theo báo Thanh Niên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề, ông không tìm thấy kinh doanh nước sạch trong danh mục kinh doanh có điều kiện của dự thảo luật. “Tôi đề nghị xem lại kinh doanh nước sạch có thuộc mục kinh doanh thực phẩm hay không. Nếu không thì đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa giải thích thêm, ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song cho rằng, nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh.

Theo đại biểu, ở các nước, với một số lĩnh vực người ta không cho chuyển nhượng khi tác động tới an ninh quốc gia và Việt Nam cũng nên suy nghĩ, thiết kế công cụ tương tự.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Báo Thanh niên.

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) nhắc lại câu chuyện vừa xảy ra khi kẻ xấu đổ dầu thải vào nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp. Việc này đã ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân thủ đô, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước...

"Cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước cách đây vài chục năm vừa lặp lại ở thủ đô sau sự cố đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà, gây bất bình trong dư luận", bà Thu nói và đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ, phải được luật hóa.

"Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và phải ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố", nữ đại biểu góp ý.

Theo Vnexpress, tại buổi thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện cũng lo ngại thông tin "người Thái nắm quyền kiểm soát nhà máy nước sông Đuống". Ông lưu ý, cần xem xét việc rót vốn của các nhà đầu tư ngoại và các dự án kinh doanh nước sạch có thực sự là để phục vụ nhân dân hay chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, rồi sau đó đẩy rủi ro cho người khác.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện  nhưng lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, ông Bình nói, đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.

Sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu và câu chuyện giá nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang trở thành tâm điểm của dư luận, dấy lên những tranh cãi trái chiều trong thời gian qua.

Vấn đề trong câu chuyện này là bởi, trong khi giá nước Sông Đà rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3 thì Hà Nội lại duyệt cho Công ty CP nước mặt Sông Đuống giá nước 10.246 đồng/m3. Điều này khiến dư luận bất bình.

Về vấn đề này, đại diện chính quyền Hà Nội - Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà thừa nhận, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).

Trả lời báo chí hôm 15/11, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực tế giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án. Sau này, khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình, khi đó sẽ ra giá thành cụ thể.

Theo Chủ tịch Hà Nội, khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội phân phối nước, trung bình 110.000-120.000m3/ngày đêm. Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đã đảm bảo nguyên tắc giá mua không được cao hơn giá bán ra.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, TP Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch suông Đuống và chắc chắc là không bao giờ bù giá cho đơn vị này, đồng thời khẳng định không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. Theo ông, TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH đề nghị đưa nước sạch vào mục kinh doanh có điều kiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.